CEO ngân hàng Mỹ: Nguy cơ suy thoái kinh tế đã tăng lên

Cuộc khủng hoảng ngân hàng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã làm gia tăng khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ.

Đó là nhận định của ông Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase - trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 6/4. Đây cũng là lần đầu vị giám đốc ngân hàng này lên tiếng sau thảm họa SVB.

Ông khẳng định hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn vững mạnh và ổn định, nhưng những bất ổn xoay quanh hệ thống khiến nguy cơ suy thoái gia tăng.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank khiến nguy cơ suy thoái của Mỹ tăng lên. Ảnh: Bloomberg.

Giáng thêm đòn lên tăng trưởng

"Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng đang giảm cho vay một chút, cắt giảm một chút và thu hẹp một chút", ông Dimon nhận định. Và điều này sẽ khiến nền kinh tế nói chung suy yếu.

Ông Dimon chỉ ra những rủi ro đang bao trùm triển vọng nền kinh tế. Đó là các chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lạm phát dai dẳng và xung đột Nga - Ukraine.

Ông Dimon không rõ liệu nền kinh tế Mỹ có vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại trong ngành ngân hàng hay không. "Tôi mong rằng chúng sẽ sớm được giải quyết", vị CEO nói thêm.

Hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn vững mạnh và ổn định. Nhưng những bất ổn xoay quanh hệ thống khiến nguy cơ suy thoái gia tăng

Ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase

Đến nay, việc các ngân hàng khác có rơi tới bờ vực phá sản hay không vẫn là một ẩn số. Nhưng ông Dimon khẳng định tình trạng hỗn loạn hiện tại không giống với cuộc khủng hoảng năm 2008.

"Thời điểm đó, hàng trăm tổ chức tài chính trên khắp thế giới đã sử dụng rất nhiều đòn bẩy. Tình hình hiện nay không giống vậy", ông lập luận.

"Một ngân hàng sụp đổ hay thất bại không phải là vấn đề. Chúng ta chỉ sợ hiệu ứng domino", ông Dimon nói thêm.

Tuy nhiên, ông cảnh báo các ngân hàng khu vực và người tiêu dùng Mỹ cần chuẩn bị tinh thần cho chu kỳ tăng lãi suất kéo dài hơn dự kiến. "Tôi không rõ điều này có xảy ra hay không, nhưng hãy sẵn sàng đón nhận cơn bão đó", vị chuyên gia nói thêm.

Những tín hiệu suy yếu kinh tế

Hơn nữa, ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra kinh tế Mỹ đang suy yếu và tiến gần hơn tới suy thoái. Điều này cho thấy các đợt tăng lãi suất đã bắt đầu gây tổn hại cho nền kinh tế và việc làm.

Hoạt động tuyển dụng trong khu vực tư nhân của Mỹ đã giảm tốc trong tháng 3. Số việc làm mới chỉ tăng 145.000 việc làm, giảm mạnh so với mức 261.000 việc làm của tháng 2 và thấp hơn ước tính 210.000 việc làm của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp rơi vào vùng suy giảm, cho thấy hoạt động tại các nhà máy đang suy yếu.

Các đợt tăng lãi suất điều hành của Fed đã gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được Bộ Lao động công bố hôm 7/4 (giờ Mỹ). Theo khảo sát của Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng trưởng việc làm trong tháng 3 là 238.000 việc làm, còn tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%.

Ông Dimon cũng chia sẻ về trần nợ. Các nhà lập pháp của Mỹ cũng đang đau đầu vì việc tăng trần nợ. Nước này đã chạm đến giới hạn cho vay 31.380 tỷ USD vào tháng 1. Nếu không có luật mới, chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào mùa hè hoặc đầu tháng 9.

Ông Dimon tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ đưa ra nghị quyết mới về trần nợ trong vòng vài tháng tới. "Nhưng trước khi một thỏa thuận được công bố, nền kinh tế có thể gánh chịu thêm nhiều thiệt hại", vị CEO nói thêm.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ceo-ngan-hang-my-nguy-co-suy-thoai-kinh-te-da-tang-len-post1419699.html