'Chặn' sốt xuất huyết bằng vắc-xin

Việt Nam đang trong tiến trình làm thủ tục nhập vắc-xin sốt xuất huyết do Nhật Bản sản xuất với kỳ vọng sẽ đẩy lùi được bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết (SXH) được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu. Có đến 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm SXH Dengue. Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về số ca mắc, ước tính hơn 200.000 trường hợp mỗi năm.

Dịch sốt xuất huyết gây nhiều hệ lụy

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 93.800 ca mắc SXH, 26 trường hợp tử vong.

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết mọi năm, dịch SXH thường diễn ra vào tháng 8 đến tháng 10. Nhưng ngay từ đầu tháng 5-2023, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH với số lượng ngày càng tăng. Hiện mỗi ngày có 20-30 bệnh nhân nặng nhập viện, trong đó nhiều người phải cấp cứu hồi sức do xuất huyết, suy đa tạng...

Tại hội đàm "Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống SXH Dengue tại Việt Nam" do Viện Pasteur TP HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia đưa ra cảnh báo SXH là mối đe dọa lớn ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới do những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng mà nó có thể gây ra.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), bệnh này không chỉ được đặc trưng bởi cơn sốt cao kéo dài trong vài ngày mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sốc giảm thể tích do thất thoát huyết tương, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, suy đa tạng...

Ngoài nguy cơ về sức khỏe, SXH còn đặt gánh nặng kinh tế lên cá nhân và cộng đồng. Lứa tuổi bị SXH nhiều nhất là học sinh, người trẻ trong độ tuổi lao động nên dịch bệnh sẽ tác động không nhỏ tới an sinh xã hội. "Số bệnh nhân SXH gia tăng đã gây ra áp lực quá tải đối với các bệnh viện, dẫn đến quá tải hệ thống y tế" - bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Kỳ vọng vắc-xin đẩy lùi sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia, sau khi khỏi bệnh, người mắc SXH sẽ có miễn dịch tạm thời. Tuy nhiên, miễn dịch này không bền vững và virus Dengue có 4 tuýp (DEN1, DEN2, DEN3, DEN4) nên một người có thể mắc SXH nhiều lần với các tuýp virus khác nhau.

Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm. Do đó, người dân và giới chuyên gia cũng hy vọng Việt Nam sẽ sớm có vắc-xin SXH, giúp giảm số ca mắc và tử vong do bệnh gây ra, góp phần đẩy lùi dịch bệnh này một cách bền vững tại Việt Nam.

Năm 2011, Viện Pasteur TP HCM từng nghiên cứu vắc-xin SXH trên hơn 2.300 trẻ trong độ tuổi 2-14 tại 2 tỉnh An Giang và Tiền Giang. Nghiên cứu kết thúc vào tháng 11-2017. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam vẫn chưa đưa vắc-xin phòng bệnh SXH vào sử dụng do hiệu quả bảo vệ chưa được như mong muốn.

Điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM Ảnh: HẢI YẾN

Vừa qua, hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC (VNVC) thông tin đơn vị này đã thương thảo và ký kết hợp tác với Công ty TNHH Takeda Pharmaceuticals (Nhật Bản) để triển khai các hoạt động phòng chống SXH, trong đó có việc nhập khẩu vắc-xin phòng bệnh này.

Theo VNVC, vắc-xin phòng bệnh SXH của Takeda (tên thương mại đăng ký QDENGA) được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina, Indonesia, Thái Lan… Vắc-xin có thể tạo phản ứng miễn dịch ở mức độ khác nhau đối với cả 4 chủng virus Dengue đang lưu hành trên thế giới, giúp phòng bệnh và giảm khả năng nhập viện ở người mắc SXH.

"Theo Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), đơn vị cấp phép sử dụng vắc-xin tại EU, QDENGA đã được duyệt sử dụng cho độ tuổi từ 4 tuổi không phân biệt đã từng nhiễm bệnh hay chưa" - VNVC thông tin.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc VNVC, cho biết VNVC đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để cùng Tập đoàn Dược phẩm hàng đầu thế giới Takeda phối hợp nâng cao nhận thức về bệnh SXH. "Hợp tác này mở ra triển vọng ứng dụng các biện pháp tân tiến phòng ngừa căn bệnh SXH, đặc biệt là bằng vắc-xin SXH trong tương lai" - ông Dũng nhấn mạnh.

Cần tiêm thử nghiệm vắc-xin sốt xuất huyết trước khi cấp phép

Đại diện Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam chưa cấp phép cho vắc-xin SXH. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc điều trị, bất kể loại vắc-xin nào nếu được sử dụng ở Việt Nam cũng phải được cấp số đăng ký và giấy phép trước khi lưu hành.

GS-TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, cho rằng vắc-xin khác với kháng sinh. Kháng sinh được sử dụng theo cá thể, căn cứ theo liều, lứa tuổi nhưng với vắc-xin thì hầu như tiêm cùng một liều với nhiều người, tác động với sức khỏe rất lớn. Do đó, trước khi nhập vào Việt Nam, vắc-xin SXH cần được tiêm thử nghiệm trên người dân.

"Để phòng bệnh SXH, vắc-xin là cần thiết nhưng chúng ta không vội vàng. Chúng ta cần kết quả thử nghiệm lâm sàng với người Việt Nam, vì phản ứng của người Việt Nam có thể sẽ khác với những người ở các nước khác. Cần có kết quả chính xác thì mới quyết định được việc sử dụng, quyết định này thuộc cơ quan quản lý" - GS Kính nhận định.

Thế giới có 2 loại vắc-xin sốt xuất huyết phổ biến

Loại vắc-xin SXH đầu tiên ra đời trên thế giới là Dengvaxia (CYD-TDV) , một sản phẩm của hãng dược Pháp Sanofi Pasteur. Dengvaxia được phê duyệt đầu tiên ở Mexico vào cuối năm 2015 cho người từ 9-45 tuổi sống ở các vùng lưu hành bệnh. Theo WHO, Dengvaxia hiện đã được cấp phép ở 20 quốc gia, là một vắc-xin có khả năng ngừa cả 4 chủng virus Dengue gây bệnh SXH.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của Dengvaxia cho thấy trong năm sau đợt thử nghiệm đầu tiên, hiệu quả chống lại bệnh SXH trung bình là 59,2% và khả năng chống lại SXH nặng là 79%.

WHO khuyến nghị các quốc gia đưa vắc-xin Dengvaxia vào chương trình tiêm chủng cần kết hợp chiến lược sàng lọc trước khi tiêm, trong đó chỉ những người có huyết thanh dương tính với SXH mới được tiêm chủng, tức người từng bị nhiễm bệnh trước đó. Lời khuyên này là do có dữ liệu cho thấy vắc-xin này có thể làm tăng độ nặng của bệnh khi sử dụng ở người chưa từng phơi nhiễm SXH.

Sau Dengvaxia là vắc-xin QDENGA của hãng dược Takeda. QDENGA được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép vào năm 2022 để sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên.

Anh Thư

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/chan-sot-xuat-huyet-bang-vac-xin-20231013212608821.htm