Chất lượng khám chữa bệnh tại Sơn La tăng cao nhờ triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đổi mới trong chiến lược đào tạo, phát triển nâng cao nguồn nhân lực của ngành y tế. Sơn La thể hiện qua nhiều cách làm, hình thức đa dạng khác nhau. Chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương nhờ đó tăng cao.

Chú trọng đào tạo tay nghề nhân lực y tế

Quyết tâm đổi mới trong chiến lược đào tạo, phát triển nâng cao nguồn nhân lực của ngành y tế Sơn La thể hiện qua nhiều cách làm, hình thức đa dạng khác nhau. Xác định yếu tố con người giữ vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại cán bộ chuyên khoa; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ thầy thuốc.

Đến hết năm 2022, Y tế Sơn La đã cử hơn 5.300 công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó 172 lượt đào tạo trình độ chuyên môn; 92 lượt đào tạo lý luận chính trị; Bồi dưỡng kiến thức Quản lý Nhà nước chuyên viên chính và chuyên viên 21 lượt; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ 4.533 lượt; Bồi dưỡng tin học 06 lượt; Bồi dưỡng tiếng dân tộc 16 lượt; Bồi dưỡng ngoại ngữ 130 lượt.

Cùng với đó các cán bộ, y, bác sỹ của ngành y đã tham gia nhiều buổi tập huấn, đào tạo năng lực chuyên môn tại tuyến trên nhằm cập nhật kịp thời với phương pháp chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, theo dõi và phục hồi chức năng mới.

Chăm sóc người bệnh nặng tại khoa hồi sức. Ảnh TL

Chăm sóc người bệnh nặng tại khoa hồi sức. Ảnh TL

Trong tổng số 5.000 cán bộ, nhân viên y tế, có trên 2.000 người có trình độ đại học và sau đại học, còn lại là cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn; đạt 8,6 bác sĩ/1 vạn dân; 179/204 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Năm 2022, các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh cho hơn 1,3 triệu lượt người; tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 97%.

Song song nâng cao tay nghề nhân lực y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, nhất là khám chữa bệnh từ xa, tận dụng sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của tuyến trên việc nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở được đẩy mạnh. Nhờ đó, thời gian qua nhân lực y tế Sơn La đã chuyển biến mạnh mẽ. Các cơ sở y tế xây dựng được đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở.

Bác sĩ nâng cao tay nghề, chất lượng khám chữa bệnh tăng

Trở về Sơn La làm việc năm 2007 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên, BSCKI Bùi Nhung Hằng đã từng trải qua một số đơn vị công tác. Năm 2023, chị về công tác ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh. Sau đó tiếp tục được cử đi đào tạo tại Trường đại học Y Hà Nội, chuyên ngành Hồi sức - Cấp cứu.

Theo chia sẻ của bác sĩ, chị cùng đồng nghiệp thường xuyên được cơ quan tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cùng với đó, bệnh viện cũng mời các chuyên gia đầu ngành của tuyến Trung ương đào tạo "cầm tay chỉ việc". Đến nay, những ca bệnh khó trước kia phải chuyển lên tuyến trên giờ đã có thể thực hiện ngay ở tuyến tỉnh. Người bệnh được giảm chi phí, không phải đi lại quá xa.

Phẫu thuật nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt tại BVĐK Mộc Châu. Ảnh BSL

Phẫu thuật nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt tại BVĐK Mộc Châu. Ảnh BSL

BVĐK tỉnh Sơn La đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ cả về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Trung bình mỗi năm cử trên 20 lượt cán bộ đi đào tạo chuyên ngành, tập huấn và đào tạo tại tuyến trên.

Tay nghề của nhân lực y tế nâng cao tạo nền tảng vững chắc để thực hiện nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu thành công. Chẳng hạn như: Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng ống mềm có sinh thiết (gây mê); nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng ống mềm không sinh thiết (gây mê), nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng cầm máu... Chất lượng, thời gian khám chữa bệnh của người dân được rút ngắn và hiệu quả.

Hay tại đơn vị y tế tuyến huyện, bệnh viện đa khoa huyện Phù Yên cũng đã chữa trị được nhiều ca bệnh khó, như: Chạy thận nhân tạo, mổ u xơ tử cung, cấp cứu ngừng tuần hoàn, suất tim, phẫu thuật nội soi, chẩn đoán nội soi tiết niệu, tiêu hóa, tim mạch... Có được điều này nhờ việc chất lượng nhân lực y tế nâng cao khi đổi mới việc đào tạo. Hiện bệnh viện có 1 bác sỹ chuyên khóa II; 18 bác sỹ chuyên khóa I, 25 bác sỹ… phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh nội trú cũng như ngoại trú tốt.

Nhằm kịp thời cập nhật, bổ sung kiến thức y khoa mới cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Rất nhiều các kỹ thuật mới, hiện đại được giới thiệu, ứng dụng và triển khai. Từ đó nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn phù hợp với xu thế thế giới. Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh duy trì hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh, triển khai thực hiện tốt các gói kỹ thuật đã được chuyển giao từ các Bệnh viện: Hữu Nghị Việt Đức; Bạch Mai; Tim Hà Nội; Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 cơ sở khám chữa bệnh, gồm 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 204/204 xã, phường, thị trấn có trạm y tế. Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là y tế cơ sở.

Cuối năm 2023 phấn đấu đạt 8,6 bác sĩ; 0,96 dược sĩ đại học; 29,9 giường/10.000 dân; Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 95%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi giảm còn 15,4%. Tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 96%.

Gia Minh th

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chat-luong-kham-chua-benh-tai-son-la-tang-cao-nho-trien-khai-nhieu-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-16923113016154596.htm