Chất lượng giáo dục được nâng lên từ một nghị quyết

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI 'Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế', ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trường THPT thị xã Quảng Trị - ngôi trường có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi và sân chơi trí tuệ cấp quốc gia - Ảnh: N.V

Trường THPT thị xã Quảng Trị - ngôi trường có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi và sân chơi trí tuệ cấp quốc gia - Ảnh: N.V

Chất lượng GD&ĐT bước đầu có sự chuyển biến rõ nét, nhất là đã chú trọng đến việc phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Hệ thống trường lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hợp lý. Hiện nay, toàn tỉnh có 399 cơ sở GD mầm non, phổ thông và GD nghề nghiệp - GD thường xuyên. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 38 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục, 12 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, 15 đơn vị tổ chức hoạt động GD kỹ năng sống.

Đối với bậc mầm non, tỉ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng tăng, hiện nay huy động nhà trẻ đạt 31,53%, mẫu giáo 91,52%. Từ năm 2013 đến nay, tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo tăng từ 3% - 5%/năm. Có nhiều nguyên nhân đạt được kết quả đó, trong đó có việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động dạy và học.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn, trên chuẩn tăng cao, năng lực, nghiệp vụ sư phạm tốt; 100% nhóm, lớp thực hiện Chương trình GD mầm non. Từ sự chăm sóc nuôi dạy trẻ tốt nên tỉ lệ trẻ phát triển bình thường, nhà trẻ đạt 92,3%, mẫu giáo đạt 91,6%, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 3,2% - 3,9%/năm.

Đến năm học 2022 - 2023, bậc mầm non 100% trẻ em được ở bán trú và học 2 buổi/ ngày, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình GD mầm non, 100% trẻ được chăm sóc sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ. Công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đến tháng 3/2023 có 97/147 trường mầm non đạt chuẩn, đạt 65,99% so với chỉ tiêu kế hoạch.

Chất lượng GD bậc tiểu học đạt được nhiều bước tiến mới trong đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Công tác chỉ đạo, quản lý việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Tính đến năm 2022, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học mức độ 3, vượt 20% so với chỉ tiêu.

Đến năm học 2022 - 2023, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, 9 buổi/tuần đạt 89,8%, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra gần 10%, riêng lớp 1, 2, 3 đạt 100%, đúng theo yêu cầu của thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018. Việc dạy học tiếng Anh cho học sinh (HS) lớp 3 đến lớp 5 đạt 94,1%; dạy học Tin học cho HS lớp 3 đến lớp 5 đạt 94,3%. Đến 2020, có 71,43% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó có 52,86% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt 105,71% chỉ tiêu kế hoạch.

Cấp THPT có 20 trường dạy tiếng Anh chương trình 10 năm, tăng 8 trường so với năm học 2015- 2016, trong đó tỉ lệ HS lớp 10 chiếm 86,9%, lớp 11 chiếm 53,1%, lớp 12 chiếm 54,9%. Tỉ lệ HS tốt nghiệp THCS bình quân hằng năm đạt 99,62%, THPT đoạt 91,85%. Chất lượng GD mũi nhọn có bước phát triển vững chắc.

Từ năm 2013 đến nay, có hàng ngàn em đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh ở cấp THCS và THPT, có 234 HS đoạt giải tại các kỳ thi HS giỏi văn hóa cấp quốc gia THPT. Nhiều HS đoạt giải cao trong các cuộc thi và sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, đặc biệt có 2 HS giành ngôi Quán quân (năm 2015, 2017) và 1 HS đạt Á quân (năm 2018) chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, có 5 HS đoạt giải khu vực và quốc tế.

Công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến năm 2020, có 77,78% trường THCS đạt chuẩn, đạt 155,56% chỉ tiêu kế hoạch; có 50% trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 166,67% chỉ tiêu kế hoạch.

Tuy nhiên, chỉ số đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia có sự thay đổi theo bộ tiêu chí mới với yêu cầu cao hơn, một số chỉ số đánh giá mang tính quá trình, định hướng để đầu tư, thúc đẩy GD, mang lại lợi ích cho người học nên tỉ lệ trường đạt chuẩn có sự thay đổi. Đến ngày 31/12/2022, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đối với 3 cấp học là 195/367 (chỉ tính khối các trường công lập), đạt tỉ lệ 53,13%, đạt 75,90% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tổ chức học văn hóa kết hợp với đào tạo nghề hệ trung cấp, học viên học liên kết trung cấp nghề, đồng thời chủ động tổ chức liên kết đào tạo nghề, mở các lớp bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ, tiếng BruVân Kiều và tích cực hỗ trợ các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng.

Trung tâm GD thường xuyên tỉnh, Trung tâm CNTT - Ngoại ngữ của sở, Trung tâm GD thường xuyên - Tin học, ngoại ngữ tỉnh sau khi sáp nhập đã triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn. Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) - Ngoại ngữ tham mưu sở thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực CNTT trong toàn ngành; mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ quản lý, giáo viên và tổ chức thi cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho người học.

Trung tâm GD thường xuyên tỉnh, nay là Trung tâm GD thường xuyên - Tin học, ngoại ngữ tỉnh là đơn vị tự chủ toàn phần đã thực hiện tốt chức năng liên kết đào tạo. Từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã liên kết đào tạo hệ đại học, cao đẳng cho 4.370 học viên, bồi dưỡng ngắn hạn cho 4.679 học viên.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chat-luong-giao-duc-duoc-nang-len-tu-mot-nghi-quyet/176626.htm