'Chàng Thị Màu' lẳng lơ khiến giám khảo Vietnam’s Got Talent... đứng hình

Ba tuổi rưỡi, tài năng nghệ thuật của em đã được nhen nhóm, nhưng không phải là “con cò bé bé” hay “cháu lên ba” như các bạn cùng trang lứa. Nguyễn Đức Vĩnh đã chăm chú vào những vở chèo cổ. Tài năng bẩm sinh đã giúp cậu bé tỏa sáng trong lòng khán giả hâm mộ cả nước.

Dán mắt vào chèo cổ từ tuổi lên ba

Đức Vĩnh là thí sinh đầu tiên lọt vào Chung kết cuộc thi mùa thứ ba. Lần đầu tiên xem Nguyễn Đức Vĩnh diễn cảnh Thị Màu lên chùa, một trích đoạn trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, sau giây phút trầm trồ là cảm xúc lặng người của khán giả trước diễn xuất có hồn và cực kỳ đỏng đảnh của “cô” “Màu nhí” trên sân khấu.

Ngay chính bốn vị giám khảo cũng hết sức thú vị, ngạc nhiên trước năng khiếu của “Thị”. Giám khảo Hoài Linh còn phải thốt lên rằng: “Không thể ngờ cô Màu bé tẹo thế kia mà lẳng lơ đến thế!”.

Bất ngờ hơn, sau thành công của tiết mục, khán giả được thấy một bé trai 8 tuổi khôi ngô, lanh lợi đằng sau bộ quần áo sặc sỡ mớ ba mớ bảy. Lâu nay, Thị Màu là một vai nữ khó, thử thách lớn với cả những diễn viên chuyên nghiệp. Thế nhưng, cậu bé đến từ xứ Kinh Bắc nổi danh với những làn điệu quan họ mượt mà lại “bắt sóng” tròn vai và mang lại thích thú đặc biệt cho khán giả. Đức Vĩnh còn chinh phục hoàn toàn ban giám khảo khi “nhập đồng” xuất sắc với “Cô đôi thượng ngàn” trong phần bán kết.

“Cô đôi thượng ngàn” được khán giả cả nước bình chọn với số phiếu cao nhất trong đêm bán kết 1.

Gặp Đức Vĩnh ngoài đời, em có vẻ nhỏ hơn so với tuổi. Tôi đặc biệt ấn tượng đôi mắt to tròn biết nói và gương mặt có phần “mềm mại” của em. Hỏi em về những ngày sau khi “lên sóng”, tôi được biết, ngoài giờ học, cô giáo và các bạn thường hỏi em về chuyện đi thi. Tình cảm cô trò, bạn bè thêm gắn kết.

Vĩnh cũng chia sẻ, ngoài thời gian học trên lớp, cậu bé đang tập luyện các tiết mục để chuẩn bị vào Sài Gòn thi chung kết. Tuy chưa quyết định chọn tiết mục nào nhưng chắc chắn, tiết mục của em vẫn sẽ là những gì mà em đam mê và em sẽ cháy hết mình trên sân khấu.

Ngồi cạnh con trai mình, bà Lê Thanh Nghĩa, mẹ của Đức Vĩnh tự hào cho biết, Vĩnh ham mê chèo cổ từ ngày hơn ba tuổi. Một lần, thấy bố mẹ xem vở chèo Quan Âm Thị Kính, Vĩnh cũng ngồi chăm chú xem cùng, không ham chơi như các chị. Sau đó, mỗi khi tivi có phát sóng vở chèo nào là Vĩnh ngồi sát vào xem không chớp mắt. Đến năm bốn tuổi, Đức Vĩnh bắt đầu ham mê tập tành và tự diễn theo từng trích đoạn mình thích nhất trong các vở chèo.

Cũng từ đó, mỗi khi làng có hội, vợ chồng bà Nghĩa lại đăng ký cho con một tiết mục biểu diễn để góp vui. Dân làng xem cậu bé diễn thì thích lắm, ai cũng khen em có khiếu trời cho.

Viet Nam Got Talent 2014: Tiết mục 'Thị mầu lên chùa' của thí sinh nhí

Thích lên chùa học kinh, ngồi thiền

Khẽ nhìn cậu con trai âu yếm, bà Nghĩa tiếp lời: “Chính chúng tôi là cha mẹ sinh ra cháu cũng rất ngạc nhiên với đam mê đặc biệt của con. Từ ngày biết đến chèo cổ, ngoài thời gian đi học, về nhà là cháu tự bật tivi hay mở mạng để xem diễn chèo và tập theo”.

Cách đây mấy năm, khi bà Nghĩa còn mở quán ăn nhỏ ven đường, nhiều khách tới quán ăn, nghe Vĩnh hát chèo thì mê lắm, bỏ cả ăn để xem. Có những vị khách ở xa như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội sau khi vào quán ăn, thấy Vĩnh hát chèo thì mải mê ngồi xem rất lâu, không muốn đi tiếp hành trình. Dù vậy, Vĩnh hầu như không để ý đến người lạ xung quanh mình, vẫn tập diễn và hát rất tự nhiên. “Cháu thường tự tập một mình, chưa từng có ai dạy bảo”, bà Nghĩa tự hào nói.

Bà Nghĩa nhìn con cười, Vĩnh cũng nhìn mẹ cười giòn tan, như thể đam mê đã ngấm vào máu thịt mà chính cậu bé cũng không biết mình bị cuốn vào nó từ khi nào.

Nhìn cậu bé 8 tuổi, còn quá bé nhỏ so với những gì mà Đức Vĩnh đã thể hiện với khán giả cả nước, tôi lại cứ tiếc mãi khi biết, đáng lẽ em đã có mặt trên sân khấu Vietnam’s Got Talent từ mùa đầu tiên. Nói về điều này, giọng người mẹ chùng xuống, giãi bày như phân trần: “Mỗi khi cháu biểu diễn ở làng, ở xã, mọi người động viên khen ngợi lắm. Năm cháu lên 6 tuổi, nhiều người đã giục vợ chồng tôi đưa cháu đi thi. Thế nhưng lúc đó, kinh tế gia đình còn khó khăn, vợ chồng tôi chỉ cầu trời mùa màng không thất thu để lo cho bốn đứa con đủ cái ăn cái mặc, chứ đâu dám nghĩ gì đến chuyện thi với thố gì”.

Vậy là phải hai năm sau, Đức Vĩnh mới được “bơi” ra “biển lớn”. Bởi vậy, kết quả vào đến chung kết lần này đã là một điều khiến Vĩnh và gia đình thấy may mắn và hạnh phúc. Dù hát hay, múa giỏi, diễn xuất khá tốt nhưng Đức Vĩnh vẫn là cậu con trai bé bỏng của cha mẹ, là đứa em nhỏ ngoan ngoãn của các chị gái.

Thị Màu Đức Vĩnh đỏng đảnh trên sân khấu Vietnam’s Got Talent.

“Có thể với mọi người chưa được nghe cháu hát, chưa được xem cháu diễn bao giờ thì lạ, thì đặc biệt. Nhưng ở nhà, ngày nào chúng tôi cũng nghe Vĩnh hát nhiều năm nay nên thấy cháu còn phải học hỏi nhiều”, bà Nghĩa khiêm tốn nói.

Được biết, ngoài thời gian học, tập hát chèo ở nhà, Vĩnh còn có thói quen đặc biệt. Mẹ Vĩnh tâm sự: “Nhiều lúc, chính tôi cũng thấy con mình có nhiều điểm lạ. Hầu như, cháu không thích chơi trò nghịch ngợm như bạn bè cùng trang lứa mà chỉ chăm chú vào các vở chèo cổ. Hàng xóm vẫn đùa vui rằng “cả ngày không thấy quần áo thằng Vĩnh lấm lem bao giờ”. Thỉnh thoảng, nó còn xin phép bố mẹ tự đạp xe lên chùa để ngồi thiền và học kinh với sư thầy nữa”.

Có những hôm, bà Nghĩa thấy con mang theo một chồng sách kinh về nhà. Tò mò, bà hỏi thì Vĩnh nói rành rọt rằng: “Con muốn nghiên cứu về kinh Phật”. Nghe mẹ kể vậy, Vĩnh chỉ cười nhỏ nhẹ nói với tôi: “Con không biết vì sao nhưng con rất thích không gian ở chùa”. Có lẽ vì Vĩnh có tâm hướng Phật nên cửa Phật cũng rộng lòng với cậu bé. Sư thầy trên chùa đặc biệt quý Đức Vĩnh. Trước khi cậu bé đi thi, sư thầy còn hứa khi nào Vĩnh thi xong sẽ dạy tiếng Trung cho Vĩnh. Vĩnh háo hức lắm, càng cố gắng tập luyện.

“Có lần, thầy chùa gặp tôi khen cháu Vĩnh có nhiều “tài lẻ”. Thầy kể rằng, nhiều lần, Vĩnh rủ cả một đám bạn cùng lên chùa học ngồi thiền với mình. Trong số 28 đứa trẻ ngồi thiền, chỉ duy nhất con tôi tĩnh tâm được hai tiếng đồng hồ, các cháu còn lại, cố gắng lắm cũng chỉ được nửa tiếng”, bà Nghĩa nhìn con, đôi mắt ánh lên niềm tự hào khó gọi thành tên.

Nhiều năm tháng vất vả, đã có lúc, bà Nghĩa tưởng có thể suy sụp khi người chồng trụ cột trong gia đình lâm bệnh nặng nằm liệt giường nhiều tháng trời. Thế nhưng, mỗi lần nghĩ đến các con, nhất là Đức Vĩnh, bà Nghĩa lại có thêm nghị lực để vượt qua những sóng gió cuộc đời. Đến nay, chồng bà đã qua cơn nguy kịch, nhưng mỗi tháng vẫn phải ra bệnh viện Bạch Mai kiểm tra một lần với đơn thuốc không dưới 5 triệu đồng. Biết mẹ vất vả vì bố ốm, Vĩnh đã tự ý thức cố gắng hết sức, đạt kết quả tốt để mang đến liều thuốc tinh thần cho bố sớm khỏi bệnh và mẹ sẽ vững vàng hơn trong việc lo cho gia đình.

Chỉ còn ít ngày nữa, Đức Vĩnh sẽ bước vào phần thi chung kết. Sẽ là sớm khi dự đoán trước một điều gì đó lấp lánh cho cậu “Thị Màu” nhí này. Thế nhưng, cá nhân tôi vẫn tin rằng dù kết quả có thế nào, Đức Vĩnh vẫn là một tiềm năng tìm được chỗ đứng vững chắc trên sân khấu nghệ thuật truyền thống trong tương lai.

Chào mẹ con “Thị Màu”, tôi cứ ám ảnh về sự hiếu thuận của cậu bé 8 tuổi “nếu may mắn có được giải thưởng, con sẽ dành để chữa bệnh cho bố và sửa lại căn nhà tươm tất hơn cho mẹ”...

Khi “Thị Màu” giận dỗi

Bà Nghĩa cho biết: “Dù khá chững chạc trong cách diễn xuất và chinh phục được khán giả cả nước nhưng ngoài đời, Vĩnh vẫn là một đứa trẻ thích nũng nịu, thậm chí là mè nheo mẹ. Những lần tập luyện, có khi không được ý một chuyện gì đó là con lại dỗi. Có lần, con dỗi chẳng nói năng gì, bỏ đi một chỗ ngồi một mình, rồi khóc, khóc chán lại chạy ra tập luyện như thường. Cũng có lần, tôi phải nịnh cháu bằng kẹo, bánh hay hứa sẽ cho cháu đi chơi đâu đó, cháu mới qua cơn hờn dỗi trẻ thơ và tập luyện tiếp”.

Nhị Hà

Video đang được quan tâm:

Bản tình ca cho em - quà tặng ngọt ngào cho lễ tình nhân Valentine

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/chang-thi-mau-lang-lo-khien-giam-khao-vietnams-got-talent-dung-hinh-a174962.html