'Chân rết' của mafia Ý ở Nam Mỹ

Khi nhắc đến Mafia Ý thì không ai có thể bỏ qua Ndrangheta. Từ chỗ là liên minh giữa các gia đình tội phạm vùng Calabria, Ndrangheta đã trở thành 'đế chế' phủ bóng lên khắp châu Âu và xa hơn thế nữa. Giới chuyên gia nhận định rằng hơn một nửa lượng ma túy các loại ra vào 'lục địa già' có dính dáng đến Ndrangheta.

Điều gì đã giúp tập đoàn tội phạm này phát triển lớn mạnh đến vậy? Câu trả lời nằm ở mạng lưới sản xuất, vận chuyển và phân phối ma túy mà Ndrangheta đã gây dựng được ở Nam Mỹ.

Khởi đầu

Cuộc đột kích vào hải cảng Gioia Tauro tại thành phố Reggio Calabria là chiến dịch vũ trang lớn nhất mà cảnh sát Ý thực hiện trong vòng hai thập niên trở lại đây. Trong vỏn vẹn một buổi sáng cảnh sát đã bắt giữ 36 đối tượng và tịch thu 300 kg cần sa được giấu trong container. Số ma túy này xuất phát từ thành phố Santos, Brazil. Trong số những đối tượng bị bắt có một nhân viên hải quan. Tên này khai đã nhận khoảng 261.000 euro từ Ndrangheta để làm giả giấy tờ chụp X-quang container.

Cảnh sát Ý cùng 137 kg cocaine tịch thu được ở cảng Gioia Tauro.

Gioia Tauro là hải cảng lớn nhất nước Ý và lớn thứ chín châu Âu. Nó cũng là “trái tim” của “đế chế” Ndrangheta. Vào thập niên 1960, Ndrangheta bắt đầu vươn “vòi bạch tuộc” vào bộ máy quản lý và công nhân tại Gioia Tauro. Khi đó chúng làm giàu bằng việc buôn lậu những loại hàng hóa như rượu, thuốc lá và hàng giả. Nhưng cũng chẳng cần mấy chốc để Ndrangheta thiết lập mình như “đại lý” phân phối ma túy cho cả châu Âu.

Giáo sư Anna Sergi tại trường Đại học Essex (Anh), người đã dành nhiều năm cho việc nghiên cứu tội phạm có tổ chức tại Ý, cho biết: “Ông trùm Roberto Pannunzi là người có công lớn trong việc đưa Ndrangheta trở thành “thế lực” trên thị trường ma túy thế giới. Thông qua Cosa Nostra (liên minh các băng nhóm mafia vùng Sicilia), Roberto đã tạo dựng được đường dây liên lạc giữa Ndrangheta với cartel Medellin của ông trùm Pablo Escobar. Vào thập niên 1980, hắn ta núp bóng danh nghĩa ông chủ cửa hàng thời trang để thương thảo những thương vụ ma túy triệu đô. Thuốc phiện do cartel Medellin sản xuất, được Ndrangheta buôn lậu vào Ý rồi chế biến ngay tại Calabria, sau đó đem đi phân phối khắp Tây Âu. Ngay cả sau khi Pablo Escobar bị cảnh sát Colombia bắn chết vào năm 1993, mạng lưới này vẫn tiếp tục vận hành trơn chu”.

Roberto Pannunzi từng hai lần vượt ngục vào các năm 1998 và 2010 trước khi bị bắt lần cuối tại Colombia vào năm 2013. Điều này không hề làm ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán ma túy của Ndrangheta vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, “vòi bạch tuộc” của tổ chức này quấn quá chặt xung quanh hải cảng Gioia Tauro nói riêng và thành phố Reggio Calabria nói chung. Các nhà điều tra Ý không phải chỉ mới biết rằng Gioia Tauro là đầu mối trung chuyển ma túy của cả lục địa già. Vấn đề là họ gặp không ít khó khăn trong việc thu thập chứng cứ. Ndrangheta có tiền, quan hệ và súng đạn để khiến bất kỳ ai liên quan tới chúng giữ im lặng.

Rocco Morabito bị cảnh sát Brazil áp giải.

Súng, ma túy, tiền

Lý do thứ hai của vấn đề kể trên mang tên “AUC”, tức Lực lượng Phòng vệ đoàn kết Colombia. AUC được thành lập vào thập niên 1980 bởi những ông trùm cartel như Pablo Escobar nhằm mục bảo vệ các đồn điền, cơ sở chế biến ma túy của chúng trước sự tấn công của phiến quân FARC. Nhờ nguồn lực tài chính của các băng đảng và mối quan hệ thân thiết với chính phủ cực hữu Colombia và CIA mà đến đầu thập niên 2000, AUC đã trở thành lực lượng vũ trang lớn mạnh ngang bằng với quân đội chính quy.

Một trong các tướng lĩnh quan trọng nhất của AUC là Salvatore Mancuso, “đầu mối” chủ chốt trong quan hệ giữa tổ chức vũ trang này với Ndrangheta. Báo LEnoteca của Colombia từng viết: “Salvatore Mancuso thường xuyên gặp gỡ Giorgio Sale, tỷ phú, chủ công ty thời trang cao cấp Gino Passcalli. Người ta hay thấy Salvatore và Giorgio cặp kè với nhau tại một nhà hàng trị giá 3 triệu USD của Salvatore. Họ không biết rằng Giorgio là một thành viên cấp cao của Ndrangheta, còn những cuộc gặp trên thực chất nhằm dàn xếp việc AUC bán thuốc phiện thô cho mafia Ý nhằm đổi lấy tiền mua vũ khí”.

AUC sở hữu hàng trăm héc-ta đồn điền cây anh túc, nhưng lại không có cách nào để vận chuyển thành phẩm sang châu Âu. Ndrangheta sẵn sàng làm việc đấy giúp chúng. Ngoài ra tổ chức tội phạm này còn đảm nhận trách nhiệm rửa tiền cho những khoản lợi nhuận phi pháp của AUC. Năm 2002, 8 công dân Ý bị bắt giữ tại sân bay El Dorado ở thủ đô Bogota của Colombia vì mang trái phép từ 120.000 USD- 150.000 USD trong người. Nếu qua trót lọt được an ninh sân bay, số tiền này sẽ được phân chia cho Salvatore và các tướng lĩnh AUC khác theo dạng “hoa hồng”.

Vào năm 2002, Cục phòng chống ma túy Mỹ (DEA) ra yêu cầu chính phủ Colombia trục xuất Salvatore Mancuso sang Mỹ. Yêu cầu này bị bác đi vì lúc đó chính phủ đang đàm phán hòa bình với AUC nhằm kết thúc cuộc nội chiến. Hai bên ký hiệp ước ngừng chiến vào cuối năm đó, và một điều khoản trong hiệp định là các cấp lãnh đạo của UAC sẽ ra tòa thú nhận những tội ác của mình để được hưởng khoan hồng. Salvatore nằm trong số những kẻ ra đầu thú. Nhưng dưới áp lực của Washington, chính phủ Colombia buộc phải dẫn độ Salvatore sang Mỹ.

Tại Mỹ, Salvatore buộc phải thú nhận các tội ác liên quan đến hối lộ, buôn bán thuốc phiện, thảm sát dân thường hắn từng thực hiện. Để được giảm án mà hắn “bán đứng” Giorgio Sale và những phần tử khác trong mạng lưới buôn lậu ma túy xuyên lục địa. 57 đối tượng đã bị bắt giữ vì lời khai của Salvatore, trong đó có Giorgio và em trai Christian Sale.

Giữa bối cảnh các “đầu mối” của mình lần lượt vào tù, Ndrangheta lại may mắn tìm được cứu tinh. Vicente Castano, cựu Tổng chỉ huy AUC, đã chạy trốn khỏi chính tổ chức của mình trước khi giải giáp. Hắn sợ sẽ bị đưa ra Tòa án công lý thế giới (ICC) để nhận hình phạt cho những tội ác chiến tranh của mình. Hắn lập ra một nhóm phiến quân mới mang tên Urabenos. Urabenos bản chất là “cánh tay phải” cho cartel Vùng Vịnh, tổ chức mà Vicente Castano đóng vai trò là một trong những “đầu trùm”.

Giáo sư Anna Sergi cho biết: “Urabenos tồn tại được đến tận bây giờ phần nhiều nhờ Ndrangheta. Nếu không có Ndrangheta giúp tiêu thụ số ma túy do Urabenos sản xuất thì nhóm phiến quân không thể có kinh phí mà hoạt động được. Đổi lại Urabenos giúp duy trì thế độc quyền phân phối của Ndrangheta đối với ma túy Colombia. Cartel Vùng Vịnh độc chiếm gần như hoàn toàn các đồn điền và cơ sở chế biến ma túy tại miền Bắc Colombia. Bất kỳ ai đe dọa đến quyền lợi của chúng hoặc đồng minh Ndrangheta đều trở thành mục tiêu hàng đầu của Urabenos, cho dù đó có là chính phủ hay các cartel đối địch”.

Vicente Castano đứng cạnh một nhóm tay súng Urabenos.

Cuộc chiến trong bóng tối

“Mắt xích” yếu nhất trong mạng lưới buôn lậu ma túy của Ndrangheta là những đối tượng trung gian. Ndrangheta thường không bao giờ thương lượng trực tiếp với những đối tác Trung và Nam Mỹ vì không có các cộng đồng người gốc Ý ở địa phương nhằm đặt “chi nhánh”. Thay vì thế, chúng sử dụng các doanh nhân châu Âu làm ăn tại Trung và Nam Mỹ làm trung gian.

Nhờ các chiến dịch chống ma túy quyết liệt của các chính phủ Trung và Nam Mỹ mà không ít đối tượng trung gian của Ndrangheta đã bị sa lưới. Có thể kể đến một vài cái tên như Miro Rizvanovic Niemeier, công dân Đức gốc Bosnia từng trốn ngục ở Ý. Tên này bị tiêu diệt trong một vụ đột kích của cảnh sát Bosnia năm 2018. Hay là tên Jaime Cano, kẻ từng bị cáo buộc tham gia vụ thảm sát Macayepo do AUC gây ra. Phải sau một cuộc truy đuổi trên đường cao tốc kéo dài gần ba tiếng thì cảnh sát Medellin mới bắt giữ được Jaime.

Nhưng chiến công lớn nhất phải là vụ bắt giữ Rocco Morabito, kẻ có ghế trong hội đồng các ông trùm cai quản Ndrangheta. Morabito là một trong những kẻ thúc đẩy mối liên minh giữa Ndrangheta và các đối tác Nam Mỹ. Vì vậy chẳng có gì lạ sau khi chạy trốn khỏi Ý vào năm 1994, Morabito chọn Brazil làm “điểm hạ cánh”. Trong suốt hơn hai thập kỷ hắn làm công việc trung gian đàm phán giữa mafia Ý và các cartel tại Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay. Báo chí Ý từng có lúc gán cho Morabito danh hiệu “Đại sứ Ndrangheta ở Nam Mỹ”.

Cảnh sát Uruguay bắt được Morabito vào năm 2017, nhưng chỉ hai năm sau hắn và hai đối tượng khác đã trốn thoát khỏi nhà tù Libertad tại miền nam nước này. Morabito “lưu lạc” đến thành phố nghỉ mát João Pessoa của Brazil. Hắn sống tại phòng vip một khách sạn cao cấp cùng với “vệ sỹ” của mình, một sát thủ được Ndrangheta gửi đến từ Ý. Morabito sau này khai tên sát thủ kia đã được lệnh thủ tiêu hắn nếu Morabito có bất kỳ hành vi nào tỏ ra là sẽ hợp tác với cảnh sát. Cả hai bị bắt sau khi cảnh sát đặc nhiệm Brazil đột kích vào khách sạn. Hiện Morabito đã bị dẫn độ sang Ý và đang trong quá trình hầu tòa.

Về phía mình, các lực lượng thực thi pháp luật tại Ý đẩy mạnh việc kiểm soát những cửa khẩu mà ma túy thường ra vào. Năm 2021, hải quan Ý đã thu giữ được 13 tấn cocaine chỉ riêng tại cảng Gioia Tauro, chiếm 97% số ma túy bị phát hiện trong năm đó và 20% lượng ma túy ước tính ra vào nước Ý mỗi năm. Cùng với đó là hoạt động tố cáo và xử lý những vụ việc tham nhũng cũng được đẩy cao. Mới đây 13 quan chức làm việc tại cục hải quan Calambria đã phải ra tòa vì nhận tổng cộng 20 triệu euro từ các tổ chức tội phạm trong vùng.

Ndrangheta đang phải đối mặt với một “thế trận” mới. Nhà báo điều tra tội phạm có tổ chức người Ý Roberto Saviano giải thích: “Sự mạnh tay của chính quyền Ý đang làm suy yếu nghiêm trọng các băng đảng mafia. Ở một vài nơi vì không chịu nổi áp lực mà những tổ chức lớn buộc phải tự tan rã thành các đơn vị “gia đình”. Lợi dụng điều này, tội phạm có tổ chức từ Albania đang dần chiếm lấy vai trò “đại lý” vận chuyển và phân phối ma túy cho toàn châu Âu. Các băng đảng Albania có thể chuyển ma túy vào châu Âu qua cảng Antwerp và Rotterdam (hai hải cảng lớn nhất Tây Âu) nên chắc chắn chiếm lợi thế hơn Ndrangheta”.

Điều này không có nghĩa là “đế chế” Ndrangheta đã đến ngày tàn. Roberto Saviano nhận xét: “Cái mà Ndrangheta có là quan hệ và uy tín. Những tổ chức tội phạm ở Tây Âu biết rằng khi buôn lậu ma túy qua Ndrangheta, chúng sẽ nhận được sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm và an toàn trong vận chuyển. Đồng thời trong trường hợp đường dây bị phát hiện, Ndrangheta sẵn sàng tìm mọi cách để bảo vệ đối tác và thậm chí còn nhận hết hậu quả về mình.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/chan-ret-cua-mafia-y-o-nam-my-i682980/