Chàng thanh niên tình nguyện hiến xác cho y học

Ngọ Viết Tiến, sinh năm 1995, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) khoe với chúng tôi tấm thẻ đăng ký hiến xác của Học viện Quân y cấp với đầy vẻ tự hào. Tiến chia sẻ: 'Để trên tay cầm tấm thẻ hiến xác, Tiến đã phải vượt qua nhiều cung bậc cảm xúc. Ban đầu là cảm giác sợ hãi, rồi có chút lưỡng lự, nhưng khi đặt bút ký quyết định hiến xác, nhận tấm thẻ, trong em lại thấy hạnh phúc, cuộc sống thật có ý nghĩa. Em nhận ra, khi mình cho đi cũng chính là lúc nhận được nhiều nhất'.

Ngọ Viết Tiến (áo trắng) cùng những thành viên đăng ký hiến xác và lãnh đạo Bộ Y tế.

Chia sẻ về lý do đi đến quyết định hiến xác, Tiến cho biết: Năm 19 tuổi, khi còn là sinh viên của Trường Cao đẳng Y Hà Nội, Tiến có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người mắc bệnh hiểm nghèo nên nhận thấy ở họ khát khao sống rất mãnh liệt. Nhìn tập hồ sơ bệnh nhân chờ được ghép tạng ngày càng dày lên, nhiều người đã không chờ được mà đành “ra đi”. Rồi sự đau khổ, sự bất lực của những người làm cha, làm mẹ khi sẵn sàng hiến tạng để cứu con song kết quả lại không tương thích khiến Tiến động lòng trắc ẩn. Cảm giác day dứt luôn bủa vây Tiến mỗi khi nhìn thấy sự ngóng chờ điều kỳ diệu từ một người xa lạ nào đó từ những người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Tiến kể: “Một lần, em gặp người mẹ chở con đi chạy thận trong thời gian chờ được ghép thận, lúc nghe bác sĩ thông báo có tạng phù hợp, gương mặt u sầu của người mẹ bỗng rạng ngời hạnh phúc, bà nhảy lên ôm ghì lấy bác sĩ và em rồi khóc không thành tiếng. Ca phẫu thuật ấy thành công, đứa con trai khôi ngô 16 tuổi của bà được cứu sống. Nhìn thấy một cuộc đời mới được tái sinh là lúc em vững tin nhất để đưa ra quyết định hiến xác, với mong muốn giúp ích một điều gì đó sau khi qua đời. Thế là em tìm đến Học viện Quân y để làm đơn xin được hiến xác”.

Tiến kể thêm: “Khi đến hiến xác, các bác sĩ có tâm sự, trao đổi với em về những vấn đề cần biết khi thực hiện hiến xác, nhưng khi thấy được sự quyết tâm trong em, một bác sĩ đã ôm lấy em và không ngừng nói lời cảm ơn. Bác sĩ nói rằng, sự cho đi của em có thể cứu sống được cả chục sinh mạng đang khao khát sống ở ngoài kia. Cơ thể của em sẽ góp phần giúp cho nền y học phát triển. Lúc đó, em thấy bản thân mình mới thực sự là người may mắn”.

Sẽ có người cho rằng quyết định của Tiến là điên rồ, cũng có người thắc mắc không hiểu tại sao Tiến lại đưa ra quyết định đó. Nhưng khi trò chuyện với Tiến, tôi hiểu rằng, cũng như mọi người, Tiến có một cuộc đời để sống, nhưng thay vì ý nghĩ sống một cuộc đời bon chen, hưởng thụ, Tiến lại chọn cho mình một cuộc sống nhân văn là cho đi. Tiến nói rằng, em không tài giỏi để có thể làm nên những điều lớn lao cống hiến cho xã hội, nhưng em mong muốn được sống bằng sự sẻ chia và lan tỏa. Có lẽ vì suy nghĩ này mà trong những tháng năm của tuổi trẻ, ngoài việc không ngừng học tập, làm việc, Tiến còn tham gia nhiều chuyến đi thiện nguyện. Với em, sự cho đi là còn mãi. Không phải phép cộng vào hay nhân lên làm cho con người ta giàu có, mà chính phép chia mới khiến cho con người ta trở nên vĩ đại.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/chang-thanh-nien-tinh-nguyen-hien-xac-cho-y-hoc/180080.htm