Chấm dứt tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại vụ bà Nguyễn Thị Sáu

(ABO) Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang thông báo chấm dứt việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại vụ bà Nguyễn Thị Sáu, địa chỉ: Ấp 4, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Theo thông báo, bà Nguyễn Thị Sáu khiếu nại yêu cầu trả lại 2.000 m² đất tọa lạc tại ấp 4, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè (trước đây làm nghĩa trang liệt sĩ, sau đó là Bến xe xã Tân Thanh) vì cho rằng đất có nguồn gốc của bà Võ Thị Huy là bà ngoại của bà Nguyễn Thị Sáu.

Qua rà soát, theo bản đồ lập năm 1907 thể hiện ông Võ Văn Mau và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh đứng tên, quản lý sử dụng thửa đất số 212 và 213 có tổng diện tích 109.440 m² tọa lạc tại làng Thanh Hưng (sau này tách ra thành xã Tân Thanh và xã Tân Hưng). Năm 1941, ông Mau và bà Thanh chia đất cho các người con. Trong đó, bà Võ Thị Huy được chia tổng cộng 9.888 m² đất (thửa 213 diện tích 4.000 m² và thửa 212 diện tích 5.880 m²). Vị trí của 2 thửa nằm ở phía Bắc của Quốc lộ 30; riêng thửa 213 có một phần diện tích khoảng 845 m² hình cánh buồm nằm ở phía Nam Quốc lộ 30 cặp sát đầu cầu Rạch Ruộng; phần diện tích này bị chế độ cũ trưng dụng làm Trường Tiểu học Thanh Hưng, làm đồn bót và làm Cuộc cảnh sát, sau năm 1975 chính quyền cách mạng tiếp quản phần diện tích trên sử dụng làm đường vào chợ Tân Thanh; đến năm 1985, UBND xã Tân Thanh sử dụng hết 586,6 m² để gộp vào diện tích xây trụ sở làm việc và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi UBND xã Tân Thanh xây trụ sở, bà Nguyễn Thị Sáu phát sinh tranh chấp, UBND xã Tân Thanh có giao cho bà Sáu một nền nhà, nhưng bà không sử dụng mà chuyển nhượng cho người khác vào năm 1989.

Đối với diện tích đất Bến xe khách xã Tân Thanh mà bà Sáu đòi lại, theo bản đồ lập năm 1907 thể hiện phần đất này thuộc thửa 216, là đất làng do chế độ cũ quản lý và thửa 221 do ông Triệu Văn Đỉnh đứng tên, không liên quan đến thửa số 212 và thửa số 213 của bà Võ Thị Huy. Năm 1977, thực hiện chủ trương quy tập hài cốt liệt sĩ, phần đất phía Đông trường học cũ (cặp Quốc lộ 30) và nền chùa Ông có tổng diện tích 4.031 m² là đất còn hoang hóa lâm địa được chọn để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ của xã. Bà Nguyễn Thị Sáu cho rằng, trong diện tích đất làm nghĩa trang liệt sĩ nêu trên có 2.000 m² đất của bà Võ Thị Huy và phát sinh tranh chấp. Do mới tiếp quản, chính quyền cơ sở chưa nắm rõ nguồn gốc đất, nên có vận động “Nếu cần chỗ ở thì giải quyết chỗ ở cho bà” và thực tế UBND xã đã giao cho bà Sáu 900 m² đất để bà cất nhà ở (nhà đất này bà Sáu đã bán cho ông Nguyễn Hoàng Dân vào ngày 22-1-1983). Ngoài ra, chính quyền cơ sở còn vận động ông Nguyễn Thành Răng chia cho bà Sáu 5.000 m² đất ruộng, bà Sáu canh tác được vài năm thì bán lại cho ông Trần Văn Chía và Trần Văn Thế.

Tổ Giúp việc 2801 thuộc UBND tỉnh Tiền Giang tiếp xúc, đối thoại với bà Nguyễn Thị Sáu. Ảnh: QUANG MINH

Sau khi quy tập hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, Đảng ủy và UBND xã Tân Thanh đề nghị sử dụng phần đất này làm Bến xe khách. Ngày 6-9-1989, UBND tỉnh có quyết định giao 4.031 m² đất để xây dựng Bến xe khách và điểm bán xăng dầu. Khi tiến hành san lấp mặt bằng, khởi công xây dựng bến xe thì bà Nguyễn Thị Sáu yêu cầu trả lại cho bà 2.000 m² đất với lý do “Ông Võ Văn Soái - nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng có hứa đổi đất ruộng chỗ khác để sử dụng 2 công đất trên xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, nhưng đến năm 1985 gia đình bà chưa nhận được sự đền bù nào của UBND xã Tân Thanh”. Thời điểm này, UBND xã Tân Thanh có giao cho bà Sáu 2 nền nhà diện tích 96 m². Phần đất này bà Sáu không sử dụng mà bán cho ông Lê Văn Mum và ông Nguyễn Văn Dở và tiếp tục khiếu nại.

Năm 1989, vụ việc này đã được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết với nội dung: “Bác đơn khiếu nại của bà Sáu”. Ngày 14-12-1998, UBND tỉnh có quyết định thành lập Đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ vụ việc và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định với nội dung bác đơn bà Sáu trong việc tranh chấp đất nền trường học cũ và nền nghĩa trang cũ với UBND xã Tân Thanh.

Thanh tra Chính phủ đã cử Tổ công tác kiểm tra rà soát vụ việc. Tại Biên bản ngày 16-6-2009 của Tổ công tác Thanh tra Chính phủ đã thống nhất xác định vụ việc của bà Sáu không có căn cứ để xem xét. Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh ban hành công văn trả lời và yêu cầu bà Nguyễn Thị Sáu chấm dứt khiếu nại.

Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh thành lập nhiều Tổ công tác rà soát, kiểm tra lại vụ việc. Kết quả rà soát các báo cáo đều khẳng định: Nguồn gốc đất xây dựng nghĩa trang liệt sĩ (nay là Bến xe khách xã Tân Thanh) mà bà Nguyễn Thị Sáu cho rằng có 2.000 m² đất của bà Võ Thị Huy (bà ngoại bà Sáu) nên bà Sáu tranh chấp. Nhưng thực tế khu đất này không liên quan đến thừa 212 và 213, vì khoản năm 1941 - 1942 Pháp làm lộ 30 dọc theo hướng Đông - Tây thì thừa 212 và 213 từ trục Quốc lộ 30 về phía Bắc, thửa 213 có 1 phần diện tích hình cánh buồm nằm phía Đông Nam cầu Rạch Ruộng là đồn bót thời Pháp và Cuộc Cảnh sát thời Mỹ - Ngụy có diện tích 845 m².

Cho dù có đất của bà Huy ở Nam lộ cầu Rạch Ruộng tại vị trí Cuộc Cảnh sát thì căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993, khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 đều khẳng định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nên bà Sáu không có quyền đòi lại đất khu vực Cuộc Cảnh sát.

Bà Nguyễn Thị Sáu phát biểu tại buổi tiếp xúc, đối thoại. Ảnh: QUANG MINH

Năm 1969, chế độ cũ bình định toàn bộ khu vực này là đất hoang hóa cấm địa. Sau 1975, chính quyền cách mạng quản lý toàn bộ cơ sở vật chất của chế độ cũ để lại; đến năm 1977, Đảng ủy, UBND xã Thanh Hưng khai phá xây dựng nghĩa trang liệt sĩ là đúng quy định tại điểm 1 Mục II Quyết định 188/CP ngày 25-9-1976 của Hội đồng Chính phủ: “Nhà nước coi là quốc gia công thổ và trực tiếp quản lý sử dụng mọi loại ruộng đất đến ngày công bố chính sách này còn bỏ hoang mà không có lý do chính đáng”.

Đối chiếu tài liệu quản lý đất đai cho thấy, gia đình bà Nguyễn Thị Sáu không có đất tại khu vực nghĩa trang liệt sĩ. Do chưa xác định được nguồn gốc đất nên ông Võ Văn Soái và ông Cao Văn Tây (nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã) xác nhận ngày 27-7-1995, tạo sơ hở cho bà Sáu khiếu nại, tố cáo với lý do chính quyền mượn, đổi đất để làm nghĩa trang liệt sĩ. Quá trình giải quyết đã nhiều lần giao cấp đất ở và đất sản xuất (không kể việc công nhận quyền sử dụng đất đã sử dụng trước 1993) là thỏa đáng, tạo điều kiện cho bà Sáu ổn định cuộc sống, nhưng bà sang bán rồi tiếp tục khiếu nại.

Ngày 22-4-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành văn bản có nội dung thống nhất bồi thường giá trị 2.000 m² đất nông nghiệp cho bà Nguyễn Thị Sáu, nhằm mục đích để bà chấm dứt khiếu nại. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Sáu không đồng ý với kết luận tại văn bản này. Qua rà soát, xác định việc kết luận giải quyết như trên là trái với các kết luận trước đây, không phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại và yêu cầu người khiếu nại bổ sung tài liệu chứng cứ, nhưng tài liệu chứng cứ do người khiếu nại cung cấp không làm thay đổi kết quả đã rà soát. Do đó, ngày 28-10-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành công văn để thu hồi, hủy bỏ các văn bản liên quan đến việc bồi thường (hỗ trợ) cho bà Nguyễn Thị Sáu.

Thực hiện kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; vụ việc khiếu nại của bà Nguyễn Thị Sáu tiếp tục được kiểm tra rà soát và xác định nội dung khiếu nại của Nguyễn Thị Sáu đã được cơ quan từ Trung ương đến địa phương giải quyết đúng pháp luật; cơ quan chức năng đã tiếp, vận động, giải thích nhiều lần nhưng bà Sáu không đồng ý. Ngày 6-11-2023, Tổ trưởng Tổ Giúp việc 2801 có buổi tiếp xúc đối thoại với bà Nguyễn Thị Sáu. Quá trình tiếp xúc, đối thoại, bà Nguyễn Thị Sáu không đồng ý với kết quả xác minh của cơ quan chức năng, không hợp tác làm việc và tự ý bỏ ra về.

Xét thấy vụ việc của bà Nguyễn Thị Sáu đã được kiểm tra rà soát và xác định cơ quan thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật, không có tình tiết phát sinh mới làm thay đổi nội dung đã giải quyết, UBND tỉnh Tiền Giang thông báo các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không tiếp, không nhận đơn, không xem xét giải quyết nội dung nêu ở phần trên của bà Nguyễn Thị Sáu, yêu cầu bà Nguyễn Thị Sáu chấp hành, thực hiện.

HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/ban-doc/202312/cham-dut-tiep-nhan-thu-ly-giai-quyet-khieu-nai-vu-ba-nguyen-thi-sau-998701/