'Cha đẻ' của ngành hồi sức cấp cứu

Không chỉ là người sáng lập ra ngành hồi sức cấp cứu của Việt Nam, Giáo sư Vũ Văn Đính (quê ở xã Hoàng Diệu, Gia Lộc) còn là người thầy mẫu mực đã dốc lòng cống hiến cho y học, yêu thương học trò như con cái.

Giáo sư Vũ Văn Đính nhận giải thưởng "Cống hiến trọn đời"

Giáo sư Vũ Văn Đính nhận giải thưởng "Cống hiến trọn đời"

Như một cơ duyên, tôi đã được gặp và trò chuyện cùng với người sáng lập ra ngành hồi sức cấp cứu của Việt Nam. Ông là Giáo sư Vũ Văn Đính, quê ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc).

Sáng lập ngành hồi sức cấp cứu

Giáo sư Vũ Văn Đính sinh năm 1933, quê ở thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc). 7 năm học tập tại Trường Đại học Y dược (nay là Đại học Y Hà Nội) cho ông hành trang vững vàng về kiến thức y khoa. Cũng chính nơi đây, ông gặp và sau này kết hôn với Giáo sư Dương Thị Cương, một "cây cao bóng cả" ngành sản khoa.

Rời khỏi Trường Đại học Y dược năm 1958, chàng thanh niên Vũ Văn Đính tiếp tục được cử đến nhiều nước để học hỏi. Điểm lại một vài nơi trong hành trình thời trẻ, giáo sư Đính nhớ về những ngày nghiên cứu ở Liên Xô, 4 năm được biệt phái sang châu Phi làm nhiệm vụ và cả những ngày ở Campuchia khi quân Pol Pot hoành hành năm 1977.

Nhớ về cơ duyên của mình với ngành hồi sức cấp cứu, giáo sư Đính bảo, ngay từ khi còn là sinh viên, chứng kiến nhiều người bị thương nằm la liệt bên đường không tấm chăn, manh chiếu cho đến lúc qua đời, ông cứ trăn trở mãi vì sao không cấp cứu kịp thời được cho người bệnh mà để họ ra đi hết. Đây cũng là tiền đề, động lực thôi thúc ông nghiên cứu về hồi sức cấp cứu và sau này đã sáng lập ra ngành hồi sức cấp cứu của Việt Nam.

Tổ hồi sức cấp cứu A9 (sau này là Khoa Hồi sức cấp cứu A9) của Bệnh viện Bạch Mai, nơi ông làm việc sau khi ra trường, cũng là nơi lưu giữ những ký ức khó quên nhất trong cuộc đời và sự nghiệp gắn bó với ngành hồi sức cấp cứu của ông.

Thời ấy, nhân lực thiếu mà bệnh nhân nhiều nên đội ngũ y bác sĩ phải làm việc với áp lực rất cao. Nhiều ngày liền giáo sư Đính làm việc đến thời gian ngủ cũng chẳng có. Ông trải qua những áp lực tưởng chừng như nghẹt thở nhưng vẫn dốc lòng vì bệnh nhân. Đến giờ, ông vẫn nhớ một bệnh nhân tên Trinh, cô gái 18 tuổi bất ngờ lên cơn sốt cao, phải dùng máy thở 18 năm. Rồi một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu tưởng không còn hy vọng nhưng lại được bàn tay diệu kỳ của ông hồi sinh bằng phương pháp dùng máy thở ti-bốt.

- Ngày ấy, người ta hay gọi A9 là "Achết" vì nơi đây là cửa sinh tử quan trọng nhất của bệnh nhân và cũng ngay bên cạnh nhà xác, có người tử vong là cán bộ đẩy sang luôn. Thật xót xa mà chóng vánh đến nỗi sợ gai người, ông Đính rưng rưng nhớ lại.

Ngành học ở trường vốn là nội khoa nhưng suốt đời ông Đính làm bác sĩ cấp cứu như một duyên nợ. Ông đã phát triển mô hình hồi sức cấp cứu hiện đại, là người đặt nền móng xây dựng mạng lưới cấp cứu trong toàn quốc, hỗ trợ tổ chức và đào tạo chuyên môn cho các khoa hồi sức cấp cứu của các tỉnh, thành phố. Ngày ấy, ông Đính xin mãi mới được thành lập khoa. Dành hàng chục năm thí điểm, chứng minh hiệu quả, cuối cùng, giáo sư Đính cũng xây dựng được mô hình chuẩn cho khoa cấp cứu - nơi “gánh” những ca nặng nhất ở các bệnh viện. Không thể làm đồng loạt cùng lúc, ông Đính tiến từng bước một đến khi bước đến bước cuối cùng là một mô hình hồi sức cấp cứu hoàn chỉnh như hiện nay. Những năm đầu, ông và cộng sự gặp không ít khó khăn khi phải thay đổi để làm việc theo quy trình mới. Mỗi sáng, các cán bộ, y bác sĩ họp giao ban trước rồi người ra ngoài khám bệnh, người vào trong trực cấp cứu, người đi điều trị tích cực. Giáo sư Đính cũng là một trong những người đầu tiên trong ngành y tế Việt Nam áp dụng thành công phương pháp hồi sức mới như sốc điện, đặt máy tạo nhịp, lọc màng bụng, lọc máu liên tục, thông khí nhân tạo…

Sau nhiều năm công tác ở Khoa Hồi sức cấp cứu A9, giáo sư Đính nhận ra những hạn chế và ông đã đưa ra một quyết định mà thành quả của nó đã đem đến bước ngoặt lớn cho y học nước nhà. Ông thấy bất cập khi các bệnh nhân bị tai nạn vì nhiều nguyên nhân khác nhau đều được đưa hết đến Khoa Hồi sức cấp cứu A9 khiến việc cấp cứu, điều trị gặp khó khăn và áp lực lớn. Người bị rắn độc cắn thì không thể được cấp cứu như người bị tai nạn giao thông. Vận dụng những kiến thức đã học ở nước ngoài, ông tham mưu cho Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế chia hồi sức cấp cứu thành 3 chuyên khoa mới với một cách thức hoạt động mới. Khoa Khám bệnh có nhiệm vụ khám sàng lọc và đưa bệnh nhân đến các khoa thích hợp, cửa luôn mở để là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân. Khoa Cấp cứu là nơi cấp cứu những trường hợp nặng, cửa luôn luôn đóng để không ai được vào. Khoa Hồi sức tích cực thì có thể ở xa hơn.

Mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong công tác khám chữa bệnh và đến nay vẫn được áp dụng tại tất cả các bệnh viện trên 63 tỉnh, thành phố.

Giáo sư Vũ Văn Đính thăm khám bệnh nhân thời còn công tác (ảnh tư liệu)

Giáo sư Vũ Văn Đính thăm khám bệnh nhân thời còn công tác (ảnh tư liệu)

Nuôi rắn ở A9

Câu chuyện về một bác sĩ nuôi rắn và con rắn độc sổng chuồng mấy ngày ngay trong khuôn viên Khoa Hồi sức cấp cứu A9 là kỷ niệm đáng nhớ ở Bệnh viện Bạch Mai hồi bấy giờ. Chuyện là, vào những năm 1980-1982, rất nhiều bệnh nhân bị rắn cắn được đưa đến Khoa Hồi sức cấp cứu A9 mà thuốc giải đặc hiệu phải mua ở Thái Lan với giá đắt đỏ. Nếu không có thuốc, bệnh nhân phải thở máy, lọc máu và dễ gặp biến chứng. Xót bệnh nhân, ông Đính đi xin rắn độc từ bệnh nhân và nhiều nơi khác về nuôi ngay trong một khu quây lại cạnh Khoa Hồi sức cấp cứu A9 để nghiên cứu và điều chế huyết thanh. Ông nuôi nhiều loại rắn độc như cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ phì, lục xanh, đầu vồ, đuôi đỏ...

Một hôm, con cạp nia khỏe tẩu thoát qua lồng kính. Ông Đính lo tới nỗi ngủ lại khoa mấy đêm liền, cứ thủ cái gậy đầu giường sẵn sàng mai phục. Vài ngày sau, ở cầu thang của Khoa Thận, người ta thấy con rắn lù lù bò ra rồi hò nhau đánh chết. Từ ấy, ông Đính mới bớt được nỗi lo rắn cắn bệnh nhân mình. Những mẻ huyết thanh đầu tiên vừa ra lò còn chưa kịp thử nghiệm thì bị trộm để bán. Ông Đính đành chuyển sang hợp tác với Viện Pasteur Nha Trang và cho ra sản phẩm huyết thanh hoàn chỉnh để điều trị khi bị các loại rắn hổ đất, rắn lục cắn.

Nhờ dốc lòng nghiên cứu và không ngại thử nghiệm, ông Đính là tác giả, đồng tác giả của trên 100 công trình nghiên cứu khoa học. Năm 80 tuổi, ông vẫn ngày ngày đến bệnh viện, lên giảng đường, sửa từng luận văn cho lớp học trò kế cận. Các cuốn sách của ông tuy có kiến thức chuyên môn sâu nhưng được trình bày bởi ngôn ngữ nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Những dấu ấn vàng son

Suốt cuộc đời tận tâm cống hiến cho ngành y học nước nhà, với những công lao to lớn, giáo sư Đính đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. 2 lần ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đơn vị ông công tác, dìu dắt là Khoa Hồi sức cấp cứu A9 cũng 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ngày 14.9.2012 tại Hà Nội, trong khuôn khổ hội nghị quản lý bệnh viện châu Á, Giáo sư Vũ Văn Đính được trao giải "Cống hiến trọn đời" về chăm sóc sức khỏe. Đây là lần thứ hai có một người Việt Nam được trao giải này. Bằng tài năng và tâm sức của mình, Giáo sư Vũ Văn Đính là "cây đại thụ" của ngành hồi sức cấp cứu, một tấm gương y đức tiêu biểu. Ông cũng dành trọn tâm huyết để truyền thụ và đào tạo nhiều học trò trên cả nước. Bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương vẫn nhớ mãi người thầy đã tận tình dạy dỗ mình. "Có lẽ thầy cũng chẳng còn nhớ tên tôi vì thầy có nhiều học trò lắm. Nhưng chắc chắn rằng, sâu trong ký ức tận bây giờ và mãi mãi của bao thế hệ sẽ không bao giờ quên một người thầy thuốc, thầy giáo mẫu mực đã dốc lòng cống hiến cho y học, sống hết mình vì bệnh nhân, yêu thương học trò như con cái trong nhà", bác sĩ Thế Anh nói.

Đến tận bây giờ, ông Đính vẫn rất trăn trở và hướng về quê hương. Dù tuổi cao nhưng mỗi lần về thăm nhà, ông Đính nhất quyết phải cùng con trai ra trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hoàng Diệu thăm các cán bộ và hỏi thăm tình hình xã bây giờ ra sao. Ông Đính chăm lo cho trạm y tế xã từng chút một.

Ông thu vén tất cả những dụng cụ của mình và từng chiếc panh, kìm, kẹp mỏ vịt... của vợ ông để lại mang về cho xã. Ông lo đến từng chiếc áo blouse cho cán bộ ở trạm. Con trai ông thấy được tâm huyết với quê hương của bố nên cũng ủng hộ trạm 10 giường bệnh, 10 tủ đầu giường và những vật dụng y tế thích hợp cho trạm y tế cơ sở như máy bóp tay, đạp chân, bóng bóp hô hấp nhân tạo, máy hút dịch bằng điện, quần áo bệnh nhân... Trạm Y tế xã Hoàng Diệu từ một nơi thiếu thốn những phương tiện khám chữa bệnh từ đơn giản nhất đến nay đã có nhiều trang thiết bị, máy móc và dụng cụ sơ cứu.

PHẠM TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/cha-de-cua-nganh-hoi-suc-cap-cuu-196030