Cha mẹ Trung Quốc chia rẽ khi con bị giảm giờ học tiếng Anh

Những cải cách giáo dục, được thiết kế nhằm giảm tải cho học sinh, khiến các bậc cha mẹ xứ tỷ dân lo lắng vì sợ con cái thiệt thòi, không bắt kịp thế giới bên ngoài.

“Nhiều bậc phụ huynh, vốn coi ngoại ngữ là công cụ quan trọng giúp kết nối với thế giới, đang tìm giải pháp để bù đắp việc giảm thời lượng dạy học cho môn tiếng Anh”, Stella Zou (41 tuổi), chủ doanh nghiệp ở Trung Quốc, nói với SCMP.

Năm ngoái, mỗi tuần, con gái 8 tuổi của Zou học 4 buổi tiếng Anh ở trường công lập tại Bắc Kinh và 4 buổi học thêm online với các giáo viên từ Mỹ.

Tuy nhiên, khi học kỳ mới bắt đầu vào tuần trước, Zou nhận thấy thời lượng học tiếng Anh của con gái bị cắt giảm xuống còn 3 buổi/tuần. Trong khi đó, các giờ học tiếng Anh trực tuyến của công ty tư nhân cũng bị đàn áp.

“Tiếng Anh dường như là môn học bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cải cách giáo dục”, cô thở dài.

 Các trường công lập ở nhiều vùng của Trung Quốc đã cắt giảm số giờ học tiếng Anh. Ảnh: EPA-EFE.

Các trường công lập ở nhiều vùng của Trung Quốc đã cắt giảm số giờ học tiếng Anh. Ảnh: EPA-EFE.

Giảm tải cho học sinh

Vào mùa hè, Zou mua nhiều sách giáo khoa tiếng Anh. Hiện, cô dự định tự dạy cho con gái.

Các cải cách giáo dục không công khai nhắm vào môn tiếng Anh mà được giới thiệu là nhằm mục đích giảm nhẹ khối lượng bài tập cho học sinh và cho phép các em phát triển kỹ năng thể thao, nghệ thuật.

Tuy nhiên, chúng xuất hiện trong bối cảnh tranh luận ngày càng gia tăng về việc liệu hầu hết người Trung Quốc có cần dành nhiều thời gian cho việc học ngoại ngữ hay không. Điều này một phần được thúc đẩy bởi làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng cao mà trong đó, một số nhân vật nổi tiếng cảnh báo không nên để mọi người tiếp xúc với những tư tưởng ngoại lai.

Không có sắc lệnh nào về việc cắt giảm số giờ học tiếng Anh dành cho học sinh được ban hành. Tuy nhiên, nhiều trường học trên toàn quốc đã điều chỉnh chương trình giảng dạy để tuân thủ điều này.

Ví dụ, nhiều trường học ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên và các tỉnh khác đã cắt giảm tiết dạy ngoại ngữ để dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể thao, nghệ thuật.

 Tiếng Anh là môn học chính trong các trường học trên khắp Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Tiếng Anh là môn học chính trong các trường học trên khắp Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Tháng trước, Thượng Hải còn tuyên bố học sinh sẽ không còn tham gia kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh để giảm bớt gánh nặng học tập.

Trước đó, vào tháng 2, tỉnh Liêu Ninh hạ thấp số điểm tối đa cho môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh đại học, do đó làm giảm tầm quan trọng của môn học này đối với kết quả cuối cùng.

Đối với Zou và các bậc cha mẹ liên quan khác, tác động của cuộc đàn áp đối với công ty giáo dục tư nhân còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Tháng 7, các quy tắc mới được đưa ra nhằm yêu cầu những công ty dịch vụ gia sư và giáo dục chuyển đổi sang trạng thái phi lợi nhuận. Họ bị cấm cung cấp các lớp học tiếng Trung, Toán, tiếng Anh vào cuối tuần và kỳ nghỉ học, đồng thời cấm sử dụng chương trình giảng dạy nước ngoài hoặc các lớp học được tổ chức với người ngoại quốc ở ngoài Trung Quốc.

Các buổi học trực tuyến với gia sư ở nước ngoài, từng quen thuộc trong cuộc sống của con gái Zou, giờ đã bị cấm.

“Chính phủ dường như quyết định rằng tiếng Anh không mấy quan trọng. Tôi rất ngạc nhiên trước động thái này. Khi tôi còn là sinh viên, tiếng Anh được coi là môn học thiết yếu trong quá trình vươn ra thế giới của Trung Quốc”, Zou nói.

 Nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc lo lắng khi thời lượng dạy học môn tiếng Anh của con cái họ bị cắt giảm. Ảnh: CNN.

Nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc lo lắng khi thời lượng dạy học môn tiếng Anh của con cái họ bị cắt giảm. Ảnh: CNN.

Cuộc tranh luận không hồi kết

Trung Quốc khuyến khích người dân học tiếng Anh kể từ khi chính sách mở cửa bắt đầu vào cuối những năm 1970. Hai thập kỷ sau, môn học này trở thành một phần của chương trình học tiểu học.

Năm 2001, Bộ Giáo dục ban hành hướng dẫn, thúc giục các trường tiểu học ở tất cả vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước đảm bảo lớp học tiếng Anh được mở trước lớp 3 nhằm “hiện đại hóa nền giáo dục để đối mặt với thế giới và đáp ứng nhu cầu tương lai”.

Tuy nhiên, xu hướng này dường như đã lên đến đỉnh điểm với Olympic Bắc Kinh 2008 - nơi tạo cơ hội cho Trung Quốc thể hiện những thay đổi mạnh mẽ của vài thập kỷ trước.

Trong những năm gần đây, căng thẳng ngày càng leo thang với Mỹ và các nước phương Tây khác, cộng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi về giá trị của việc học tiếng Anh.

 Học sinh, sinh viên Trung Quốc ít được ứng dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Supchina.

Học sinh, sinh viên Trung Quốc ít được ứng dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Supchina.

Tháng 3/2019, Hua Qianfang, blogger từng được mời tham dự cuộc họp về văn hóa và nghệ thuật với Chủ tịch Tập Cận Bình, gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng với bài đăng lập luận rằng học ngoại ngữ là “kỹ năng rác rưởi đối với hầu hết người Trung Quốc”. Anh cũng cảnh báo “ngôn ngữ phương Tây sẽ dẫn đến lối suy nghĩ phương Tây”.

Tháng 3 năm nay, Xu Jin, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đề xuất loại bỏ tiếng Anh khỏi chương trình đào tạo của các trường tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời không bắt buộc trong kỳ thi đại học.

Ông cho rằng việc bắt toàn dân học tiếng Anh là lãng phí thời gian và nguồn lực vì môn học này chiếm khoảng 10% thời gian trên lớp nhưng các số liệu chính thức cho thấy nó hữu ích với dưới 10% sinh viên tốt nghiệp đang đi làm.

Đề xuất đã gây ra cuộc tranh luận quốc gia. Cuộc thăm dò do China Youth Daily thực hiện đã nhấn mạnh sự chia rẽ. Hơn 110.000 người được hỏi phản đối ý tưởng này. Họ cho rằng tiếng Anh nên được dạy ngay từ khi còn nhỏ để giúp Trung Quốc cạnh tranh với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, khoảng 100.000 người ủng hộ đề xuất này và cho rằng nên dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc.

Sun Ning (34 tuổi), kỹ sư đường sắt ở Bắc Kinh, cho biết anh hoan nghênh động thái cắt giảm số giờ học tiếng Anh.

“Nhiều người không sử dụng tiếng Anh nhiều trong công việc. Khi cần, chúng ta có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ AI thông minh để dịch. Nó rất tiện lợi”, anh nói.

 Các số liệu chính thức cho thấy môn tiếng Anh hữu ích với dưới 10% sinh viên tốt nghiệp đang đi làm. Ảnh: WSJ.

Các số liệu chính thức cho thấy môn tiếng Anh hữu ích với dưới 10% sinh viên tốt nghiệp đang đi làm. Ảnh: WSJ.

Tại Bắc Kinh, Zou cho biết cô sẽ tích trữ sách giáo khoa tiếng Anh vì sợ rằng chúng sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường nếu chính quyền siết chặt hơn nữa các biện pháp.

“Tôi đã chi hàng chục nghìn nhân dân tệ cho những cuốn sách này. Chúng không chỉ về học ngoại ngữ, mà còn giúp mọi người hiểu tư duy phương Tây và phát triển kỹ năng tư duy phản biện - điều không bao giờ được dạy ở trường”, cô nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian cũng như kỹ năng để tự dạy con cái.

Yuan Jie (36 tuổi), đến từ vùng sâu vùng xa của tỉnh Tứ Xuyên, cho biết việc cắt giảm tiếng Anh sẽ khiến cậu con trai 10 tuổi của cô gặp bất lợi.

“Chúng tôi sống ở quận hạng 4, nơi mà việc học hành của trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống trường công. Các lớp học tiếng Anh của con trai tôi đã bị cắt từ 3 buổi xuống còn 2 buổi/tuần trong học kỳ này. Tôi rất lo con sẽ mất lợi thế trong cuộc cạnh tranh tương lai với các đồng nghiệp ở những thành phố lớn, nhưng tôi không biết phải làm gì”.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cha-me-trung-quoc-chia-re-khi-con-bi-giam-gio-hoc-tieng-anh-post1261840.html