Chăm lo đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc Khơ-me

Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỷ lệ đồng bào dân tộc Khơ-me chiếm khoảng 8% trong tổng số gần 18 triệu dân. Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khơ-me đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống văn hóa không ngừng được nâng lên, giúp đồng bào Khơ-me từng bước hội nhập vào xu thế chung của đất nước…

Quan tâm bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa

Năm 2013, lần đầu tiên Lễ hội Oóc Om Bóc-Đua ghe ngo của đồng bào Khơ-me tỉnh Sóc Trăng được Chính phủ quyết định nâng lên tầm quốc gia đã thu hút sự tham gia, cổ vũ nồng nhiệt của hàng trăm nghìn lượt người, đặc biệt là bà con Khơ-me ở ĐBSCL. Gần một năm sau, lễ hội này (của tỉnh Trà Vinh) và Nghệ thuật sân khấu Dù Kê (của tỉnh Sóc Trăng) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó cho thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ-me luôn được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm.

Kinh tế-xã hội phát triển, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ-me ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng được nâng lên.

Theo Th.s Võ Thành Hùng (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ), đặc biệt từ thập niên 80 của thế kỷ 20 trở lại đây, đồng bào Khơ-me ở ĐBSCL còn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành nhiều chính sách riêng trong việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa. Các chính sách không chỉ bao quát giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mà còn đưa ra những phương thức hoạt động cụ thể để thực hiện hiệu quả.

Hiện nay ở ĐBSCL, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có phòng trưng bày văn hóa Khơ-me, riêng hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã xây dựng Nhà bảo tàng Văn hóa dân tộc Khơ-me. Công tác bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khơ-me đang từng bước được mở rộng (nâng cao thành 7 trình độ, từ lớp 3 đến lớp 9). Không những thế, từ năm 2013, Chính phủ đã cho phép Trường Đại học Trà Vinh đầu tư xây dựng Khoa Ngôn ngữ-Văn hóa-Nghệ thuật Khơ-me, đào tạo từ bậc đại học đến trình độ tiến sĩ. Th.s Nguyễn Thị Thu Hương (Khoa Ngôn ngữ-Văn hóa-Nghệ thuật Khơ-me, Trường Đại học Trà Vinh) cho biết: Tính đến nay, tổng số sinh viên tốt nghiệp bậc đào tạo cao đẳng và đại học chuyên ngành văn hóa Khơ-me khoảng 300 sinh viên, bậc cao học có 140 học viên, 20 học viên đang đào tạo bậc nghiên cứu sinh”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại ĐBSCL đã có 10 tỉnh, thành phố thực hiện chương trình phát thanh-truyền hình bằng tiếng Khơ-me. Các chương trình ngày càng được tăng cường về số lượng, thời lượng, chất lượng phát sóng. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa được các cấp, ngành, địa phương và bà con Khơ-me quan tâm đầu tư đúng mức, thường xuyên củng cố và duy trì. Số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho thấy, tính đến tháng 3-2017, cả nước (tập trung nhiều nhất tại ĐBSCL) có 19 ngôi chùa Khơ-me đã được xếp hạng di tích ở các cấp khác nhau, 139 ngôi chùa được đề nghị xét công nhận có công với cách mạng, 123 ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa; hơn 300 chùa có tủ sách, báo phục vụ nhu cầu học tập, cập nhật kiến thức cho tăng sinh, sư sãi và cộng đồng trong tổng số 456 chùa Khơ-me (2 chùa mới xây tại Hà Nội và huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng giữ gìn văn hóa truyền thống

Trong những ngày cả nước hướng đến kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, có dịp đến những vùng có đông đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống, chúng tôi đều nhận thấy khắp các tuyến đường liên ấp, liên xã đều được quét dọn sạch sẽ, trước mỗi ngôi nhà đều trang trọng treo cờ Tổ quốc. Ông Lý Tel, Trưởng ấp Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nói: Tinh thần tự giác của bà con Khơ-me rất cao, vào các dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc mình cũng như những ngày lễ lớn của đất nước, ai cũng muốn góp sức cho bộ mặt quê mình sáng sủa, đẹp đẽ.

Hòa thượng Tăng Nô, Phó chủ tịch thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết: Được sự giúp đỡ, phối hợp với các cấp chính quyền, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh thường xuyên vận động người dân Khơ-me chăm lo phát triển kinh tế, học tập văn hóa, phát huy truyền thống tốt đẹp góp phần xây dựng quê hương. Các vị sư sãi, ban quản trị các chùa và Phật tử ngày càng nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nêu cao nhận thức trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của đồng bào dân tộc Khơ-me.

Cũng như Hòa thượng Tăng Nô, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh, Phó chủ tịch thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh bày tỏ: Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh luôn vận động, khuyến khích sư sãi, Phật tử đóng góp nhiều hơn để quê hương phát triển, tích cực giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Th.s Võ Thành Hùng cho rằng, với đồng bào dân tộc Khơ-me, ngôi chùa luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần. Vì thế mô hình chùa văn hóa cần phải được xây dựng, nhân rộng ở nhiều nơi, qua đó giúp cho cộng đồng ý thức được vai trò, trách nhiệm, tự làm chủ hành động của mình trong các hoạt động văn hóa và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các chính sách về bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa dân tộc Khơ-me cũng cần được bổ sung, hoàn thiện, sát với tình hình thực tiễn, biến văn hóa thành nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế-xã hội, làm cho bản sắc văn hóa dân tộc Khơ-me thêm rực rỡ trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam…

Vào dịp Tết cổ truyền Chôl Thnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khơ-me (giữa tháng 4 vừa qua), đến thăm, chúc Tết Hội đoàn kết sư sãi yêu nước hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục khẳng định sự đồng hành, đóng góp xứng đáng của các vị sư sãi, đồng bào dân tộc Khơ-me trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các vị sư sãi, đồng bào dân tộc Khơ-me phát huy trí tuệ, năng lực chăm lo, giữ gìn bản sắc văn hóa, chung tay xây dựng để mỗi một ngôi chùa Khơ-me thật sự là một điểm sáng về văn hóa.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cham-lo-doi-song-van-hoa-cho-dong-bao-dan-toc-kho-me-506102