Cha đẻ của karaoke mất cả núi tiền vì nghĩ sáng chế của mình 'không có gì lớn lao'

Ý tưởng của ông được cho là có ảnh hưởng toàn cầu, giúp nhiều người thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc.

Hát karaoke hiện phổ biến trên khắp thế giới.

Hát karaoke hiện phổ biến trên khắp thế giới.

Thế nhưng cha đẻ của karaoke lại không cho đây là một phát minh nên không đăng ký bản quyền, do đó ông đã bị mất một số tiền lớn. Tuy nhiên, ông không cho điều này là quan trọng.

Từ yêu thích âm nhạc

Daisuke Inoue sinh ngày 10/5/1940 tại Juso, thuộc Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản. Khi mới 3 tuổi, Inoue bị rơi từ tầng hai của ngôi nhà xuống đất và bất tỉnh trong hai tuần. Các bác sĩ nói với cha mẹ cậu bé rằng, ngay cả khi sống được, Inoue cũng sẽ bị tổn thương não. Trong lúc tuyệt vọng, cha mẹ ông mời một tu sĩ Phật giáo đến làm lễ ban phước cho đứa con đang hôn mê. Vị tu sĩ đã đề nghị đổi tên ông từ Yusuke thành Daisuke, có nghĩa là “lớn” và “giúp đỡ”. Điều kỳ diệu đã xảy ra, sau buổi lễ, Inoue tỉnh dậy và sức khỏe không bị ảnh hưởng gì từ đại nạn này.

Vào cuối Thế chiến thứ Hai, Osaka trở thành mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ, gia đình Inoue phải di tản đến thị trấn nông thôn Ikoma để lánh nạn. Cơ sở làm ăn của gia đình bị phá hủy, nên khi trở về Osaka vào năm 1946, cha của ông phải đi bán nước ngọt trên đường phố để kiếm tiền lo cho gia đình, sau đó mới dành dụm đủ tiền mở một nhà hàng phục vụ okonomiyaki - loại pizza cay mặn.

Inoue không có ý định kinh doanh và sớm phát triển niềm yêu thích âm nhạc. Trong vài tuần đầu tiên vào trường trung học cơ sở, cậu đã xin ban nhạc kèn đồng ở trường cho chơi trống, mặc dù chẳng đọc được nốt nào trên bản nhạc, mà chỉ thuộc các giai điệu nghe đi nghe lại.

Khi lên trung học phổ thông, Inoue được nhận vào chơi trống cho một ban nhạc, biểu diễn ở các vũ trường vào buổi tối. Mặc dù thường ngủ gục trong giờ học nhưng Inoue không nghỉ học ngày nào và cuối cùng cũng tốt nghiệp trung học.

Sau đó, ông đi làm cho một công ty chứng khoán, nhưng chỉ được 8 tháng, ông nói với bố mẹ công việc không thích hợp nên sẽ rời nhà đi lưu diễn cùng ban nhạc của mình. Điều gây ngạc nhiên cho Inoue là người bố không phản đối mà còn chúc ông may mắn.

Sau 9 năm chơi trong ban nhạc, Inoue nhận ra mình có kỹ năng chơi trống nhưng sẽ không bao giờ trở nên một kỳ tài, nên quay ông về nhà ở tuổi 28, tìm công việc làm vào ban ngày, tối đi đệm đàn cho thực khách hát tại nhà hàng.

Đến ý tưởng sáng tạo

Daisuke Inoue và chiếc máy karaoke đầu tiên ra đời vào năm 1971.

Daisuke Inoue và chiếc máy karaoke đầu tiên ra đời vào năm 1971.

Một ngày nọ, Inoue được chủ tịch một công ty nhỏ tiếp cận. Ông này cho biết sẽ tổ chức buổi chiêu đãi khách hàng vào tuần sau và sợ sẽ được mời lên hát nên đề nghị Inoue thu băng một số bài hát mà ông yêu thích để tập hát cho hoàn hảo. Nhờ vậy, doanh nhân này đã hát rất thành công trong buổi tiệc trên. Tuy nhiên, ông không hề biết rằng mình đã gieo cho Inoue một ý tưởng sáng tạo.

Daisuke Inoue nói rằng ông không có công trong việc đặt tên cho loại hình giải trí mới này. Thực tế là, vào năm 1952, đoàn kịch nổi tiếng của Osaka, Takarazuka Kageki, gặp khủng hoảng khi dàn nhạc đình công đòi quyền lợi. Người chủ đoàn không khuất phục trước yêu cầu của các nhạc sĩ nên đã thuê một công ty điện tử tạo ra một cỗ máy có thể phát nhạc theo yêu cầu của các diễn viên. Một kỹ sư của công ty điện tử nhận xét điều này: “Âm nhạc phát ra nhưng dàn nhạc thì trống”. Cụm từ “dàn nhạc trống” trong tiếng Nhật là kara okesutura, được viết tắt thành karaoke.

Ý tưởng rất đơn giản: Khi đặt tiền xu vào một chiếc máy nối với micro, loa và bộ khuếch đại âm thanh, nó sẽ phát những bài hát mà mọi người muốn hát. Một người bạn của Inoue có một cửa hàng bán đồ điện tử đã lắp ráp những bộ phận cần thiết và chỉ trong vòng hai tháng, chiếc máy karaoke đầu tiên có tên là Juke 8 ra đời, với chi phí 425 USD. Inoue cho biết: “Tôi đã hát bài hát karaoke đầu tiên của mình vào năm 1969. Thời điểm đó, tôi chưa bao giờ tưởng tượng nó sẽ phổ biến rộng rãi, cho đến khi được tung ra thị trường vào năm 1971”.

Đầu tiên, Inoue tìm đến 10 quán bar, thuyết phục những người chủ đặt một chiếc Juke 8 lên quầy thu ngân, nhưng sau một tuần quay lại, ông thâýkhông ai đả động đến chúng. Inoue nghĩ ra cách tuyển những cô gái trẻ đẹp đến quán bar và hát với Juke 8. Giải pháp này mang lại hiệu quả nhanh chóng. Chẳng bao lâu đã có hơn 200 cơ sở bán đồ uống trên khắp Kobe trang bị thế hệ máy karaoke đầu tiên. Trong một năm, Inoue đã cho ra đời 25.000 chiếc và Nhật Bản đã bị cơn sốt karaoke thu hút.

Vinh quang và thất vọng

Tuy nhiên, trong khi tiền bạc không ngừng đổ về, Inoue lại trở nên trầm cảm vì ít ra ngoài gặp gỡ mọi người. Vì vậy, ông giao quyền kiểm soát công ty cho em trai và bỏ nhà ra đi, phiêu bạt cùng chú chó Donbei.

Con vật này đã giúp ông giải tỏa tâm lý nên sau khi tâm trạng tiêu cực qua đi, một trong những việc đầu tiên Inoue làm là mua một sân golf bỏ hoang ở quận Hyogo, xây dựng viện dưỡng lão dành cho những chú chó già. “Tôi muốn thành phố Nishinomiya hoặc tỉnh Hyogo trở thành địa phương đầu tiên của Nhật Bản, nơi những chú chó đi lạc hoặc bị bỏ rơi được nhận nuôi dưỡng. Đây là cách tôi tri ân Donbei vì nó đã giúp tôi vượt qua chứng trầm cảm”.

Năm 1999, tạp chí Time đã vinh danh Inoue là một trong số 20 người châu Á hàng đầu của thế kỷ 20. Năm năm sau, ông được mời đến Đại học Harvard để nhận giải Ig Nobel cho “phát minh ra karaoke, cung cấp phương pháp hoàn toàn mới để mọi người học cách bao dung lẫn nhau”. Cha đẻ của karaoke hiện đã 80 tuổi và sống ở Nishinomiya, phía Tây thành phố Osaka của Nhật Bản, cùng vợ, con gái, ba cháu ngoại và bảy chú chó.

Ông đã có thể kiếm 100 triệu USD tiền bản quyền chỉ riêng năm vừa qua, nếu cách đây 49 năm, ông xin cấp bằng sáng chế, nhưng Inoue không hề tiếc rẻ điều này. Ông nói: “Ở thời điểm đó, tôi nghĩ bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh lớn lao, làm được một thứ gì đó từ con số không. Máy karaoke đầu tiên của tôi chỉ lắp ráp một số linh kiện điện tử có sẵn, vì vậy tôi không nghĩ đó là một phát minh”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cha-de-cua-karaoke-mat-ca-nui-tien-vi-nghi-sang-che-cua-minh-khong-co-gi-lon-lao-OjivY6HGR.html