Cầu thủ buôn nhà đất: Người thua lỗ, kẻ hốt bạc

Lương cao và sở hữu số tài sản kếch xù, nhiều cầu thủ ở Premiership với đầu óc kinh doanh nhạy bén đã dùng tiền đầu tư vào bất động sản. Nhưng, không phải ai cũng thành công với nghề tay trái.

Mưu sinh trên sân cỏ, kiếm hàng chục ngàn Bảng mỗi tuần, không ít sao Ngoại hạng trở thành triệu phú chỉ sau vài năm. Tiền nhiều lại nổi tiếng, một bộ phận cầu thủ lao vào các cuộc vui thâm đêm đến sáng. Họ đàn đúm với bạn bè, vung tiền không tiếc tay bao các "chân dài" bốc lửa. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Hầu hết siêu sao giờ đây đã biết cách dùng tiền đẻ ra tiền. Họ chăm chỉ tham gia hoạt động quảng cáo, lập công ty môi giới chuyển nhượng... Đặc biệt, vài năm trở lại đây làng túc cầu xứ sương mù xuất hiện trào lưu mới: kinh doanh bất động sản. Phất lên nhờ nhà đất Đi tiên phong là cái tên chẳng xa lạ: Robbie Fowler. Thời điểm bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp (năm 2004) cũng là lúc giới kinh doanh nhà đất vùng Tây Bắc nước Anh bày tỏ sự thán phục về tài môi giới và tầm nhìn xa trông rộng của anh. Được biết, ngay từ những năm 90 Thế kỷ trước, Fowler đã nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Anh bỏ tiền mua gần 100 căn hộ giá rẻ, thuộc tuyến phố Oldham. Khi đó, giá mỗi căn chỉ dao động từ 15.000 đến 20.000 Bảng. Đến nay, dù có khách trả 100.000 bảng/căn hộ, Fowler vẫn lắc đầu từ chối. Bởi theo nhận định của anh, giá nhà khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng. Bước tiếp theo, Fowler thành lập công ty bất động sản mang tên mình. Trong khoảng thời gian ngắn, với cách làm ăn linh hoạt, Robbie Fowler Promotions nổi lên như là một trung tâm môi giới uy tín, nhận được sự tin tưởng của giới đầu tư. Hàng năm, công ty mang lại lợi nhuận từ 1,5 triệu bảng cho cá nhân Fowler. Trở lại với việc đầu cơ nhà đất, cựu chân sút Liverpool còn bỏ tiền mua hẳn một khách sạn cũ ở Scotland. Anh sửa sang lại và biến nó thành một khu căn hộ cao cấp. Ngay khi hoàn thành, hơn 50 căn nhanh chóng được nhiều nhà đầu tư đăng kí mua với giá cao. Sau thương vụ này, Fowler bỏ túi 2 triệu Bảng. Giờ đây, dù đang bôn ba tận Australia chơi bóng, nhưng Fowler vẫn thường xuyên bay trở lại Anh để điều hành việc kinh doanh. Nhờ tuyển được đội ngũ tư vấn giàu kinh nghiệm, hoạt động công ty do Fowler thành lập vẫn khá suôn sẻ. Năm 2005, anh nằm trong tốp 1000 người giàu nhất xứ sương mù, với tổng tài sản 28 triệu Bảng. Nhưng hiện nay, con số trên đã tăng vọt lên 39 triệu Bảng. Tất cả đều là nhờ sự nhạy bén và thức thời của doanh nhân thành đạt Robbie Fowler. Không tham gia hoạt động đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, nhưng Beckham cũng tỏ ra mát tay qua các vụ mua bán nhà đất. Năm 1999, vợ chồng nhà Becks quyết định bỏ ra 2,5 triệu bảng tậu căn biệt thự ở Hertfordshire. Tốn thêm 700.000 bảng sửa sang, nó đã trở thành "cung điện Beckingham Palace" lộng lẫy. Do xác định tương lai sẽ sinh sống trên đất Mỹ nên đầu tháng 9 vừa qua, Beckham đã rao bán "cung điện" của mình với giá 18 triệu Bảng. Không ít nhà đầu tư đang nhòm ngó và nếu phi vụ hoàn tất, nhà Becks sẽ lãi to. Sự nghiệp đang đi xuống, nhưng David Bentley (Tottenham) khá thành công trong việc buôn bất động sản. Năm 2007, Bentley mua biệt thự ở vùng Lancanshire với giá 1,25 triệu bảng. Chưa đầy 8 tháng sau, anh đã sang tên cho ông chủ mới với giá 1,85 triệu Bảng (lãi 600.000 Bảng). Mới đây, Bentley cũng góp vốn cùng bạn bè đầu tư vào một khu chung cư cao cấp ở ngoại ô London. Méo mặt cũng vì bất động sản Tất nhiên, trong kinh doanh không phải cầu thủ nào cũng may mắn và thành công như Fowler. Hai năm trước, Rooney cũng "đua đòi" các bậc đàn anh, nghe lời công ty tư vấn và mua nhà ở khu căn hộ Aldgate và Whitechapel (đông London). Ngoài ra, anh còn đầu tư vào một lô đất lớn tại Florida (Mỹ). Thế nhưng, Rooney lao vào lĩnh vực địa ốc đúng thời điểm kinh tế Thế giới suy thoái. Hệ quả kéo theo, những căn hộ và lô đất mà tiền đạo người Anh sở hữu sụt giá thảm hại. Tính sơ qua, Rooney đang lỗ hơn 1 triệu Bảng. Khu hòn đảo nhân tạo ở Dubai cũng là nơi hấp dẫn các sao Ngoại hạng. Năm 2003, lần lượt Paul Scholes, Gary Neville, Owen, Joe Cole & David James bỏ ra 1 triệu bảng để mua nhà tại khu hòn đảo chỉ dành cho những người nổi tiếng. Nhưng cho đến nay, giá đất nơi đây đã giảm 25% so với ban đầu. Rõ ràng, với kiểu đầu tư tay trái, nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng về kinh doanh địa ốc, các sao sân cỏ rất có thể bị nhà môi giới "dụ ngọt", lừa mua những mảnh đất không sinh lời. Chuyện thua lỗ của Rooney, Owen hay Joe Cole cũng là bài học quý cho những cầu thủ "thừa tiền" đang nhăm nhe bước vào lĩnh vực bất động sản. · Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: http://thethao.vietnamnet.vn/vn/hau-truong/2832/cau-thu-buon-nha-dat--nguoi-thua-lo--ke-hot-bac.html