Cây bút trẻ Jun Phạm: Đừng đòi hỏi giới trẻ đọc những gì đao to búa lớn

Từng được yêu thích khi là thành viên của nhóm nhạc 365, gần đây Jun Phạm còn gây ấn tượng khi vào vai thái giám Thuận Nô trong phim Tấm Cám.

Rất đông độc giả, khán giả tham dự buổi ra mắt sách 'Thức dậy, anh vẫn là mơ' của Jun Phạm tại TP.HCM tháng 8 qua

Với Jun Phạm, đây là lợi thế vì anh có lượng độc giả trung thành, và lượng phát hành theo đó đảm bảo con số khủng. Tuy nhiên, đó cũng là áp lực không nhỏ.

Theo Jun Phạm, khi có sẵn lượng fan ca nhạc, mỗi lần ra mắt sách, fan yêu mến thần tượng nên luôn ủng hộ sản phẩm của thần tượng. Song không phải vì thế mà chất lượng sản phẩm không bảo đảm. Do đó cùng với thuận lợi là áp lực, vì đã và đang thành công tại lĩnh vực âm nhạc, khi trót mang thêm một trách nhiệm mà mình làm không tới, sẽ dễ mất lòng tin và ảnh hưởng cả con đường đi của mình.

Nhìn lại quyển sách đầu tiên của Jun - Nếu như không thể nói nếu như, anh thừa nhận mình có nhiều sai sót, nhưng đó là một kinh nghiệm quý báu cho những sản phẩm sau. "Chính vì thế, khi bắt tay vào những quyển sau này (Có ai giữ giùm những lãng quên, Những người lạ quen thuộc, Thức dậy anh vẫn là mơ), mình đã trân trọng và chăm chút hơn trong từng câu chữ. Chính điều đó mà trong những lần ra mắt sách, mình lại bất ngờ biết được mình có lượng độc giả riêng - họ biết đến mình chỉ vì sách mình viết chứ không thông qua việc mình diễn xuất hay đi hát. Chính những giây phút đó, mình quan niệm phải biết trân trọng nghề cầm bút nhiều hơn nữa, vì nó là một nghề, một lĩnh vực tách bạch thật sự, không phải là ăn theo hay kèm theo nghề ca sĩ", Jun cho biết.

* Với Jun Phạm, việc tổ chức các buổi ra mắt sách quan trọng như thế nào đối với hành trình đến tay bạn đọc của một tác phẩm?

Với cuộc sống bận rộn ngày nay. Việc uống một tách trà, ăn một miếng bánh, đọc một tản văn giúp cho tinh thần thư thái đã là đáng quý rồi. Đừng đòi hỏi giới trẻ phải đọc những gì đao to búa lớn trong khi cuộc sống đã quá nhiều thứ cần phải đối đầu

- Jun nghĩ, quảng bá không là câu chuyện của riêng tác giả mà còn là của nhà xuất bản, vì sự sống còn của tác phẩm trong thị trường cạnh tranh gay gắt giữa các tác phẩm trong nước lẫn nước ngoài. Xu hướng quảng bá văn học cho người trẻ là phải theo giới trẻ, bằng phương thức của người trẻ. Trước đây, sau khi nhà văn viết ra tác phẩm, các nhà xuất bản chỉ phát hành bình thường, tuy nhiên, hiện nay khi văn học cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác như âm nhạc, điện ảnh… thì các nhà phát hành đã phải cân nhắc khi chọn tác phẩm quảng bá cũng như tác giả tiềm năng phù hợp thị hiếu, thị trường. Vì vậy việc quảng bá - cũng như tổ chức giao lưu ra mắt để tiếp cận và cạnh tranh là điều rất cần thiết. Đây cũng là xu hướng của thế giới ở nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ riêng văn học.

* Mấy ngày qua Jun Phạm có theo dõi - đọc những bài viết xung quanh Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc vừa diễn ra? Và Jun nghĩ gì khi có tham luận đưa ra nhận định: “Có một số người viết trẻ đang hồ hỡi và lầm tưởng khi xem thứ văn - ăn - nhanh của mình là văn học”, “Một tác phẩm văn học khác một ca khúc, khác một vở kịch, một bộ phim. Vậy mà, tôi có cảm giác, hình như nhiều người trẻ đang lấy lượng độc giả dễ dãi để đo văn chương, và lấy điều đó bảo chứng cho trang văn của mình"?

- Jun có nghe thông tin này. Ban đầu thấy hơi buồn, nhưng sau cũng hiểu sự hoài nghi của mọi người. Sự thay đổi và phát triển khá nhanh của thể loại văn học này cùng với sự bùng nổ số lượng cây bút trẻ, tạo nên trào lưu mới chiếm ưu thế hiện nay, có cái tốt, cái chưa tốt. Thẳng thắn nhìn nhận cái chưa tốt nhưng cũng không thể phủ nhận mặt tốt của xu hướng.

Tác giả cũng không quên hát tặng độc giả của mình trong buổi ra mắt sách

Đối với Jun, văn học không nhất thiết là những gì đao to búa lớn, mà văn học chỉ đơn giản là “sự đồng cảm”. Độc giả rất thông minh, họ biết họ cần gì và họ biết điều gì làm cho họ vui, đồng cảm, thấu hiểu.

Nghe nhạc, đọc sách, thưởng lãm tranh ảnh hay những yếu tố nghệ thuật là sự cảm nhận, nên mỗi người, mỗi độ tuổi có những quan điểm riêng. Các cây bút trẻ luôn xem các tác phẩm văn học đã thành công là một mục tiêu hướng đến để học hỏi trau dồi và mong muốn có những tác phẩm thành công như vậy, tuy nhiên sách viết ra để độc giả đọc, độc giả thông minh biết chọn cái họ ưng ý phù hợp.

Với cuộc sống bận rộn ngày nay. Việc uống một tách trà, ăn một miếng bánh, đọc một tản văn giúp cho tinh thần thư thái đã là đáng quý rồi. Đừng đòi hỏi giới trẻ phải đọc những gì đao to búa lớn trong khi cuộc sống đã quá nhiều thứ cần phải đối đầu.

Hiện nay trên thị trường vẫn có rất nhiều tác giả trẻ viết những chủ đề rất đời, rất mới mẻ như: cách sống, du lịch, gia đình… Jun nghĩ rồi thời gian sẽ nuôi tâm hồn chúng tôi già dặn hơn. Hãy cho những cây bút trẻ được sống với đúng lứa tuổi của mình.

* Jun vừa đề cập một số thể loại mà các cây bút trẻ đang theo đuổi, vậy theo Jun, xu hướng hay trào lưu viết nào đang nổi bật và được ưu chuộng, vì sao?

- Xã hội phát triển, mạng internet, game, thời trang, ca nhạc lên ngôi, nên nhiều bạn trẻ không còn xem việc đọc sách là việc giải trí như ông bà cha mẹ chúng ta ngày xưa. Vì thế, việc tạo ra một trào lưu, xu hướng độc giả ngày càng tăng như hiện nay phải nói là một sự đóng góp không nhỏ của các tác giả trẻ. Theo Jun, những tản mạn, tạp văn hay đôi khi chỉ là những câu viết ngắn gọn nhưng giàu cảm xúc đang được các bạn trẻ yêu thích. Jun nghĩ, khi đọc được một câu viết hay được chia sẻ trên mạng xã hội, người đọc sẽ muốn biết thêm những câu chuyện, tản văn trong quyển sách đó, và dần dà họ sẽ tìm đến cho mình những trang viết, những tác phẩm với các đề tài đa dạng, mới mẻ hơn. Vì thế dù là trào lưu viết gì đi nữa, dù là ngôn tình, huyền ảo, tản mạn hay chỉ là một câu văn ngắn gọn thì Jun nghĩ vẫn cần được trân trọng và thừa nhận những đóng góp của các tác giả trẻ.

Nguyên Vân
thực hiện

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/cay-but-tre-jun-pham-dung-doi-hoi-gioi-tre-doc-nhung-gi-dao-to-bua-lon-751655.html