Cầu nối 'ý Đảng - lòng Dân' ở Song Phượng

20 năm liên tiếp đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ thôn Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Bình được biết tới là người 'vác tù và' say mê việc làng, xã, được nhân dân hết lòng tin yêu. Luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng và phát triển nông thôn, ông chính là một hạt nhân chính trị ở cơ sở, là 'nhịp cầu nối ý Đảng - lòng Dân'.

Từ sáng sớm, tuyến đê Tả Đáy đoạn chạy qua xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội rộn ràng trong tiếng cười nói của những người dân ra chăm sóc tuyến đê kiểu mẫu. Dưới sự đôn đốc của ông Nguyễn Hữu Bình, chẳng mấy chốc cả con đường không còn rác thải; ánh nắng dịu nhẹ buổi sáng tô điểm thêm cho những khóm hoa rực nở.

Thôn Thu Quế không có đê nhưng Đảng viên và nhân dân đã đứng ra cải tạo và chăm sóc 600m đê Tả Đáy chạy qua địa bàn xã Song Phượng

Gần 2 năm trước, Đảng ủy xã Song Phượng phát động phong trào thi đua xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Riêng thôn Thu Quế không có đê, nhưng nhân dân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng mua giống hoa, cây cảnh; đứng ra phụ trách cải tạo và chăm sóc đoạn đê dài 600m.

Bà Nguyễn Thị An và nhiều người dân trong thôn lúc đầu chưa hào hứng nhưng nhìn vào tấm gương của ông bí thư chi bộ luôn “miệng nói, tay làm”, họ đã bị thuyết phục: "Có khi việc nhà lại nhường lại cho vợ con để ra đây chăm sóc đê. Mọi lĩnh vực đều đi đầu trong mọi việc. Dân chúng tôi từ những đảng viên đến nhân dân đều theo chú hết.”

Trưởng thành từ phong trào đoàn, năm 2003, ông Nguyễn Hữu Bình được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn. Trọng trách đó đặt lên vai ông rất nhiều thách thức. Trong thực hiện chương trình, nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới, thôn Thu Quế có diện tích giải phóng mặt bằng lớn nhất xã với 7 tuyến đường và 20 ha đất nông nghiệp phục vụ cho các công trình. Bài toán tưởng chừng không có lời giải khiến nhiều người trong ban vận động phải bỏ cuộc.

Còn ông Bí thư chi bộ thôn Thu Quế vẫn kiên trì gõ cửa từng nhà tuyên truyền để dân hiểu, và đồng tình: “Nhiều hộ dân cứ nghĩ nông thôn mới là mang tiền nhà nước về. Nhưng mình cứ vòng đi vòng lại, thành lập một ban, đánh tỉa, đánh du kích, đánh lan tỏa. Nó như bộ đội, lập ban tham mưu. Có nghĩa là mình cũng phải nắm tư tưởng của từng hộ để có hướng giải quyết các công việc thuận lợi. Ở địa phương nó có nhiều mối quan hệ, phải xử lý thấu tình đạt lý thì người ta mới nghe.”

Không chỉ bền bỉ tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống, ông Nguyễn Hữu Bình còn tiên phong đi đầu trong các phong trào. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, ông động viên gia đình nhận về 5000 mét vuông đất xấu nhất, nhường lại diện tích canh tác thuận lợi cho dân. Những đóng góp của ông với việc làng, việc xã khiến nhân dân rất kính trọng và tin tưởng.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Bí thư Chi bộ Thôn Thu Quế, xã Song Phượng

Ông Bùi Văn Đức, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Song Phượng chia sẻ: “Đồng chí Bí thư lăn xả hết. Khi làm ngõ, xóm này ngõ nào mà họp thì phải có bí thư trưởng thôn đến dự, để cùng với nhân dân bàn bạc, thống nhất cách làm, để chỉ đạo theo tinh thần của Đảng.”

Tròn 20 năm gắn bó với công việc "vác tù và hàng tổng" với mức phụ cấp ít ỏi, ông Nguyễn Hữu Bình vẫn âm thầm “bắc cầu” nối ý Đảng với lòng Dân.

Hương Giang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/cau-noi-y-dang-long-dan-o-song-phuong-post1077646.vov