Chất lượng đại học chưa theo kịp quy mô

Tại diễn đàn về giáo dục đại học vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) thừa nhận, thời gian qua, quy mô đào tạo tăng nhanh nên các điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học chưa theo kịp. Các trường còn chậm đổi mới nội dung chương trình đào tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hàng loạt các giải pháp mạnh tay được Bộ GD - ĐT đưa ra cho năm 2013 để tập trung cải thiện chất lượng giáo dục đại học.

Đáng báo động

Tổng kết lại tình hình giáo dục đại học trong thời gian qua, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học và sau đại học, Bộ GD - ĐT cho biết, do quy mô đào tạo đại học tăng nhanh nên các điều kiện đảm bảo chất lượng không theo kịp dẫn đến chất lượng đào tạo còn thấp, việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo ở các trường đại học còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Hơn nữa, phương pháp giảng dạy ở các trường còn nặng về truyền đạt một chiều, thụ động.

Quy mô đào tạo đại học tăng nhanh nên các điều kiện đảm bảo chất lượng không theo kịp. Ảnh: ctv

Ông Bùi Anh Tuấn dẫn chứng, mặc dù đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học tăng nhanh nhưng chưa theo kịp mức độ tăng trưởng về quy mô đào tạo. Đã thế, chất lượng giảng viên còn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học thấp. Hiện toàn ngành có 286 giảng viên có chức danh giáo sư, chiếm 0,5%, 2.009 phó giáo sư (chiếm 3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%), 28.037 thạc sĩ (chiếm 47%). Lực lượng cán bộ khoa học, đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chỉ đạt 14,77%. Đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh khoa học chỉ đáp ứng cho việc đào tạo, hướng dẫn cho khoảng 61% số học viên cao học hiện nay tính theo tất cả các lĩnh vực, ngành đào tạo.

Nhấn mạnh các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn hạn chế, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, kết quả rà soát đào tạo thạc sĩ năm 2012 có 161/1.002 ngành, chuyên ngành, thuộc 50 cơ sở đào tạo không đảm bảo điều kiện. Nhiều cơ sở đào tạo đã liên kết đào tạo thạc sĩ tại địa phương trái với quy định, không đủ các điều kiện để đảm bảo chất lượng. Chính vì chất lượng đào tạo yếu kém nên sinh viên đại học, cao học xuống dốc về trình độ khoa học, kiến thức chung, tinh thần và tư duy.

Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, đào tạo đại học được xem như đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều trường vẫn chỉ quan tâm đến việc tuyển đủ chỉ tiêu, chạy theo số lượng đào tạo. Còn những trường ngoài công lập không tuyển sinh được lại xin hạ điểm sàn.

Kiểm soát chặt quy mô đào tạo

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong năm 2012 có 23 trường ĐH ra đời, trong đó có 3 trường thành lập mới và đều là trường tư thục. Còn lại là các trường được nâng cấp từ bậc thấp hơn. Hà Nội là địa phương có nhiều trường được thành lập nhất, gồm 5 trường, trong đó có 4 trường là trường công lập được nâng cấp. Việc thành lập trường đại học không khó nhưng để trường có thể hoạt động trong tình hình hiện nay thì lại là một việc khó. Thực tế cho thấy, người học giờ không còn nỗi lo phải đạt mục tiêu vào ĐH vì hiện cứ đến mùa tuyển sinh là các trường đua nhau mời chào người vào học, mà họ hướng tới những trường chất lượng để lựa chọn. Làm thế nào để thu hút học sinh vào học đang là vấn đề đau đầu với các trường, nhất là các trường ngoài công lập. Chỉ những trường có uy tín, chất lượng thì mới tuyển sinh được.

Năm 2013, Bộ tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo vừa làm vừa học, giảm chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy... Đồng thời tăng cường thanh tra trên diện rộng hoạt động tuyển sinh và đào tạo theo hình thức liên thông, liên kết đào tạo đối với các trường ĐH, CĐ và công tác quản lý liên kết đào tạo tại các trường. Xử lý những sai phạm trong công tác đào tạo sau đại học tại địa phương, đào tạo không đúng địa điểm và liên kết đào tạo chưa được sự đồng ý của Bộ.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, cần thay đổi trong nhận thức và sau đó cụ thể thành hành động việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển dựa trên số lượng, quy mô sang tăng trưởng dựa trên chất lượng và hiệu quả. Từ đó, trọng tâm của năm học tới sẽ là việc củng cố, hoàn thiện mô hình tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu; giảm tối đa việc xin cho, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh. Việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đúng thời gian và đảm bảo chất lượng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD và ĐT, sau đó sẽ là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý...

Lê Vân

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/dao-tao/chat-luong-dai-hoc-chua-theo-kip-quy-mo-20130208233456815.htm