Chặn mối họa từ vũ khí nóng trên mạng

Tận dụng những tiện lợi của mạng xã hội, một số đối tượng tìm mua vũ khí, công cụ hỗ trợ rồi quảng cáo, bán lại nhằm thu lợi bất chính. Nếu không có giải pháp hiệu quả kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, để vũ khí rơi vào tay các băng nhóm tội phạm sẽ gây hậu quả xấu đến an ninh trật tự.

Một đối tượng trong đường dây chế tạo, mua bán trái phép vũ khí bị Công an tỉnh Kiên Giang bắt giữ. Ảnh: Văn Vũ

Mới phát hiện "phần nổi của tảng băng chìm"

Gõ từ khóa "mua bán công cụ hỗ trợ" vào bộ tìm kiếm Google, chỉ trong nửa giây đã cho hơn chục triệu kết quả. Hay vào mục tìm kiếm trên Facebook, gõ từ khóa "dụng cụ tự vệ", ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng chục trang mạng quảng cáo, mua bán, trao đổi "hàng nóng". Các trang này đăng tải nhiều loại vũ khí từ súng đạn, mã tấu, kiếm đến dao gấp, dao bút thông minh, áo chống đâm… Phần lớn người rao bán đều đăng tải hình ảnh, kèm số điện thoại, thu hút người mua bằng cách quảng cáo về mức độ sát thương của từng loại súng, với đạn sắt, đạn thủy tinh, đạn nhựa cũng như công dụng của mỗi loại vũ khí. Không ít đối tượng còn liên kết trang "chợ đen quốc tế" để môi giới, thu hút khách hàng.

Thực tế đã có không ít vụ án mạng liên quan "hàng nóng" với mức độ nguy hiểm, gây nhức nhối trong nhân dân. Điều này phản ánh hiểm họa khó lường đối với an ninh, trật tự xã hội và sự an toàn của người dân khi vẫn còn lượng vũ khí tàng trữ trong cộng đồng. Từ đầu năm nay, chuyện mua bán, sử dụng vũ khí ở nhiều tỉnh, thành phố có chiều hướng gia tăng.

Cuối tháng 7/2023, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chủ trì xác lập Chuyên án mang bí số A723p, phối hợp, đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí. Cơ quan chức năng xác định, các đối tượng đã tạo lập đường dây lớn, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Do quy mô, tính chất phức tạp, địa bàn rộng, để bảo đảm tổ chức phá án thành công, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm đã phối hợp Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng và Công an các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Kon Tum và Gia Lai đồng loạt triển khai phá án. Ngày 17/9/2023, kết quả bước đầu đấu tranh Chuyên án A723p đã bắt giữ sáu đối tượng, thu giữ 14 khẩu súng, 310 viên đạn cùng nhiều phụ kiện dùng để chế tạo súng…

Cũng giữa tháng 9 vừa qua, Công an tỉnh Gia Lai và thành phố Đà Nẵng triệt phá đường dây mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và bắt giữ bảy đối tượng liên quan. Tại các tỉnh Bình Dương, Quảng Nam, Kiên Giang, An Giang, Thanh Hóa…, lực lượng chức năng cũng tiến hành điều tra, triệt xóa những đường dây chế tạo súng trái phép, rao bán trên mạng xã hội.

Theo các đơn vị điều tra, việc triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển vũ khí trái phép mới là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế, trong các đợt kiểm tra, rà soát trên đường phố, cảnh sát giao thông vẫn phát hiện, thu giữ nhiều loại vũ khí do người dân vận chuyển, cất giấu trong phương tiện giao thông.

Vẫn còn "khoảng trống" trong luật định

Hiện nay trong các văn bản pháp luật có nhiều quy định cấm tàng trữ, sử dụng, mua bán vũ khí, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Như trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 11 Nghị định 144/2021 của Chính phủ…

Theo đó, hành vi "nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ" bị nghiêm cấm theo Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà, Khoa An ninh điều tra (Trường đại học An ninh nhân dân), cần điều chỉnh, có hướng dẫn thêm để không bị vướng mắc trong thực hiện, bởi trong các Điều 304, 305, 306 Bộ luật Hình sự chưa quy định về vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, cho nên khó khăn trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối tượng liên quan.

Còn theo Thượng tá Hoàng Trọng Kiên (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an), việc xử lý các hành vi mua bán vũ khí gặp khó khăn do đối tượng triệt để lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng, sử dụng các dịch vụ trực tuyến để phạm tội. Cùng với đó, chế tài xử lý chưa đủ răn đe. "Chúng tôi chủ động xâm nhập hội nhóm diễn đàn có dấu hiệu hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng; phát hiện, xác minh, phối hợp công an các đơn vị địa phương triển khai các biện pháp công tác, xác minh, đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật", Thượng tá Hoàng Trọng Kiên nêu giải pháp.

Đồng quan điểm, Thượng tá Phạm Hoàng Tùng, Phó Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang, chia sẻ thêm: Công an các địa phương cần làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền người dân giao nộp vũ khí. Đồng thời, các gia đình cũng phải quan tâm, giáo dục con em nói không với việc sử dụng vũ khí trái phép.

Một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết, là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý mạng xã hội và lực lượng công an để có thể triệt phá tận gốc những người đang mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội. Từ đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng cần có biện pháp để giảm tương tác hoặc khóa tài khoản những trang chuyên quảng cáo, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202310/chan-moi-hoa-tu-vu-khi-nong-tren-mang-992354/