Cha tật nguyền nuôi hai con vào đại học

Dù gia cảnh thiếu trước hụt sau nhưng vợ chồng ông Trương Văn Tâm (57 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vẫn nỗ lực nuôi hai con ăn học thành tài.

Chúng tôi về xóm tôm khô thuộc ấp Vĩnh Thành B tìm gặp ông Trương Văn Tâm đúng lúc ông vừa đi bán về. Chỉ có vài công đất ruộng thuê không thể đưa vợ chồng ông Tâm vượt qua cảnh nghèo túng. Cũng như một số hộ dân trong xã, gia đình ông luôn nằm trong danh sách hộ nghèo. Với ông Tâm, nghèo vốn là số phận đã đành, nhưng nỗi ray rứt trong lòng ông là tương lai học hành của hai đứa con.

Ông Tâm kể năm ông học lớp 8, một trận sốt kéo dài đã làm chân phải của ông bị liệt. Biết mình không thể đi lại bình thường như bao người khác, ông khóc đến khô nước mắt. Thỉnh thoảng ông đem chuyện ấy ra kể với các con để đi đến một kết luận rằng: “Đời ba tật nguyền còn có thể bán vé số kiếm sống, nhưng trong thời buổi phát triển như hiện nay, nếu không cố gắng học các con sẽ không thể thoát khỏi nghèo khổ, bần hàn”.

Bà Nguyễn Thị Thiểu đưa nước cho ông Trương Văn Tâm uống trước khi đi bán vé số.

Năm 2015, ông Tâm bị tai biến khiến cả hai chân không thể đi lại được. Thương gia cảnh người đàn ông hiền lành là trụ cột gia đình phải sống đời tật nguyền, anh Võ Bảo Quốc - phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành vận động nhà hảo tâm tặng xe lắc để ông Tâm làm phương tiện mưu sinh. Cũng từ đó, hễ trời nắng thì ông bán vé số quanh khu vực chợ Tà Niên gần nhà, hôm nào trời mưa vé số ế ông phải đi xa tận Cầu Ván, phường Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá).

Cứ thế, ông Tâm sống cần mẫn chăm lo cho gia đình, các con. Trong mắt hai người con của ông là Trương Nhật Hào và Trương Thị Trúc Ly, ông là một người cha quanh năm làm lụng, không hút thuốc, không uống rượu; bà Nguyễn Thị Thiểu (50 tuổi), một người mẹ nay đau mai yếu nhưng vẫn phải suốt ngày quần quật phụ việc nhà, làm thuê, rửa chén.

Ông Tâm nói: “Tôi đi bán vé số nhiều nơi, thấy nhiều gia đình có điều kiện mà con cái không chịu ăn học, làm khổ cha mẹ. Nghĩ lại hai đứa con mình, đứa nào cũng chăm chỉ, ham học và học giỏi nên tôi nguyện với lòng bằng mọi giá phải lo cho con vào đại học để sau này chúng tự lo cho bản thân có cuộc sống tốt hơn”.

Khách đi đường mua vé số ủng hộ ông Trương Văn Tâm.

Năm 2018, Trương Nhật Hào trúng tuyển vào Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long). Mỗi lần gửi tiền cho con, ông đều không nói nhiều, chỉ dặn dò con cố gắng học. Nhưng anh Hào đâu chỉ học cho cha mẹ vui lòng. Sau 2 tháng xa nhà đi học, anh Hào bắt đầu tìm việc làm thêm, hết chạy bàn nhà hàng đến tiếp thị, dạy thêm chỉ mong đỡ đần gánh nặng cho ba mẹ suốt 4 năm đại học. “Thấy ba mẹ khổ quá, tôi chỉ biết quyết tâm học tập để ba mẹ vui, để thoát khỏi cái nghèo”, anh Hào tâm sự.

Ra trường, anh Hào đi làm cho một doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ, sau đó xin về công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện An Minh. Tiền lương hàng tháng anh Hào dành một phần để nuôi em gái Trương Thị Trúc Ly đang học năm cuối chuyên ngành công nghệ sinh học tại Đại học Cần Thơ.

Dù hàng ngày vẫn ngược xuôi với cuộc mưu sinh, ông Tâm vẫn giữ tinh thần lạc quan với cuộc sống. Niềm lạc quan ấy có lẽ không chỉ đến từ thành tích học tập của hai người con mà còn từ sự quan tâm, lòng tốt mà cộng đồng, xã hội dành cho ông, lúc là thùng mì, chai nước tương từ chủ tiệm tạp hóa tốt bụng nơi ông từng đến, có khi là ít tiền từ khách trúng vé số an ủi.

Không ít lần gia đình ông Tâm được chính quyền địa phương đưa vào diện được nhận hỗ trợ lương thực, thực phẩm khi có đoàn từ thiện về xã nhưng ông đều từ chối nhận và nhường lại cho người khác. Ông Tâm cho rằng bản thân ông dù tàn tật nhưng còn có thể kiếm sống được, trong xã hội nhiều người còn khó khăn hơn ông gấp nhiều lần.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/cha-tat-nguyen-nuoi-hai-con-vao-dai-hoc-19159.html