Chất lượng giáo sư và “đội ngũ”

Yêu cầu một hệ sinh thái học thuật, trong đó, bảo đảm các điều kiện nghiên cứu tri thức cơ bản và giá trị ứng dụng, đề cao sáng tạo và tôn trọng tính đa dạng quan điểm, thái độ trí thức là điều được nói nhiều trong thời gian gần đây. Hồi chuông đó gióng lên trước một thực tế học hàm học vị trong xã hội vừa thừa nhưng lại vừa thiếu. Thừa chức danh nhưng thiếu đóng góp thực chất cho xã hội.

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2016 cho 703 nhà giáo trong buổi lễ diễn ra hôm 5-11. Cũng trong báo cáo tại buổi lễ này, hội đồng nói trên đã đưa ra con số: từ năm 1980-2015, Việt Nam có 11.619 giáo sư, phó giáo sư (trong đó có 1.680 giáo sư và 9.939 phó giáo sư) được công nhận sau 24 đợt xét, từ năm 1980-2015.

Trước đó không lâu, ông Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, cho rằng con số đó nghe thì lớn, nhưng tỷ lệ chức danh giáo sư, phó giáo sư trên dân số là không cao. Cụ thể, trên VietNamNet, ông Nhung đưa ra phân tích: xấp xỉ 1,2 giáo sư hoặc phó giáo sư trên 1 vạn dân (kể cả số giáo sư, phó giáo sư đã mất hoặc nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là giáo sư hoặc phó giáo sư và 416 (nếu kể cả giảng viên thỉnh giảng nữa thì khoảng 300) sinh viên mới có 1 giáo sư hoặc phó giáo sư.

Tỷ lệ không cao, chất lượng cũng hạn chế, giáo sư do Việt Nam đào tạo lại chưa có thế giá, uy tín trong học giới quốc tế (chỉ chưa đến 40% trong số giáo sư, phó giáo sư được phong học hàm năm 2016 có công trình công bố khoa học quốc tế). Điều này phần nào giải thích cho sự trì trệ của môi trường học thuật, nghiên cứu trong nước.

Trên thực tế, trong sự đòi hỏi phát triển nhanh chóng của các trường đại học, viện nghiên cứu đáp ứng yêu cầu xã hội đang phát triển, thì những cuộc chạy đua giành lấy học hàm giáo sư trong nước đang diễn ra. Từ năm 2013, khi có Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định 141/2013/NĐ-CP) thì “luật đua” trở nên dễ dàng, “môi trường đua” trở nên thông thoáng dễ dàng hơn. Một đại học muốn mở phân khoa: cho người đi xét phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Một đại học muốn mở lò đào tạo tiến sĩ: đưa danh sách xét phong hàm giáo sư để có điều kiện cơ bản. Sự cơ cấu, đẩy nhanh lộ trình phong hàm đáp ứng nhu cầu trước mắt đã dẫn đến thực tế tạo ra những bộ tiêu chuẩn nặng tính hình thức và tôn chỉ, ngoại vi học thuật, thiếu tính bối cảnh rộng, không phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.

Khi vị trí giáo sư - những người cầm trịch trong các lò đào tạo tiến sĩ, giảng dạy ở đại học kém phẩm chất thì chuyện đào tạo tiến sĩ, cử nhân trong nước không đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội là đương nhiên.

Nhìn sâu vào những điều kiện kiến tạo môi trường học thuật, thì thực tế nói trên cũng giải thích cho hiện tượng thiếu vắng những đột phá trong nghiên cứu, những công trình giá trị thúc đẩy sự phát triển chuyên môn lẫn giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra, chưa nói đến tinh thần trí thức hay sự kết nối trong thế bình đẳng với cộng đồng khoa học quốc tế.

Ngay trong buổi công bố chức danh giáo sư, phó giáo sư 2016 vừa qua, ông Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, thừa nhận: “Nếu nhìn rộng ra khu vực và thế giới, chúng ta còn tụt hậu khá xa - Thành tựu về công nghệ, kết quả về nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn còn rất khiêm tốn. Số lượng phát minh, sáng chế được đăng ký, công nhận và những đóng góp thiết thực cho kinh tế, xã hội lại càng khiêm tốn hơn.

Trong khoa học xã hội và nhân văn, chúng ta chưa làm lan tỏa mạnh được văn hóa Việt, hồn Việt ra với cộng đồng quốc tế một cách rộng rãi.

Tự vấn luôn là điều cần thiết nhưng hơn ai hết, chính Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phải trả lời câu hỏi đó một cách cụ thể bằng quy trình phong học hàm, bằng sự công nhận chuyên môn tri thức và phẩm chất trí thức của từng giáo sư, phó giáo sư; đặt chất lượng học hàm trong tương quan yêu cầu của xã hội và đời sống học thuật quốc tế.

Ngoài ra, chừng nào một môi trường nghiên cứu, giảng dạy đầu não của sự phát triển trí thức xã hội mà còn được coi là “đội ngũ” theo cái nghĩa tập hợp đồng phục thì chừng đó, cái thừa vẫn thừa mà cái thiếu thì vẫn thiếu!

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153606/chat-luong-giao-su-va-doi-ngu.html/