Cây quế tạo sinh kế bền vững cho người dân

Dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây người dân huyện Na Rì tập trung phát triển cây quế.

Đồi quế của gia đình chị Đặng Thị Phin, thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư đã bắt đầu cho khai thác.

Vốn là nương ót hiệu quả kinh tế thấp, đầu năm 2015, gia đình chị Đặng Thị Phin, thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư quyết định chuyển 2 trên tổng số 4ha nương đồi sang trồng cây quế. Sau 8 năm, hơn 4.000 cây quế của gia đình phát triển khá tốt. Từ năm thứ 4, chị Phin bắt đầu tỉa thưa 1/3 số lượng cây quế đã trồng. Trung bình mỗi cây bán được khoảng 150.000 đồng, số tiền bán quế tỉa thưa đến nay được hơn 80 triệu đồng.

Chị Phin phấn khởi: “Tư thương thu mua cả thân, cành, lá nên giá trị cây quế rất cao. Hơn nữa cây trồng này dễ chăm sóc, ít sâu bệnh nên hiện nhiều hộ dân trong thôn tập trung phát triển. Nếu thu hoạch hết chu kỳ, dự tính 2ha quế của gia đình có thể cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với trồng mỡ, keo”.

Phong trào trồng quế tại thôn Khuổi Ít khoảng gần 10 năm trở lại đây phát triển mạnh. Cây quế dần thay thế cây mỡ, keo và nhiều loại cây trồng khác trên vườn đồi của người dân Khuổi Ít với diện tích khoảng gần 100ha, hộ trồng nhiều như các ông Hoàng Đình Nhay, Hoàng Minh Giáp có từ 5 – 7ha.

Bí thư Chi bộ Khuổi Ít, ông Triệu Văn Toàn nhận định: "Với giá trị đang mang lại, cây quế đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế rừng của nhiều hộ dân trong thôn. Những diện tích trồng từ năm 2015 đã cho khai thác. Mỗi ngày có khoảng 4 - 5 tư thương đánh ô tô đến thu mua quế cho bà con. Chỉ khoảng 5 – 10 năm nữa, khi đến tuổi khai thác rộ, chắc chắn nhiều nông hộ trong thôn sẽ làm giàu từ loại cây này".

Với 250ha hiện có, Kim Lư được coi là thủ phủ trồng quế của huyện Na Rì. Quế hiện đang trở thành cây trồng “hot” của người dân vùng cao Kim Lư và được cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ phát triển.

Anh Triệu Văn Toàn, cán bộ phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp xã Kim Lư cho hay: Với giá thu mua như hiện nay 1ha quế trưởng thành có thể thu nhập vài trăm triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng keo, mỡ, xoan. Do vậy người dân địa phương tập trung trồng quế và đầu tư chăm sóc nhiều hơn cho loại cây trồng này. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn xã trồng 30ha rừng thì 80% trong số đó bà con đăng ký trồng quế. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của cây quế đối với kinh tế rừng của bà con.

Ngoài xã Kim Lư, hiện cây quế ở huyện Na Rì được trồng nhiều tại các xã Văn Vũ, Liêm Thủy với diện tích khoảng 600ha, trong đó phần lớn là diện tích trồng từ năm 2015 trở lại đây.

Ông Lục Văn Thuần, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì: Quế là một trong 6 loại cây được Hạt Kiểm lâm huyện khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn. Bởi đây là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15m. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Cây quế sau khi trồng từ 3-4 năm có thể tỉa lá, cành bán chưng cất tinh dầu; từ 6 - 7 năm có thể khai thác bóc vỏ. Quế không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc.

Xác định đây là cây trồng có thể giúp người dân có cuộc sống ấm no, từ năm 2015 đến nay, huyện Na Rì đã có những chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân phát triển loại cây trồng này. Trong đó có hỗ trợ người dân mua cây giống ở giai đoạn đầu, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thành lập HTX chế biến tinh dầu quế. Tuy nhiên, đến nay phần lớn lượng quế trên địa bàn huyện Na Rì vẫn được bán thô và do tư thương bao tiêu.

Để phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện Na Rì cần có quy hoạch, định hướng phát triển rõ ràng đối với loại cây trồng này, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ các hộ dân trong quá trình trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi giá trị, chú trọng xây dựng thương hiệu riêng gắn với tinh chế tại chỗ./.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/cay-que-tao-sinh-ke-ben-vung-cho-nguoi-dan-post55302.html