Cây cầu hai tầng tầm cỡ Đông Nam Á thập niên 80 ở Hà Nội hiện giờ ra sao?

Theo các chuyên gia, hiện nay nếu xây dựng một cây cầu tương đương quy mô cầu Thăng Long (Hà Nội), kinh phí sẽ không dưới 500 triệu USD.

Cầu Thăng Long là niềm tự hào của người dân Thủ đô những năm 80 hiện nay đã kết nối với cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng khoảng năm 1973, khánh thành ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội và được đánh giá là công trình tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó.

Cầu có một đầu thuộc địa bàn phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm và một đầu thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh.

Trong ảnh là đoạn cầu cạn, nơi tuyến đường sắt kéo dài về hướng quận Bắc Từ Liêm. Gần chân cầu có nhiều bồn hoa, cây cảnh thường xuyên được cắt tỉa gọn gàng.

Hình ảnh đầu cầu hướng huyện Đông Anh. Bên trái là Khu công nghiệp Thăng Long, bên phải và phía trước tiến về các xã Vĩnh Ngọc, Nam Hồng, Bắc Hồng, Tiên Dương...

Theo thiết kế ban đầu của Trung Quốc, cầu Thăng Long có kết cấu làm từ các tấm bê tông cốt thép dày hơn 14cm. Khi hoàn thành chỉ hết 3 triệu Rúp, tương đương khoảng 3 triệu USD thời kỳ đó.

Sau đó, chuyên gia Liên Xô đã thiết kế cầu chính bằng dạng thép có các thanh dầm liên kết bằng bu lông cường độ cao; mặt cầu chính (hiện nay dành cho ô tô di chuyển) được làm từ các bản trực hướng bằng thép hợp kim.

Cầu chính vượt sông dài 1.688m bao gồm 15 nhịp dầm thép. Trong quá trình thi công, hàng trăm chuyên gia Liên Xô đã tham gia hầu hết công đoạn xây dựng từ thiết kế, tư vấn kỹ thuật, giám sát công trình đến quản lý dự án.

Phần kết cấu thép được lắp bởi 6.500 tấn bản trực hướng bằng thép hợp kim cường độ cao.

Mặt cầu tầng rộng 19,5m, gồm 4 làn xe, hai bên dành cho người đi bộ. Có khoảng 49.000 tấn sắt thép, 26.000 tấn dầm cầu thép, gần 60.000 tấn xi măng mác cao và hàng trăm tấn máy móc được Liên Xô cung cấp để làm cầu.

Hệ thống đường sắt nằm ở phía dưới, cách tầng trên khoảng 14m. Lòng cầu rộng 10m, có 2 đường sắt, một đường tiêu chuẩn 1,435m và một đường 1m.

Khối lượng vật tư chính dùng để xây cầu gồm 53.294 tấn sắt thép, 230.000 m3 bê tông, gần 1.000 phiến dầm bê tông các loại, trọng lượng từ 54-130 tấn mỗi phiến, 110.000m cọc ống bê tông dự ứng lực.

Cho đến nay, cầu Thăng Long vẫn được coi là cây cầu có nhiều cái “đầu tiên” như: Lần đầu tiếp cận hệ thống tụ nhiệt; lần đầu tiên lắp cụm dầm thép; lần đầu tiên người thợ thi công cầu Việt Nam và Liên Xô cùng thi công lắp cụm dầm thép.

Có tất cả 116 nhịp cầu dẫn đường sắt. Hai bên cánh gà tầng dưới có 2 đường cho xe thô sơ, mỗi đường rộng 3,5m.

Hiện nay, sau cầu Thăng Long, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đã có thêm rất nhiều cầu lớn, hiện đại nhưng nhiều chuyên gia vẫn còn ấn tượng về những công nghệ đặc biệt của cầu Thăng Long, trong đó có công thức pha chế vật liệu dính bám cầu kỳ giúp lớp nhựa mặt cầu có độ bền đến hơn 30 năm.

Hiện cây cầu này vẫn là cửa ngõ huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Bắc với lưu lượng phương tiện qua lại dày đặc mỗi ngày.

Theo Báo Giao Thông, hiện nay nếu xây dựng một cây cầu tương đương quy mô cầu Thăng Long, kinh phí sẽ không dưới 500 triệu USD.

Một chuyên gia cho biết, chi phí thi công cầu Thăng Long được tối ưu vì công trình này không những được hỗ trợ hoàn toàn về công nghệ thi công mà còn được viện trợ vật liệu, chuyên gia. Giai đoạn ấy, đồng Rúp được coi trọng, tương đương USD. Còn hiện tại, 95 Rúp bằng 1 USD.

Cầu Thăng Long đã phải trải qua nhiều lần sửa chữa (4 lần hàn vá mặt cầu):

Năm 2009, cầu Thăng Long được sửa chữa lần đầu tiên.

Năm 2013, cầu Thăng Long được sửa chữa theo công nghệ Mỹ.

Năm 2016, Đại học Giao thông Vận tải thí điểm sửa chữa.

Lần kiểm tra vào tháng 7/2018, mặt cầu Thăng Long bị rạn nứt khoảng 8.700m2. Diện tích hằn lún dưới 2,5cm là 1.300m2; từ 2,5 - 7cm là 570m2. Vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng.

Tháng 1/2021 cây cầu chính thức hoàn thành sau nhiều thời gian sửa chữa. Trong 6 tháng cuối, các nhà thầu đã hàn 1,4 triệu đinh neo, lắp đặt 800 tấn thép và đổ 2.000m3 bê tông siêu tính năng, quét keo dính bám và thảm bê tông nhựa với diện tích 27.200m2.

Hoàng Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cay-cau-hai-tang-tam-co-dong-nam-a-thap-nien-80-o-ha-noi-hien-gio-ra-sao-2217166.html