Chấn chỉnh thái độ phục vụ của y, bác sĩ bệnh viện Quảng Ngãi

SGTT.VN - Sáng 26.6, khi thực hiện công tác giám sát và làm việc với lãnh đạo sở Y tế và bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, chủ tịch UB MTTQ tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: trong tiếp xúc cử tri, trọng tâm mà người dân phản ánh gay gắt về thái độ hành xử, vấn đề y đức kém của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi với bệnh nhân. “Bệnh nhân có thể chấp nhận, thông cảm với đội ngũ và các trang thiết bị thiếu, chứ không chấp nhận thái độ hành xử kém của y, bác sĩ”, ông Tuấn nói. Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, ông Phạm Ngọc Lân thừa nhận rằng đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện hiện “kém y đức, thiếu tinh thần trách nhiệm, giao tiếp kém, sai sót chuyên môn, gây giảm lòng tin với người bệnh và gia đình đối với bệnh viện, gây bức xúc trong nhân dân”.

Sản phụ chờ sinh và người nhà sản phụ trước khoa sản bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Huy, chánh văn phòng sở Y tế Quảng Ngãi cho rằng, hành xử của đội ngũ y, bác sĩ ở khoa sản bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi làm cho bệnh nhân và người nhà không hài lòng là có thật. Để chấn chỉnh tình trạng này, giám đốc sở Y tế Quảng Ngãi đã có văn bản chấn chỉnh về tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân đối với y, bác sĩ ở bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Đồng thời chỉ đạo cho thanh tra sở Y tế ráo riết đi lùng “bệnh của bác sĩ”.

Theo đó, thanh tra đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất, bất ngờ, để bắt “bệnh” về thái độ phục bệnh nhân, nhất là việc gợi ý và nhận “phong bì” của bệnh nhân. “Chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp bỏ giờ hành chính làm việc cá nhân. Nhưng về nhận tiền phong bì, quả thật hơi khó bắt quả tang. Rất mong báo chí và công an cùng vào cuộc, ghi được những hình ảnh này. Sở Y tế sẽ căn cứ vào mức nặng nhẹ để xử lý. Vi phạm nhẹ lần đầu như bỏ việc hành chính thì nhắc nhở, phê bình, nhưng tái phạm sẽ cắt thi đua, cắt thưởng. Còn vi phạm mức độ nặng hơn về đạo đức nghề nghiệp, ngành sẽ căn cứ các quy định chung để “căng” ra kỷ luật, trong đó có cách chức”, ông Huy cho biết.

Riêng tại khoa sản, nơi 20 trẻ sơ sinh tử vong chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2012, ông Huỳnh Văn Thanh, trưởng khoa, nói rất mệt mỏi sau hàng loạt vụ “đáng tiếc” xảy ra. Theo ông Thanh, sau vụ sản phụ Lê Thị Hương tử vong (ngày 20.4), khoa sản đã cứu sống hai ca sản phụ là người Hrê và Kor sinh khó, đang gặp nguy hiểm chuyển từ huyện Sơn Hà và huyện Tây Trà về. “Thế nhưng cái tốt này thì không ai hay, còn cái rủi ro thì... tiếng dữ đồn xa. Khoa sản bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi lâu nay vẫn có 120 giường bệnh, mỗi ngày có 300 bệnh nhân, trong đó 80 là nhập viện sinh đẻ, nhưng nhân lực thì không tăng lên. Mỗi ngày, các bác sĩ ở đây phải mổ từ 18 – 25 ca sinh”, ông Thanh lý giải. “19 bác sĩ của khoa tôi chỉ đủ để trực, còn các công việc khám chữa bệnh khác thì chưa đáp ứng đủ”, ông Thanh nói. Đó là chưa kể, do xảy ra hàng loạt các vụ tử vong, các bác sĩ ở đây đã “thoái thác” hoặc đổ bệnh thật và nghỉ ốm, người lớn tuổi thì xin không trực mà làm hẳn công việc hành chính. “Khoa có 19 bác sĩ, nhưng có bốn bác sĩ đang đi học, ba bác sĩ viết đơn xin không trực, ba bác sĩ mới bị đình chỉ công tác chuyên môn mười ngày. Khoa tôi hiện giờ chỉ còn có chín bác sĩ làm việc”, ông Thanh than.

Theo lời ông Thanh, đã có hiện tượng các bác sĩ xin nghỉ việc ở đây để xin làm việc ở nơi khác. “Hiện nay chưa có chuẩn mực nào về bao nhiêu bác sĩ thì đảm bảo cho một khoa sản của bệnh viện cấp tỉnh. Còn thực tế công việc, khoa sản của chúng tôi cần ít nhất là 25 – 30 bác sĩ”, ông Thanh nói.

Bác sĩ Hoàng Trọng Quang, phó giám đốc bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, xác nhận những khó khăn ở khoa sản này là có thật. Đặt vấn đề, dư luận cho rằng, nội bộ khoa sản có “khác lòng” và do cạnh tranh trong quá trình mở các phòng khám tư, đã xảy ra mâu thuẫn ngầm, ông Quang cho biết: việc mất đoàn kết ở khoa sản, chưa có văn bản nào của khoa và lãnh đạo bệnh viện khẳng định điều này. Còn việc mâu thuẫn do mở phòng khám tư, bác sĩ Quang cho rằng, hầu như bác sĩ khoa sản đều có phòng khám tư, tuy nhiên để xảy ra mâu thuẫn hay không thì đó là điều “tế nhị”.

Theo ông Quang, để giảm tải và tăng cường chất lượng công tác khám chữa bệnh thì tỉnh cần phải đẩy nhanh xây dựng bệnh viện sản – nhi, còn trước mắt thì bệnh viện cần sự chi viện của bệnh viện trung ương Núi Thành và bệnh viện Từ Dũ.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/165412/chan-chinh-thai-do-phuc-vu-cua-y-bac-si-benh-vien-quang-ngai.html