Cha mẹ 'vui vẻ' lộ liễu, con trai 12 tuổi 'bắt chước' hại đời bé gái hàng xóm?

(Xã hội) - Chiều ngày 19/8/2014, một bé gái 10 tuổi được đưa vào bệnh viện Đa khoa Bình Điền (Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) do bị tổn thương ở vùng kín, chân tay trầy xước nhiều.

Cha mẹ 'vui vẻ' lộ liễu, con trai 12 tuổi 'bắt chước' hại đời bé gái hàng xóm?

Lộ chuyện bị “dâm ô” do gặp tai nạn

Nhà cô bé nạn nhân nằm sâu hun hút phía cuối con dốc trong xã Bình Thành. Bao quanh nhà là những rừng keo bạt ngàn. Cỏ tranh mọc tận vào trong bếp. Ngôi nhà nhỏ, xập xệ, xây bằng bờ lô cũ xì không tô quét. Bức tường nham nhở phía trước có gắn tấm biển màu xanh nhỏ nhỏ, ghi mấy chữ 'nhà tình thương'. Bà cô bé phân trần: 'Người ta chỉ cho chừng đó, nên xây nhiêu đó'. Không có tiền tô quét, mẹ con bà để vậy ở từ đó đến giờ. Mấy khung cửa sổ, không có tiền đóng, bà lấy nilông che tạm. Mái nhà lợp bằng tôn, mục nát, lủng lỗ chỗ. Ngồi trong nhà nhìn lên trần, thấy cả mảng trời xanh ngắt. Bà nói, đêm mưa, nước chảy quanh nhà. Bà cháu phải ôm gối chạy quanh kiếm chỗ khô để ngủ. Chợt nhớ câu nói người dân lúc nãy chỉ đường: 'Đi hết con dốc kia, bỏ qua ba nhà, thấy nhà nào rách nát nhất là vào, không trật'.

Người phụ nữ ốm nhom, tóc cắt ngắn lởm chởm, nước da xanh tái. Bà kể mình sống cùng đứa cháu gái. Con gái bà lấy chồng, sinh liền tù tì năm đứa con, khi cái tuổi chưa quá 30. Đói nghèo, thiếu thốn, con rể bà dắt hai đứa con trai đầu về quê, tận dưới Cầu Hai (thuộc huyện Phú Lộc). Một nách ba đứa con, không đường mưu sinh, bà mẹ năm con đành cho bớt đứa út làm con nuôi. Đứa con gái thứ ba là Linh để lại bà ngoại, còn chị dẫn theo một đứa, phiêu bạt tận miền Nam kiếm sống.

Bà lão đưa mắt nhìn khách ái ngại khi tìm quanh chẳng có ghế để mời ngồi. Hai chiếc ghế nhựa nơi góc nhà, đã sứt sẹo. Chủ, khách đành ngồi bệt trên sàn. Bụi đường lẫn với cát sạn từ tường rớt xuống, lạo xạo trên nền nhà. Bà kể, chiều hôm đó, khi cháu bà băng qua đường mua bánh kẹo thì bị chiếc xe máy của hai vợ chồng người trong thôn tông phải. Linh ngã ra đường, hai chân dang rộng. Chiếc xe tông mạnh vào vùng kín. Khi đưa đứa bé vào viện, sợ khai tai nạn giao thông sẽ 'rầy rà', người phụ nữ nói tránh là đứa bé té từ tầng hai ngôi nhà xuống đất bị thương. Trong khi bác sĩ hỏi, đứa trẻ lại trả lời do xe đụng. Thấy vết thương rách nhiều, câu trả lời giữa người lớn với đứa trẻ có nhiều mâu thuẫn, bác sĩ báo cáo sự việc lên công an. 'Khi con bé bị nạn, tui đang ở trong rừng đốn củi. Đến chiều tối về nhà, nghe dân làng kể lại, tui hoảng hồn bắt xe ôm vô viện. Cũng vì đụng xe, nên mới “lòi” ra chuyện kia. Chứ nếu không, sự việc chẳng biết sẽ kéo dài đến lúc mô', bà lão thở dài khe khẽ.

Con hư tại cha mẹ

Nạn nhân kể, trước xảy ra tai nạn xe một ngày, lúc bà ngoại sang nhà hàng xóm xem phim, ngủ trưa dậy không thấy bà, nên Linh chạy đi kiếm. Trên đường đến nhà hàng xóm, cô bé gặp Đoàn Pha (12 tuổi, trú cùng thôn). Pha rủ Linh lên đồi hái sim. Nghĩ đi hái sim với Pha cũng như những đứa trẻ trong xóm, Linh đồng ý đi cùng. Ra đồi, cô bé hái được nắm sim, Pha giành lấy rồi bỏ chạy, cô bé đuổi theo để giành lại. Tiếng cười trong trẻo vang vọng cả một khoảng đồi. Cô bé hồn nhiên: 'Khi về nhà, đến vạt tràm sau lưng nhà con, anh kéo con đến vạt đất trong lùm keo đã phát sạch cỏ. Anh bắt con nằm xuống. Cỏ tranh sắc lắm, cứa vào da rất đau, nên con không chịu nằm. Anh nói không làm theo anh sẽ bóp cổ con. Con sợ. Mà anh cầm cái rựa trong tay, lỡ anh đánh con, còn đau hơn cả bị cỏ tranh cứa. Anh bắt con cởi đồ, rồi nằm lên. Con đau quá khóc, thì anh bảo khóc là anh đánh'. Cô bé còn cho biết, Pha còn dọa, nếu kể cho ai biết chuyện hôm ấy sẽ bị ăn đòn. Sợ, đến bà ngoại Linh cũng không dám hé răng.

Hai bà cháu nạn nhân

Dân trong thôn cho biết, gia đình bà Bình và cha mẹ của Pha đều là những gia đình 'trời ơi đất hỡi' trong thôn. Bà Bình vốn nghiện rượu, nên thường say xỉn. Đứa cháu ở cùng không được học hành, lớn lên như ngọn cây, cọng cỏ, kiến thức về cuộc sống, giới tính cứ 'lơ tơ mơ'. Bên gia đình của Pha, cha cũng say xỉn tối ngày. Vợ chồng thường lục đục, cãi nhau suốt. Là con trai một, Pha lại được nuông chiều thái quá. 'Nhà đó cưng con thì nhiều, chứ chẳng dạy được bao nhiêu. Cuộc sống vợ chồng thì 'quan hệ' lộ liễu để con trai nhìn thấy, nên nó mới bắt chước học theo, chứ tí tuổi đầu thì đã biết chi?', một hàng xóm nói. Một người khác thốt lên: 'Thằng bé đó 'con hư tại cha mẹ'', ở đây chẳng đứa con nít nào dám chơi cùng”.

Bên nhà 'thủ phạm', người mẹ cho biết con trai chị đi học chưa về. Chị này cho rằng: 'Chuyện có gì to tát đâu. Thằng con tui nó kể, chưa 'làm gì' con bé cả. Mới nằm lên thì thấy đau nên nó bỏ chạy. Hôm đó nó cầm rựa đi chặt cây làm ná bắn chim, gặp con bé kia mới xảy chuyện'. Chị bảo hai đứa nhỏ vốn ngày thường rất ghét nhau. 'Mỗi lần bé Linh sang mua bánh, con trai tôi chỉ 'quẹt' một tí, Linh đã chạy về mách bà. Nên tôi không hiểu vì sao khi xảy ra chuyện “động trời”, cô bé kia lại 'câm như hến'', chị này nói. Chị tiếp tục đổ lỗi: 'Con bé đó mới tí tuổi nhưng điệu lắm, ở đây ai cũng ghét. Con trai tui có ưa gì nó. Hôm xảy ra chuyện, tui giả đò hỏi thằng bé, “con thích hắn rứa để mai mốt lớn mạ hỏi cưới hắn cho con hỉ', nhưng thằng bé chối đây đẩy”.

Quả là đúng như những nhận xét của các hàng xóm, bậc phụ huynh còn 'hồn nhiên' như vậy, trách gì con cái không phạm lỗi lầm.

Nhà nạn nhân nghèo đến “dàn mồng tơi cũng không có để rớt”

Xin quay trở lại với gia đình nạn nhân. Gia đình bà Bình (bà ngoại nạn nhân) được xem là hộ cá biệt trong vùng. Cá biệt không chỉ vì nghèo, mà vì mỗi cá nhân, đều có cuộc đời bi đát. Chồng bà người Tây Lộc (TP.Huế), bà dân Triều Sơn (thị xã Hương Trà). Cha mất sớm, những năm 1980, bà theo mẹ đi kinh tế mới, rồi ở từ đó đến nay. Hồi khó khăn, vợ chồng bà từng dắt díu nhau về phố, ăn xin ở lầu chuông chợ Đông Ba. Sau này, lại dắt díu nhau vào tận Đồng Nai làm thuê làm mướn. Người trong vùng đều cho rằng, con gái của bà được nhặt ở lầu chuông chợ Đông Ba. Nhưng bà kể, sự thật là những năm tháng tha phương tận miền Nam, rồi dạt về Long Khánh đốn củi thuê, tại đây có người phụ nữ trẻ trót dại, sinh con rồi mang cho bà. Lúc ấy, vợ chồng bà hiếm muộn, nên nhận về, yêu thương như con đẻ.

Ở xứ người khó khăn, vợ chồng bà lại bồng bế nhau về quê. Sau này, bà sinh được hai người con trai. Nhưng người con cả mấy năm nay bỗng dưng phát bệnh tâm thần. Có đêm đang ngủ, anh bò dậy rượt đánh mẹ và cháu gái khiến cả hai chạy trối chết. Đôi lúc bà cháu phải lẻn sang nhà hàng xóm ngủ nhờ.

Cuộc sống nơi vùng sơn cước bữa đói bữa no khiến chồng bà chán ngán, bỏ mẹ con bà mà đi. Lâu lâu ông mới ghé lại thăm một lần. Cô con gái lớn lấy chồng, cuộc sống đói rách khiến gia đình phải chia năm xẻ bảy. Chồng bỏ đi. Con rể dắt hai đứa con bỏ đi. Con trai út và hai mẹ con cô con gái dắt nhau vào Nam làm mướn. Ở quê chỉ còn lại mình bà với đứa cháu gái nhỏ, cùng người con trai dở điên dở khùng. Thi thoảng người con trai lớn về thăm cha, ông lại gửi lên cho bà túm gạo.

Ngày con gái bà chưa đi xa, thi thoảng con rể cũng lên thăm. Nhưng chỉ ở được đôi ba bữa, rồi lại gây gổ nhau vì thiếu cái ăn. 'Người ta nói, 'nghèo rớt mồng tơi' để chỉ cái nghèo đến tận cùng. Chứ nhà tui đây, nghèo đến độ cái dàn mồng tơi cũng không có để rớt', bà buông lời chua xót. Đưa đôi mắt đục ngầu nhìn ra cánh rừng phía sau nhà, bà bảo đất ở đây khô cằn, chỉ có cỏ tranh là mạnh mọc, chứ bà trồng vài luống rau, cũng chết khô chết héo. Ngày trước bà cũng nuôi vài con gà. Ngày nào cũng mong chúng chóng lớn, rồi đẻ dăm cái trứng để có thứ mà cải thiện bữa ăn. Nhưng hễ nuôi con gà lớn một tí, có da có thịt lại mất trộm, chẳng biết do chồn chụp hay người bắt. Xót công, xót của, bà thôi không nuôi nữa.

Ở cái tuổi xấp xỉ sáu mươi, mỗi ngày bà phải lên rừng đốn củi về bán. Sức khỏe yếu, chẳng vác được nhiều, chỉ kiếm đủ tiền đong gạo nuôi thân cùng con và cháu. Bé Linh mới học hết lớp hai, do bà bận mưu sinh, còn cậu dở điên dở khùng không ai đưa đón đến lớp, cô bé đành bỏ học, tối ngày chỉ biết quanh quẩn trong nhà. Bà Bình kể, bà cũng định năm này cho cháu đi học lại, đâu ngờ xảy ra chuyện nên thôi, chắc phải hẹn năm học sau mới cho cháu đến trường. Từ ngày xảy ra chuyện, do còn nhỏ, nên con bé chưa biết chi. Nhưng bà buồn, vì nhà bên kia chẳng thèm sang hỏi thăm một tiếng. Hàng xóm láng giềng, sống kề nhau nhưng đối đãi nhau ghẻ lạnh quá.

Nghe bà ngoại trách người, đứa bé nhanh nhảu chen vào câu chuyện: 'Rứa mà họ nấu ăn, hết đồ màu cũng sang xin mệ'. Bà lão đưa tay ra xua xua: 'Chấp chi mấy chuyện nớ'.

Bé Linh khoe, nhà cháu ngày trước có cái vô tuyến. Nhưng một ngày mưa, vô tuyến bị sét đánh cháy. Từ đó, thèm xem hoạt hình cũng không có. 'Hồi trước có vô tuyến, được xem hoạt hình thích lắm. Vô tuyến hư, hàng xóm nói mệ mua cái cũ mà xem, khỏi phải sang nhà người ta coi ké. Mà có phải lúc mô nhà họ cũng mở cho mình xem mô. Nhưng mà mệ nói chừ tiền mua gạo ăn còn không có, có tiền mô mua', cô bé buồn rầu.

Chúng tôi đã liên lạc với trưởng công an xã. Ông cho biết, hiện vụ việc đã bàn giao cho công an tỉnh Thừa Thiên Huế. Rất có thể sẽ không có một quyết định tố tụng nào trong vụ án này, vì 'nghi phạm' là đứa trẻ 12 tuổi, chưa đủ tuổi chịu bất cứ trách nhiệm hình sự gì. Điều quan trọng là qua vụ án, những bậc cha mẹ rút ra bài học cay đắng đừng sống vô tâm mà vô tình đẩy con vào lầm lỗi.

(Tên hai đứa trẻ trong bài đã được thay đổi)

Nguồn Xã Hội: http://xahoi.com.vn/tin-the-gioi/nong-trong-ngay/cha-me-vui-ve-lo-lieu-con-trai-12-tuoi-bat-chuoc-hai-doi-be-gai-hang-xom-181253.html