Chặn tẩu tán tài sản tham nhũng

Phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra ngay khi có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Đó là nội dung trong tờ trình mới đây của Thanh tra Chính phủ gửi Chính phủ về dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Trên cơ sở kế thừa những quy định hiện hành, xác định cụ thể quyền yêu cầu và trách nhiệm thực hiện việc phong tỏa tài khoản, nghị định được kỳ vọng khi có hiệu lực thi hành sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản tham nhũng.

Năm 2017, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đưa ra con số đầy nhức nhối: Hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Từ đó đến nay, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song thực tiễn cho thấy công tác này vẫn là một trong những hạn chế của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, che giấu bằng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt.

Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Thực tế cho thấy, một vụ việc có thể thanh tra, điều tra, truy tố kéo dài, nếu không có biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản kịp thời thì đó chính là thời gian vàng để tội phạm tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản tham nhũng. Bởi thế, việc nhận diện tài sản phạm pháp, đề nghị phong tỏa ngay từ giai đoạn tiền tố tụng thực sự rất cần thiết, tránh trường hợp vì những khó khăn, phức tạp của vụ án mà không đáp ứng mục tiêu cuối cùng là thu hồi được tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra quy định rõ chi tiết, trình tự quá trình phong tỏa cũng như trách nhiệm của tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản. Đây là biện pháp kịp thời ngăn chặn tẩu tán, thu hồi tài sản bất hợp pháp, tài sản do phạm tội, tham nhũng mà có.

Khi đã thực hiện được hành vi tham nhũng, đối tượng phạm tội thường cố ý che giấu, tẩu tán tài sản, kể cả những tài sản thuộc sở hữu của chính mình trước và ngay khi phạm tội bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, gây khó khăn trong việc thu hồi tài sản để sung công quỹ. Quy định phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra ngay khi có dấu hiệu tẩu tán, chỉ là một trong hệ thống các biện pháp, nhưng là bước quan trọng để chốt chặn tài sản tham nhũng bị thất thoát, khó thu hồi. Cùng với thực hiện khâu quan trọng này để không chỉ tịch thu “của nổi”, thì gốc rễ vấn đề là phải ngăn chặn, tìm cho ra và thu hồi triệt để số “của chìm” mà đối tượng tham nhũng cất giấu, tẩu tán ra ngoài. Để thực hiện được việc làm đầy khó khăn, thách thức này, việc đưa ra các giải pháp đồng bộ, nhất là lấp khoảng trống về pháp lý là vấn đề nền tảng; yếu tố quyết định hiệu quả nằm ở vai trò, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát kê khai thu nhập của cán bộ, công chức cũng như phát hiện, tố giác, ngăn chặn hành vi tham nhũng, nhất là từ lúc còn biểu hiện manh nha.

Ngăn chặn triệt để hành vi tẩu tán, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng chính là chặt đứt mục đích tham nhũng. Có như vậy, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mới thực sự trọn vẹn, khiến những kẻ rắp tâm tham nhũng khiếp sợ mà chùn bước.

ĐÀO HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chan-tau-tan-tai-san-tham-nhung-729149