Chào mừng Vesak 2025 được tổ chức tại Việt Nam: Tuệ giác Phật giáo về chiến tranh và hòa bình

Hy vọng những phiên hội đàm của đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tới đây sẽ đưa thêm được nhiều kiến giải, góp phần làm sáng rõ thêm tuệ giác Phật giáo để thậm chí dù cho trên thế giới vẫn còn những cuộc xung đột, chiến tranh, thì cũng chỉ ra thêm nhiều giải pháp để mỗi người biết nuôi dưỡng tình thương...

Mục lục bài viết

Hy vọng những phiên hội đàm của đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tới đây sẽ đưa thêm được nhiều kiến giải, góp phần làm sáng rõ thêm tuệ giác Phật giáo để thậm chí dù cho trên thế giới vẫn còn những cuộc xung đột, chiến tranh, thì cũng chỉ ra thêm nhiều giải pháp để mỗi người biết nuôi dưỡng tình thương…

Những câu chuyện Jataka về cách ứng xử trong chiến tranh

Những đức tính cao quý của Thiên chủ Sakka

Đức hạnh của Vua Asoka

Hy vọng những phiên hội đàm của đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tới đây sẽ đưa thêm được nhiều kiến giải, góp phần làm sáng rõ thêm tuệ giác Phật giáo để thậm chí dù cho trên thế giới vẫn còn những cuộc xung đột, chiến tranh, thì cũng chỉ ra thêm nhiều giải pháp để mỗi người biết nuôi dưỡng tình thương…

TS Cao Xuân Sáng
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

Đất nước Việt Nam lại có duyên lành được đăng cai tổ chức đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc vào năm 2025 với chủ đề: “Đoàn kết, thống nhất và hợp tác: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững.” Chủ đề lựa chọn đại lễ Vesak lần này mang một giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc cho nhân loại trong thời đại ngày nay và xa hơn nữa.

Sự kiện đức Phật Đản sinh mang tới cho nhân loại con đường giải thoát khổ đau, xóa bỏ đi những hận thù, xung đột, chiến tranh, để nhân loại có niềm an vui hạnh phúc. Ngay cả trong những hoàn cảnh tiêu cực nhất nếu xã hội xảy ra xung đột, chiến tranh thì những lời giáo huấn đầy trí tuệ, từ bi của đức Phật cũng giúp cho những người nắm quyền lực, những người tham gia chiến trận biết giảm thiểu thương vong, khổ đau, mang lại sự an bình cho bản thân, nền hòa bình cho cộng đồng.

Khi còn là một hoàng tử trẻ, đức Phật mong muốn buông bỏ những thú vui phù phiếm của đời sống thế tục, nỗ lực tìm kiếm một con đường đưa tới nền hòa bình tối thượng. Sau khi đã đạt đạo, khi được hỏi về mục đích thuyết pháp của mình, Ngài luận giảng rằng, để giúp tránh xung đột với bất kỳ ai trên thế giới, và để chấm dứt mọi khuynh hướng trong tâm con người muốn gây xung đột, tạo ra chiến tranh và mọi hình thức xung đột vũ trang lớn nào.

Đức Phật dạy rằng, hậu quả không thể tránh khỏi của chiến tranh và xung đột là những nỗi đau khổ khủng khiếp đối với con người cũng như các loài khác do bạo lực và sự tàn ác của con người gây nên. Sự đau khổ của con người phải trải qua do các cuộc xung đột vũ trang đầy bạo lực được minh họa đầy đủ trong Kinh Mahā-dukkakkhandha, trong đó mô tả đầy sinh động về những đau khổ khôn cùng mà các chiến binh đối địch gây ra trong các cuộc chiến tranh.

Đức Phật nhiều lần nhấn mạnh rằng giáo pháp mà ngài truyền trao chỉ nhắm tới mục đích tận diệt mọi loại khổ đau. Lời giảng dạy của Ngài giúp loại trừ khổ đau ở mọi cấp độ và phương diện trong đời sống. Bất kỳ ai thấu hiểu, nỗ lực thực hành theo giáo pháp của Ngài thì chắc chăn sẽ chấm dứt được mọi khổ đau bên ngoài và trong tâm.

Đau khổ được Phật giáo coi là bản chất xấu, và do đó, ở mọi cấp độ có thể, Phật giáo chủ trương tránh, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu đau khổ. Hành động từ gốc rễ của tham, sân, si mang lại đau khổ cho chính con người và dẫn đến những hành động có hại cho người khác. Mặt khác, làm cho cuộc sống của một người thấm nhuần những an trú thiêng liêng của lòng từ, bi, hỷ và xả có nghĩa là con người không còn gây đau khổ cho người khác.

Trên thế giới thì có vô số loại đau khổ được gây ra bởi thiên tai như động đất, bão tố và sóng thần cũng như các quá trình tự nhiên của tuổi già, bệnh tật và cái chết. Ngoài những loại khổ đau gắn với hoàn cảnh bên ngoài thì Phật giáo nhấn mạnh tới loại khổ đau do tâm ý và hành vi bất thiện của chính con người gây ra.

Giáo lý Phật giáo chủ yếu đề cập đến loại đau khổ mà con người gây ra cho chính mình và cộng đồng do tâm tham, sân, si gây nên. Tất nhiên, có sự khác biệt lớn về mức độ phát triển của tuệ giác và mức độ chuyển hóa của những cảm xúc cơ bản mà mỗi người sẵn sàng và có thể đạt được thông qua việc trau dồi tuệ giác và từ bi tâm.

Khi thuyết giảng những giáo pháp này, đức Phật cũng rất thực tế bởi ngài biết nghiệp chướng và căn cơ của loài người nói chung không đơn giản có thể lập tức có ngay được nền hòa bình và có thể tận trừ ngay lập tức mọi khổ đau. Ngài nhận ra sự thật rằng, bản chất của chúng sinh đều mong muốn có đời sống hòa hợp và hòa bình, nhưng do những tập khí đố kỵ và keo kiệt sâu dầy buộc họ gây nên chiến tranh.

Chiến tranh giữa các vương quốc cũng không phải là hiện tượng hiếm gặp vào thời Đức Phật. Ngay cả những vị vua là đại thí chủ của ngài, những người thường xuyên tìm cầu lời chỉ dạy và hướng đạo của ngài về các nguyên tắc của đời sống đạo đức, cũng từng tham gia vào các cuộc chiến tranh.

Các nguồn kinh điển kể lại rằng, trong khi giành trọn thân tâm hành thiền đơn độc, những câu hỏi sau đây đã nảy sinh trong tâm trí đức Phật: “Có thể thực hiện vai trò trị quốc mà tuân thủ được nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức như: không tham gia vào việc sát hại, ép buộc người khác tham gia giết chóc, không tham gia vào cuộc chinh phạt của quân đội và ép buộc người khác tham gia vào chiến trận, không tham gia gây nên những thống khổ cho con người hay ép buộc người khác làm việc gây khổ đau cho con người và cộng đồng?”

Khung cảnh Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2017 tại Borobudur, Indonesia. Ảnh Minh Minh

Mặc dù, trong quá khứ, các cuộc chiến tranh xâm lược thường diễn ra với mục đích bành trướng lãnh thổ hoặc tranh giành nguồn tài nguyên, nhưng trong thế giới hiện đại, các mối đe dọa đối với hòa bình phức tạp hơn, thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Các siêu cường toàn cầu liên tục phải chịu sự nghi ngờ lẫn nhau, không chỉ do sự cạnh tranh vì nguồn tài nguyên của thế giới mà còn từ nhiều nguyên nhân khác như xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp liên quan đến giới hạn lãnh thổ và bất đồng về hệ tư tưởng chính trị có thể đe dọa sự tồn tại hòa bình trong bối cảnh toàn cầu. Xu hướng không thay đổi trong các tình huống xung đột theo chiều dài lịch sử là mỗi bên đều luôn biện minh về mặt đạo đức cho lập trường của mình.

Ngày nay mặc dù nhân loại đang có nhiều thành tựu phát triển trên nhiều lĩnh vực nhưng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra chiến tranh hủy diệt.

Mặc dù Phật giáo coi chiến tranh có nguồn gốc từ tâm tham lam, sân giận và si mê nhưng trên thực tế vì cộng nghiệp mà có khả năng ngay cả một bên chính nghĩa cũng bị lôi kéo vào cuộc kháng chiến vũ trang để tự vệ trước sự xâm lược bất chính. Tất cả các xã hội loài người đều có những nền tảng giá trị đạo đức phải tuân thủ, nhưng trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau, họ phải tham gia vào các cuộc chiến tranh với các quốc gia khác hoặc nội chiến ở nhiều mức độ quy mô.

Ngay cả trong thời đại ngày nay được nhiều người cho là thời đại của liên kết và hợp tác thì mối đe dọa chiến tranh luôn hiện diện. Bởi vậy những vấn đề đạo đức được đặt ra trong bối cảnh chiến tranh cũng vô cùng hữu ích và Phật giáo chứa đựng nhiều tư tưởng thiết thực, đầy giá trị.

Giáo lý Phật giáo có quan niệm về Chuyển luân Thánh vương, một bậc trị vì vương quốc bằng trí tuệ và các nguyên tắc đạo đức mang lại lợi lạc cho người dân mà không sử dụng vũ khí chiến tranh để thiết lập quyền lực cũng như không dùng các biện pháp bạo hành.

Tuy nhiên, ngay cả một bậc trị vì như vậy cũng vẫn duy trì một đội quân hùng mạnh để chống lại bất kỳ đội quân xâm lược nào. Điều này cho thấy trong thực tế xã hội loài người, ở những bối cảnh lịch sử khác nhau, xung đột và chiến tranh vẫn có thể xảy ra mà không tránh được hoàn toàn.

Phật giáo coi chiến tranh xâm lược là hoàn toàn phi đạo đức, là kết quả của tâm tham lam và hận thù. Tuy nhiên, nhà nước phải bảo vệ công dân của mình khỏi các thế lực hung hãn thù địch, và nhu cầu này còn có thể nảy sinh khi một vương quốc phải tự bảo vệ mình, chống lại sự xâm lược phi lý.

Những câu chuyện Jataka về cách ứng xử trong chiến tranh

Trong những hoàn cảnh lịch sử như trên, Phật giáo có nhiều các nguyên tắc đạo đức trong hoàn cảnh xã hội chiến tranh, giúp giảm thiểu những đau đớn hủy diệt. Hình ảnh Thiên chủ Sakka, một Phật tử có niềm tin kính sâu sắc tới đức Phật, đã tham gia vào chiến tranh nhưng đồng thời có nhiều quyết định làm giảm đi những khổ đau cho người lính trận và nhân dân. Trong bản kinh văn Jātakas, bao gồm các câu chuyện về tiền thân của đức Phật.

Khi đức Phật hành Bồ tát đạo, ngài đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh và có trường hợp ngài tham gia trực tiếp trên chiến trận. Rất nhiều những hành động, lời nói của ngài thể hiện chuẩn mực đạo đức trong bối cảnh chiến tranh, đặc biệt liên quan tới việc đối xử với các nạn nhân vô tội, tránh các biện pháp tàn ác và cách đối xử nhân ái với kẻ thù bị đánh bại.

Rất nhiều các bài học trong các kinh điển Phật giáo đã dạy không được hành động bằng tâm hận thù và hóa giải hận thù bằng từ bi tâm. Điều này đặc biệt có giá trị khi mà nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh và những xung đột trực tiếp trong chiến tranh đều bắt nguồn từ tâm hận thù.

Trong mọi tình huống việc suy xét phương diện đạo đức đều được coi là quan trọng, Phật giáo khẳng định rằng việc giảm thiểu khổ đau và mang lại niềm an vui, hạnh phúc tối đa là trách nhiệm đạo đức hàng đầu của mỗi người. Lý tưởng đạo đức Phật giáo được phản ánh trong quan niệm về nghiệp thiện hay bất thiện.

Hành động bất thiện là hành động gây ra đau khổ cho bản thân và cộng đồng, ngược lại hành động thiện là hành động dẫn tới niềm an lạc, hạnh phúc dài lâu cho bản thân và cộng động. Không có bất kỳ một ngoại lệ hay ưu tiên nào nhân danh thánh thần hay các đấng linh thiêng để ngăn cản nguyên tắc giảm thiểu khổ đau, mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Một khi chiến tranh nổ ra, nguyên tắc này vẫn mang lại những giá trị to lớn.

Trong các thời kỳ văn học Phật giáo phát triển, nhiều bản kinh văn đã xuất hiện nội dung bàn về các quy tắc đạo đức khi thực thi quyền lực chính trị. Những vi phạm đạo đức được coi là nghiêm trọng nhất xảy ra trong chiến tranh khi người tham gia chiến trận có động cơ tìm cách trả thù kẻ thù bại trận và thể hiện sự bàng quan một cách tàn ác trước những đau khổ tột cùng của người vô tội.

Đức Phật đã chỉ ra tình trạng này và đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn những hành động như vậy, dựa trên nền tảng của tâm từ bi và lòng tha thứ, đặc biệt nhấn mạnh tới các nguyên tắc đạo đức mà những nhà lãnh đạo cần tuân theo.

Có mười nguyên tắc đạo đức cần tuân theo khi thực thi quyền lực nhà nước nhằm ngăn chặn các hành vi bạo lực, áp bức và lạm dụng quyền lực. Mười nguyên tắc này được liệt kê qua chuyện Lộc vương Hoan hỷ, trong đó Bồ Tát sinh ra là thủ lĩnh của một đàn hươu, đã thể hiện lòng dũng cảm và tâm vị tha của mình để ngăn chặn một vị vua đang đi săn.

Sau đó, hươu đầu đàn khuyên nhủ nhà vua về đạo đức mà những người đang nắm giữ trọng trách vương quyền phải có trách nhiệm thực hành. Các vị vua nên trị vì vương quốc mà không rơi vào bốn kiểu hành vi bất thiện và thực hành 10 nguyên tắc đạo đức:

(1) Lòng bác ái, (2) Đạo đức, (3) Đức hy sinh, (4) Sự trung thực, (5) Từ bi, (6) Biết đủ, (7) Không giận sân, (8) Không gây tổn thương, (9) Nhẫn nại và (10) Không trả thù. Mỗi phẩm chất trên đều có giá trị trực tiếp giúp những người thực thi quyền lực nhà nước, lãnh đạo quân đội giảm thiểu những nỗi khổ đau trong cả thời hòa bình và trong giai đoạn chiến tranh[1].

Một câu chuyện rất phổ biến trong lịch sử Phật giáo, đề cập đến các cuộc chiến tranh giữa Vua Ajātasattu của xứ Magadha và Vua Pasenadi của xứ Kosala. Ajātasattu đẫ giết hại vua cha mình để cướp ngôi. Ngay từ nhỏ, ông ta đã có tính cách độc ác và chịu ảnh hưởng tâm địa xâu xa của Devadatta. Em gái của Vua Pasenadi là hoàng hậu của Vua Bimbisāra, cha của Ajātasattu.

Sau hành động tàn ác bỏ đói cha mình đến chết của Ajātasattu, hoàng hậu qua đời vì đau buồn. Sau cái chết của em gái, vua Pasenadi từ chối chi trả một khoản tiền lớn vùng đất được tính là của hồi môn của hoàng hậu trước đó. Vì lý do này, chiến tranh 2 vương quốc nổ ra. Vua Pasenadi nhận được một số lời khuyên về chiến lược chiến tranh đến từ tăng sĩ Dhanuggahatissa Thera, ngài từng là một chiến binh tài giỏi, nên cuối cùng đã giành được chiến thắng.Vua Ajātasattu bị xích trói và bị bắt làm tù binh.

Tuy nhiên vua Pasenadi khi ấy đã nhận sự ảnh hưởng sâu sắc từ giáo lý đạo đức của Phật giáo nên chỉ cho phạt tù Ajātasattu vài ngày, rồi sau đó hòa giải, gả gái riêng của mình cho Ajātasattu. Ông cũng trả lại lượng tiền thu thuế của ngôi làng tranh chấp trước đây. Sự hòa giải này minh họa rõ nét những phẩm chất như tính ôn hòa, không sân giận và trả thù rất cần thiết cho những nhà lãnh đạo vương quốc để mang lại hòa bình cho xã hội [2].

Đại lễ Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới thu hút đông đảo phật tử tham gia
tại Vesak 2019. Ảnh Trịnh Văn Bộ

Những đức tính cao quý của Thiên chủ Sakka

Trong văn học Phật giáo, vị Thiên chủ Sakka đã thể hiện như một hình mẫu đạo đức để noi theo trong hoàn cảnh mình đang ở thế thượng phong nơi chiến trận. Trong các bản kinh văn Chú giải chuyện chư Thiên, có ghi lại các cuộc chiến đấu giữa Sakka với Vepacitti, qua đó làm nổi bật giá trị của đức tính cần thiết của các nhà lãnh đạo như sự ôn hòa, không hận thù, không gây tổn thương, nhẫn nại và không trả thù ngay cả trong những tình huống đã bắt được đối phương và bị khiêu khiêu khích.

Các chiến binh chư thiên dưới sự lãnh đạo của Sakka đã chiến thắng nhóm Atula luôn ghen tỵ do Vepacitti lãnh đạo, và Vepacitti khi thua trận đã bị trói đưa đến lãnh thổ của Sakka.

Vepacitti, khi bị giam đã liên tục xúc phạm và lăng mạ Sakka. Người đánh xe của Sakka đã thỉnh cầu Sakka tra tấn và dùng hình phạt khắc nghiệt để trả thù. Tuy nhiên Thiên chủ Sakka đã luôn giữ tâm an tĩnh và nói rằng người thắng trận rất cần nuôi dưỡng từ bi tâm và thương xót kẻ thù, ngay cả với cả tù binh.

Thiên chủ Sakka chỉ ra tâm an bình và nhẫn nại là những dòng tâm cao quý nhất trong thế giới này. Đức Phật kể lại câu chuyện này và tán thán vị Thiên chủ Sakka khi thực hiện quyền lực hoàng gia của mình với chư thiên vẫn luôn nuôi dưỡng tâm nhẫn nại.

Trong các bản kinh văn Chú giải chuyện chư Thiên có mô tả có một minh họa về đức tính bảo vệ mạng sống của người vô tội và nỗ lực kiềm chế hành động có thể gây nguy hiểm cho mạng sống của họ ngay cả khi phải trả giá bằng những hậu quả bất lợi trong chiến trận. Đức Phật kể lại, trong một lần nhóm Atula đánh bại chư thiên, và các chư thiên phải rút lui khỏi chiến trường để bảo vệ mạng sống của mình. Trên đường rút lui, những cọc xe của chư thiên đã va vào một số tổ chim và có nguy cơ giết chết một số chim non.

Nhận ra được điều này, Thiên chủ Sakka ra lệnh cho quân đội của mình quay trở lại, bất chấp mối đe dọa sắp xảy ra đối với mạng sống của các chiến binh đang bị kẻ thù truy đuổi. Tuy nhiên, đội quân của Vepacitti lại nghi ngờ rằng Sakka chắc chắn đã quay lại với quân tiếp viện đông đảo nên họ sợ hãi bỏ chạy. Bấy giờ, đức Phật ngợi ca rằng Sakka chiến thắng nhờ tâm hành thiện của mình. Khi nhắc tới câu chuyện này, đức Phật đã nói:

“Trong quá khứ, ngay cả những vị đứng đầu cõi chư thiên, khi phải chạy trốn qua đại dương trong chiến trận, cũng quyết định rằng để duy trì quyền lực của mình mà phải hủy diệt sinh mạng kẻ khác là điều phi lý. Để đạt được mục đích này, các vị đã không quản tính mạng của mình, dừng cỗ xe, cứu mạng những chú chim non bé bỏng”[3].

Hình ảnh này nêu bật đức hy sinh, lòng vị tha và không bao giờ làm tổn thương các loài sẽ mang lại lợi lạc to lớn cho những nhà lãnh đạo bất kỳ đất nước nào.

Đức hạnh của Vua Asoka

Có nhiều sự kiện lịch sử trong cộng đồng Phật giáo và các phật tử trở thành minh họa điển hình ứng dụng các nguyên tắc Phật giáo giúp giảm thiểu khổ đau trong chiến tranh.

Ví dụ điển hình nhất là Vua Asoka, sau khi trở thành phật tử thuần thành, đã từ bỏ tâm bạo lực và hành động quân phiệt trước đây. Sau khi thành lập đế chế của mình thông qua những cuộc chinh phục bằng quân sự bạo lực bao gồm cả vụ thảm sát trong chiến tranh ở Kālinga (bang Orissa ngày nay), Asoka trở nên vô cùng hối hận về những đau khổ mà ông đã gây ra cho con người trong các trận chiến.

Trong Rock chỉ dụ XIII, Asoka bày tỏ sự ăn năn và vô cùng hối hận về những phiền muộn, đau khổ mà mình đã gây ra: (1)Vùng đất Kalinga bị vua Priyadarsín [Asoka] chinh phục…Một trăm năm mươi nghìn người bị bắt làm tù binh và một trăm nghìn người bị giết. (2) Sau đó . . . Devānāmpriya [Asoka] hết lòng cống hiến cho Dharmapālana (bảo vệ giáo Pháp). (3) Devānāmpriya, người chinh phục xứ Kalinga bây giờ hối hận vì nghĩ rằng cuộc chinh phục không phải là vinh quang, vì đã có những tàn sát, mạng vong và sự lưu đày của dân chúng. Điều đó được cảm nhận với nỗi buồn và sự hối tiếc sâu sắc.(6)

Bây giờ, ngay cả việc mất đi một phần trăm hoặc thậm chí một phần nghìn sinh mạng bị giết hoặc bị bắt làm tù binh vào thời điểm Kālingas bị chinh phục – đều bị Devānāmpriya coi là đáng trách. Trong Sắc lệnh Kalinga I, Asoka nói: “Với con cái mình, tôi mong muốn được cung cấp đầy đủ mọi tiện nghi và niềm an vui cho chúng ở thế giới này và cả khi chúng lìa đời. Tôi cũng thành thực mong muốn cung cấp tất cả niềm an vui và tiện nghi cho tất cả người dân như vậy.”[4]

Văn bản cũng ghi lại rằng, tại các vùng lãnh thổ bị chinh phục cũng như các vùng biên giới, Asoka đã khởi xướng một số chính sách nhân đạo, chẳng hạn như thiết lập các dịch vụ y tế cho cả con người và động vật.

Nhờ sức mạnh của phật pháp, vua Asoka đã cam kết không tham gia vào những cuộc chinh phục vũ trang nữa. Những nguyên tắc đạo đức mà đức Phật chỉ dạy cũng thấm nhuần nơi các chính sách trị quốc, loại trừ bất kỳ khổ đau, mang lại bất kỳ niềm hạnh phúc nào cho người dân.

Hòa bình là khát vọng chung của toàn thể nhân loại nhưng vì những nghiệp lực tiêu cực sâu dày, thế giới vẫn đang phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột, bạo lực, chiến tranh lan tràn khắp nơi. Đức Phật Đản sinh đã chỉ ra khai mở tuệ giác giúp chỉ ra con đường rèn luyện thân tâm, xóa bỏ đi những hận thù, xung đột để mỗi người có được sự an bình nội tâm và cộng đồng loài người có được nền hòa bình bền vững.

Hy vọng những phiên hội đàm của đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tới đây sẽ đưa thêm được nhiều kiến giải, góp phần làm sáng rõ thêm tuệ giác Phật giáo để thậm chí dù cho trên thế giới vẫn còn những cuộc xung đột, chiến tranh, thì cũng chỉ ra thêm nhiều giải pháp để mỗi người biết nuôi dưỡng tình thương, lòng nhẫn nại để giảm bớt đi những nỗi thống khổ, xây dựng niềm an vui cho bản thân và kiến tạo nền hòa bình bền vững cho thế giới.

TS Cao Xuân Sáng
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

***

TƯ LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tiểu bộ Kinh, Tập IV, Khuddaka Nikyas, Chuyện Tiền thân đức Phật (Jataka), Chuyện Lộc vương hoan hỷ , Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt, Viện Phật học Vạn Hạnh, 1980, trang 276-279.

[2]. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tiểu bộ Kinh, Tập IV, Khuddaka Nikyas, Chuyện Tiền thân đức Phật (Jataka), Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt, Viện Phật học Vạn Hạnh, 1980.

[3]. Kinh tạng Pali (Pali Nikaya), Tam thập Tam thiên, HT. Thích Minh Châu dịch tiếng Việt, Ấn bản năm 1991. [4]. Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka, Cuộc đời và sự nghiệp), Vạn Hạnh, Phật Lịch 2546.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vesak-2025-tue-giac-phat-giao.html