Chân dung người Việt đầu tiên nhận giải thưởng IMO

'A, bố về rồi! Bố vừa cứu được mấy người thế? Bố có bị đau ở đâu không?' Những câu hỏi cứ dồn dập ập đến mỗi khi anh trở về nhà, gặp lại con thơ sau những lần hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Nhìn ánh mắt của con đầy hạnh phúc khi được gặp lại bố sau bao ngày mong ngóng, có lẽ đây chính là khoảnh khắc duy nhất mà anh Trần Văn Khôi, nhân viên cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (TP Đà Nẵng) thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” năm 2021 của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) cảm thấy run sợ trước cái chết.

Sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo thuộc xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có con sông quê (một nhánh của sông La) chảy nặng phù sa vào mùa lũ, anh Khôi đã sớm được rèn luyện kỹ năng bơi cừ khôi ngay từ khi còn nhỏ.

 Gian nan, vất vả là thế nhưng nụ cười lúc nào cũng luôn thường trực trên môi "người hùng" Trần Văn Khôi. Ảnh: Bảo Trung

Gian nan, vất vả là thế nhưng nụ cười lúc nào cũng luôn thường trực trên môi "người hùng" Trần Văn Khôi. Ảnh: Bảo Trung

Lớn lên, anh theo học trường Cao đẳng Hàng hải ở TP Hải Phòng, chuyên ngành điều khiển tàu biển. Đầu 2005, anh chính thức trở thành nhân viên của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II. Nhận nhiệm vụ mới, anh Khôi vừa mừng lại vừa lo bởi đây là một công việc thầm lặng, nguy hiểm nhưng góp phần giảm bớt mất mát, giành giật lại sự sống cho những người hành nghề trên biển, đặc biệt là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển.

Sau hơn 15 năm “chinh chiến” trên biển, tính tới thời điểm hiện tại, anh không thể nhớ mình đã tham gia thực hiện được bao nhiêu nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, chỉ ước tính trung bình khoảng trên 20 chuyến mỗi năm. Trong đó, đa phần là nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, ứng cứu, hỗ trợ y tế cho bà con ngư dân trên các tàu cá; hoặc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn thuyền viên hàng loạt tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn do bão số 12 ở Quy Nhơn năm 2017, tìm kiếm cứu nạn thuyền viên bị chìm tàu tại cửa Gianh-Quảng Bình năm 2017... Anh đã phải trải qua rất nhiều vụ việc nguy hiểm, thậm chí có vụ xuồng công tác bị lật giữa điều kiện sóng lớn, gió mạnh. Đặc biệt, trong vụ Vietship 01 vào tháng 10-2020 vừa qua, anh Khôi đã dũng cảm cứu được 4 người trên tàu bị chìm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Biển Đông. Cũng qua vụ việc đó mà anh Khôi trở thành thuyền viên đầu tiên của Việt Nam được IMO vinh danh vì có hành động dũng cảm khi cứu nhiều người trên biển.

Trong những tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, anh chỉ có thể dốc hết sức mình để cứu những nạn nhân một cách nhanh chóng và chính xác. Ảnh: Bảo Trung

Trong những tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, anh chỉ có thể dốc hết sức mình để cứu những nạn nhân một cách nhanh chóng và chính xác. Ảnh: Bảo Trung

Trong những tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, đứng giữa lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết, không những đối với bản thân, anh em đồng nghiệp mà còn chính đối với những người gặp nạn anh chỉ có thể dốc hết sức mình để cứu những nạn nhân một cách nhanh chóng và chính xác, bởi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến cả tập thể tàu lâm vào tình huống nguy hiểm.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu anh có hối hận khi lựa chọn công việc này không, anh Khôi đã một mực khẳng định “dù có gian nan và nguy hiểm nhường nào, nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ lựa chọn làm một nhân viên cứu nạn”. Những ánh mắt cầu cứu xen lẫn tuyệt vọng của những người bị nạn, hay giọt nước mắt vỡ òa khi thấy người thân mình trở về từ bàn tay thủy thần, đặc biệt là sự ủng hộ và động viên của gia đình chính là động lực để anh vững chắc tay chèo, bám biển, làm điểm tựa cho ngư dân nơi biển cả bao la đầy hiểm nguy. “Tôi không phải là anh hùng như có người từng nói. Tôi chỉ làm việc từ chính lương tâm của mình thôi. Người chọn nghề và rồi nghề chọn người. Tôi vui và hạnh phúc với điều đó”, anh Khôi chia sẻ.

Khi biết tin được đề cử danh hiệu “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển năm 2021”, anh đã rất bất ngờ và xúc động. Anh cho rằng, đây không phải là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhất mà anh từng thực hiện, nhưng lại để lại ấn tượng đặc biệt trong anh bởi đây là đầu tiên anh được sát cánh cùng các ngư dân trên phương tiện của họ để thực hiện nhiệm vụ.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh Tô Minh Thu đại diện anh Trần Văn Khôi nhận giải thưởng từ Tổng thư ký IMO Kitack Lim. Ảnh: TTXVN.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh Tô Minh Thu đại diện anh Trần Văn Khôi nhận giải thưởng từ Tổng thư ký IMO Kitack Lim. Ảnh: TTXVN.

Tại Việt Nam, ngư dân là những người thường gặp phải tai nạn, sự cố trên biển và phần lớn trong các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn mà anh tham gia thường là cứu nạn những ngư dân và tàu cá. Những ngư dân đều là những người có kỹ năng đi biển thành thạo, thông thuộc các dòng chảy, địa hình của nhiều khu vực vì vậy vốn kiến thức của họ một nguồn cơ sở dữ liệu tin cậy đã nhiều lần giúp những nhân viên cứu hộ, cứu nạn trên biển có thể thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ. “Trong lúc triển khai nhiệm vụ, tôi không có thời gian để suy nghĩ cho bản thân, chỉ có một mục tiêu đặt ra trước mắt là bằng mọi cách suy nghĩ được phương án để cứu người bị nạn nhanh nhất. Chỉ tiếc rằng, tôi đã không thể cứu được nhiều người hơn do sự hạn chế của sức người và trang thiết bị”, anh tiếc nuối.

“Anh có nguyện vọng gì không?” “Biển lặng sóng, người đi biển bình an!”, anh Khôi đáp nhanh. Quả thực, đó là tâm niệm duy nhất mà có lẽ không chỉ đối với anh Khôi, mà bất cứ những người nào đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển cũng đều mong ngóng hằng ngày, hằng giờ.

MINH ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/chan-dung-nguoi-viet-dau-tien-nhan-giai-thuong-imo-681424