Cha con người thầy quan họ

Trong đông đảo học trò nhiều thế hệ của cố nghệ nhân Nguyễn Đức Xôi (1912 - 1997), nhất là lứa diễn viên đầu của Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, có lẽ người học trò hạnh phúc nhất khi được hưởng công dạy dỗ của thầy Xôi, chính là NSƯT Lệ Ngải. Bởi bà là con gái của cụ, được cụ nhen nhóm cho cái nghiệp hát từ khi còn nhỏ, sau này lại nối nghiệp làm thầy.

Cha con người thầy quan họ

QUANG HƯNG

Thứ Sáu, 22-11-2019, 12:30

+ | Print

Nghệ nhân Nguyễn Đức Xôi dạy hát cho các cháu học sinh. Ảnh: TL

Nghệ nhân Nguyễn Đức Xôi dạy hát cho các cháu học sinh. Ảnh: TL

Trong đông đảo học trò nhiều thế hệ của cố nghệ nhân Nguyễn Đức Xôi (1912 - 1997), nhất là lứa diễn viên đầu của Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, có lẽ người học trò hạnh phúc nhất khi được hưởng công dạy dỗ của thầy Xôi, chính là NSƯT Lệ Ngải. Bởi bà là con gái của cụ, được cụ nhen nhóm cho cái nghiệp hát từ khi còn nhỏ, sau này lại nối nghiệp làm thầy.

Người sáng tác quan họ… cổ

Tên cụ là Xôi bởi ông cụ thân sinh có tên là Chè. Nhưng anh em trong họ còn có người tên là Siêu, là Ấm… Không hiểu có phải vì thế mà nhiều khi tên cụ còn được đọc, được ghi thành Sôi? Cụ Xôi cả đời sống với câu quan họ, với những làn điệu chèo mà quê hương Ngang Nội (xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) của cụ “hân hạnh” được tổ nghề diễn ca “đãi” cho cả hai bộ môn ấy. Cụ cùng với nhiều nghệ nhân cùng quê, hoặc đã rủ nhau đi chơi quan họ ở cõi khác, hoặc hiện tại vẫn hát vui cùng con cháu, đã góp nhiều công vào sự duy trì, phát triển quan họ của cả vùng.

Riêng cụ, lại càng có dấu ấn độc đáo ở vai trò sáng tác và truyền dạy. Cụ đã viết đến hơn 30 bài quan họ mà bây giờ người con rể của cụ, ông Nguyễn Hoa Ngân vẫn vừa hóm vừa nghiêm túc, khẳng định với làng, với khách đến nhà: Ông cụ tôi là tác giả của mấy chục bài quan họ cổ!

Nói vậy là có lý của nó. Bởi cùng với những bài ca quan họ khuyết danh tác giả từ trước truyền lại, trong khoảng nửa thế kỷ qua, có không ít bài được các nghệ nhân sáng tác “hẳn hoi”, nhưng ăn nhập vào đời sống sinh hoạt quan họ sâu sắc đến mức nhiều người hát, người nghe sau này tin rằng đó là quan họ cổ. Và thật sự, đã trở thành bài quan họ… cổ bởi giá trị giai điệu, ca từ cùng tình cảm mọi người dành cho. Cụ Nguyễn Đức Xôi là một trường hợp tiêu biểu. Nhiều người sưu tầm, khảo cứu quan họ sau này đánh giá cao cụ ở sự am hiểu quan họ, chèo, vốn Hán Nôm và ngôn ngữ dân gian, rộng ra là cái “phông” văn hóa vùng. Với tài hoa không thể thiếu, cụ đã viết nhiều bài đối cho những bài quan họ của các làng vốn được gọi là bài độc mà chỉ riêng làng ấy có. Như bài “Cạn chén trăng thề” đối với bài “Đêm qua nhớ bạn” của quê cụ - làng Ngang Nội, bài “Dệt cửi đêm xuân” đối “Giăng thanh gió mát” của làng Thị Cầu, rồi “Cuốc gọi hè” đối “Thú giải phiền” làng Khúc Toại… Bên cạnh đó là những bài quan họ “mới” mà cụ vận dụng văn thơ cổ, ngôn ngữ mang phong vị cổ xưa, ca từ chèo cùng cái tài “biến ảo, sáng tạo” từ những làn điệu chèo, quan họ đã có, để viết nên. Như các bài “Ăn ở trong rừng”, “Nhớ mãi khôn nguôi”… Ngẫm về cụ, ông Nguyễn Quyển, một người sưu tầm, tìm hiểu quan họ có tiếng ở Bắc Ninh chia sẻ: “Đây cũng là một thành công rất lớn của cụ. Là một kho kinh nghiệm quý báu cho hậu thế nhưng cũng khó học vậy thay!”.

Nửa đời gieo câu hát

Với vốn liếng và tài hoa hiếm có, cụ Xôi không chỉ là người thầy đầu tiên của đoàn dân ca quan họ Hà Bắc (nay đã lên nhà hát) từ khi thành lập năm 1969 mà cho đến mãi sau này, lớp hậu sinh mê hát ca, tìm hiểu quan họ trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh còn tiếp tục tìm đến cụ để hỏi han, ghi chép, nghe cụ giảng giải, giới thiệu về quan họ. Theo NSƯT Lệ Ngải, sau nhiều năm tham gia công tác thanh niên, thông tin, công tác Đảng và tuyên huấn của địa phương ngay từ năm 1945, ngày 20-1-1969, cụ được điều lên Ty Văn hóa Hà Bắc, làm giáo viên dạy hát quan họ cho đoàn. Cụ dạy các nghệ sĩ trẻ mới được tập hợp từ nhiều làng quê về cách hát, cách lấy hơi, buông câu nhả chữ, và: “từng cái nẩy cái luyến, uốn nắn dìu dắt chúng tôi, cùng chúng tôi trực tiếp đến các làng quan họ gốc để sưu tầm, tìm bài học hát qua các cụ nghệ nhân từng làng, học hỏi những nét hay nét đẹp của văn hóa quan họ”, NSƯT Lệ Ngải nhớ lại.

Sau này nghỉ hưu, cụ Xôi lại dành thời gian để thực hiện tâm niệm tự thân là gửi gắm câu quan họ lại cho đâm chồi, bén rễ trong lớp người sau. Vì thế, cụ thành lập đội văn nghệ của thôn và xã để dạy hát quan họ. Cụ lại đưa các học trò ở tuổi con tuổi cháu trong làng đi rèn giũa câu hát, “nghề chơi” qua các hoạt động giao lưu, thi văn nghệ quần chúng.

Cho đến những ngày tháng cuối đời ở tuổi 86, người nghệ nhân, nghệ sĩ, bậc thầy quan họ ấy vẫn còn một số bài ca đang viết dở.

Học cha cách dâng đời

Có lẽ thấm thía cái chí hướng theo đuổi nghệ thuật của cha, cũng lại vừa ngưỡng mộ và cảm phục ông cụ cả đời đắm đuối cho niềm hạnh phúc được sống với câu quan họ và truyền lan tiếng hát đến đời sau, nhiều năm qua NSƯT Lệ Ngải chưa có “dấu hiệu mệt mỏi” ở vai trò một cô giáo dạy hát quan họ cho hai trường nghệ thuật Bắc Ninh, Bắc Giang. Đều đặn, trường Bắc Ninh cách nhà khoảng một cây, bà đi xe đạp, xe máy, trường Bắc Giang bà đi xe bus lên với học sinh. Những câu ca quan họ sống trong cô giáo Ngải từ thanh xuân đi học các cụ khắp các làng quan họ, học người cha tài hoa, lại được truyền sang, sống tiếp trong những mái đầu xanh của thời mới. Nhưng không riêng những bài hát, cô giáo Ngải muốn truyền cho các em cả những vốn liếng văn hóa trong sinh hoạt quan họ, những gì làm nên tư thế, phong cách con người quan họ, như cụ Xôi và bao nghệ nhân lão luyện khác đã nuôi giữ.

Và dường như vẫn còn sung sức lắm, những năm gần đây nữ nghệ sĩ ở tuổi ngoài 60, 70 lại truyền dạy những điều tốt đẹp ấy cho nhiều người hát quan họ khu vực huyện Việt Yên - Bắc Giang bên kia sông Cầu. Hoặc có lời nhà hát nhờ tham gia hay góp ý cho chương trình nghệ thuật, bà đều nhiệt tình hợp tác. Đã mấy mùa hội làng Ngang Nội, nhiều người về chơi đều gặp các học trò đã trung tuổi của cô giáo Lệ Ngải trong ngôi nhà và mảnh sân đầy ắp tiếng hát. Các học trò từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… sang chơi, mọi người gặp nhau như những người bạn, người anh em, bởi cùng học cô Ngải, chị Ngải, cùng được thấm lời ca nhiệt huyết truyền từ cụ Nguyễn Đức Xôi, từ làng Ngang Nội, một làng quan họ cổ rất độc đáo trong các làng quan họ cổ. Hình như những lúc nào đó, trong họ, cùng chung cảm nhận, ngôi làng này, những nghệ nhân ở đây, đã tạo nên một lớp học quan họ lớn cho cuộc đời.

Nhớ về người thầy đặc biệt của đời mình, người con gái của cụ Xôi tâm sự: “Có lẽ nguồn đam mê quan họ, say quan họ, yêu tiếng hát của ông cha cũng từ hơi thở, từ dòng máu của thầy luôn chảy trong tôi, trong tim luôn nhắc nhở: “hãy yêu quan họ - bảo tồn - giữ gìn - lan tỏa”.

Cũng chính cụ Xôi, như hồi tưởng của NSƯT Lệ Ngải, đã đề xuất cho con gái mình tham gia đoàn văn công đi dọc Trường Sơn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong trong kháng chiến. Nghệ sĩ Lệ Ngải mãi mãi tự hào về những năm tháng ca hát say mê và không ít lần chết hụt ấy.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/42322002-cha-con-nguoi-thay-quan-ho.html