Cây đầu dòng - Giải pháp đảm bảo nguồn giống chất lượng

Giống cây trồng đảm bảo chất lượng có ý nghĩa rất quan trọng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản. Việc quản lý tốt nguồn giống cây trồng đang được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, góp phần đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn là đơn vị đầu tiên của tỉnh được công nhận vườn nhãn chín muộn đầu dòng vào năm 2015 với 123 cây, năng lực sản xuất 61.500 mắt ghép/năm. Ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc HTX, cho biết: Thời điểm trước năm 2015, nhãn là một trong những loại cây ăn quả chủ lực, chiếm 40% diện tích cây ăn quả của tỉnh, tuy nhiên năng suất và chất lượng quả rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng giống kém, cây già cỗi và người sản xuất chưa thực sự chú trọng thâm canh cải tạo vườn nhãn. Nhãn là cây lâu năm nếu phải chặt bỏ để cải tạo lại toàn bộ diện tích sẽ rất lãng phí và phải sau ít nhất 3-4 năm mới cho thu hoạch lứa đầu. Thực hiện chủ trương của tỉnh về ghép cải tạo giống cây ăn quả, nhận thấy nhu cầu về giống đảm bảo chất lượng trên địa bàn rất lớn, HTX đã tuyển chọn giống nhãn chín muộn từ Hưng Yên lên trồng theo quy trình kỹ thuật để sản xuất, cung cấp hàng triệu mắt ghép cho người dân.

Vườn ươm giống chanh leo của Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

Tương tự, đầu năm 2021, diện tích 1 ha lê Tai nung của gia đình anh Nguyễn Quốc Cường, xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cây đầu dòng. Anh Cường cho biết: Tìm hiểu kỹ thuật và trực tiếp tham quan mô hình trồng lê của một người bạn ở Lào Cai, thấy giống lê Tai nung rất dễ trồng, lại thích hợp khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, quan trọng hơn là thị trường tiêu thụ khá rộng, nên đầu năm 2014, tôi quyết định lấy giống lê Tai nung từ Trung tâm giống nông - lâm nghiệp tỉnh Lào Cai về trồng thử nghiệm. Đến giữa năm 2018, vườn lê 1.000 gốc đón đợt quả đầu, cây nào cũng sai trĩu, quả to tròn, mọng nước, ngọt đậm, giòn. Ngay vụ bói quả đầu tiên, nhà tôi thu trên 7 tạ quả, bán giá trung bình 40.000 đồng/kg. Nhận thấy tiềm năng từ giống lê Tai nung, tôi đã thực hiện ghép mắt ươm cây giống bán cho bà con quanh vùng. Hiện mỗi năm, tôi chiết bán khoảng 20.000 cây giống cùng với bán quả thu lợi hơn 250 triệu đồng.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 87.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Nhìn vào diện tích cây trồng hàng năm và cây lâu năm có thể thấy nhu cầu giống cây trồng phục vụ cho sản xuất của người nông dân ở tỉnh ta rất lớn. Theo đó, xác định việc tuyển chọn và nhân giống sản xuất cây đầu dòng là mắt xích quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn về chất lượng giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành bình tuyển cây đầu dòng, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn về giống cây đảm bảo sạch bệnh, năng suất, có khả năng thích ứng với thời tiết.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức bình tuyển, công nhận được 193 cây ăn quả và cây công nghiệp đầu dòng, gồm 187 cây ăn quả các loại, như bơ, xoài tròn, xoài GL4, thanh long, bưởi đỏ, bưởi da xanh, nhãn, mận, hồng tại các huyện Mộc Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Vân Hồ, sản lượng trên 250.000 mắt ghép/năm; 6 cây chè cung ứng 3.000 mắt ghép/năm. Ngoài ra, bình tuyển, công nhận 4 vườn cây đầu dòng, gồm 2 vườn nhãn chín muộn, 1 vườn xoài GL4 và 1 vườn lê Tai nung, năng lực sản xuất trên 2,5 triệu mắt ghép/năm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố danh sách và cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp đủ điều kiện để giúp người sản xuất lựa chọn các loại giống cây trồng đảm bảo. Danh sách cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; danh mục giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên địa bàn tỉnh để người dân có nhu cầu về giống biết và có thêm thông tin trong việc lựa chọn, sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng. Hướng dẫn quản lý, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác nguồn giống cho các tổ chức, cá nhân được công nhận có hiệu quả và đúng quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch thực vật, đặc biệt đối với những giống cây trồng nhập nội khi đưa vào khảo nghiệm, trồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, thiết lập các vườn ươm được chứng nhận cây đầu dòng. Từ một địa phương phải nhập khẩu giống, nhưng đến nay, Sơn La không chỉ cung cấp đủ nguồn giống cho người dân trên địa bàn mà còn cung ứng cho một số tỉnh.

Bài toán nâng cao chất lượng giống cây trồng cần phải được bắt đầu từ quản lý chất lượng giống. Thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc điều tra, rà soát, xác định và tổ chức bình tuyển để công nhận thêm một số cây đầu dòng cho cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày. Cùng với đó, khuyến cáo người dân sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng để sản xuất an toàn, hiệu quả.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cay-dau-dong--giai-phap-dam-bao-nguon-giong-chat-luong-52790