Câu lạc bộ ý nghĩa với người cao tuổi

Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã mang lại nhiều lợi ích cho người cao tuổi, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Huề Trì, phường An Phụ, Kinh Môn

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Huề Trì, phường An Phụ, Kinh Môn

Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau được hình thành khi Tổ chức phi chính phủ Quốc tế - Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi (NCT) thiệt thòi Quốc tế (Help Age International, gọi tắt là HAI) được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, đã phối hợp với một số tổ chức xã hội, trong đó có Hội NCT Việt Nam triển khai nghiên cứu, xây dựng.

CLB tập hợp nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi, trong đó phần lớn là NCT, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, với tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ khi triển khai năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 69 CLB với 3.895 thành viên, trong đó hơn 70% là NCT.

Tinh thần tự giúp nhau là điểm nổi bật của mô hình. Do CLB được thành lập trong phạm vi của một thôn, khu dân cư nên tính gắn kết, chia sẻ rất cao. Mặc dù hướng đến NCT nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, là phụ nữ, nhưng CLB có cả người trẻ, người khá giả, nam giới (khoảng 30%). Tính “hòa nhập” này giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ, các thành phần, các giới, từ đó có sự thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

CLB duy trì 8 nội dung hoạt động gồm: tăng thu nhập, giảm nghèo; chăm sóc sức khỏe; hoạt động chăm sóc tại nhà dựa vào các tình nguyện viên; hoạt động tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền, lợi ích của NCT; nâng cao kiến thức thông qua các buổi sinh hoạt và hoạt động truyền thông; nâng cao đời sống tinh thần thông qua các CLB văn nghệ, các buổi giao lưu; vận động nguồn lực xã hội hóa bổ sung cho các quỹ của CLB. Qua đó đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của thành viên.

Mỗi CLB khi thành lập được hỗ trợ ít nhất 50 triệu đồng để lập Quỹ Tăng thu nhập, cho các thành viên vay vốn để tổ chức sản xuất nhỏ nâng cao đời sống. Một số CLB sau 3-4 năm hoạt động đã có nguồn quỹ tăng trên 100 triệu đồng, có CLB đạt 180 triệu đồng. Nhờ được vay vốn, nhiều thành viên đã phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định.

Mặc dù giao cho Hội NCT đứng ra vận động thành lập, nhưng thành viên của CLB lại của nhiều tổ chức xã hội khác như phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, Đoàn Thanh niên... Do đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, được sự ủng hộ, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Qua khảo sát trực tiếp của Tổ chức quốc tế thuộc dự án HAI cho thấy, qua CLB các thành viên được chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời khi gặp khó khăn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, tổ chức sản xuất, được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao... Qua thực tế hoạt động của 69CLB cho thấy đây là mô hình thiết thực, hiệu quả, phù hợp với NCT, phù hợp với xu hướng già hóa dân số.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành đề án mới cho giai đoạn đến năm 2025, để tiếp tục nhân rộng mô hình này trong cả nước (Quyết định số 1336, ngày 20.8.2020). Thực hiện đề án của Chính phủ, ngày 29.1.2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 346/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, tỉnh phấn đấu thành lập thêm ít nhất 70 CLB với khoảng 3.000 thành viên là NCT. Trong đó, 60 CLB do tỉnh hỗ trợ kinh phí từ ngân sách, ít nhất 10 CLB do vận động các nguồn lực xã hội hóa. Đến năm 2025, phấn đấu 60% số xã, phường, thị trấn có mô hình này (tương đương 140 CLB)...

Đề án được giao cho Ban Đại diện Hội NCT tỉnh là cơ quan chủ trì, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp, tham gia Ban Điều hành thực hiện đề án.

Điểm khác với đề án giai đoạn trước là lần này, khi tham gia các thành viên phải góp vốn đối ứng để có thêm ít nhất 5 triệu đồng cho Quỹ Tăng thu nhập. Cùng với nguồn hỗ trợ, khi đi vào hoạt động mỗi CLB có ít nhất 50 triệu đồng làm quỹ cho các thành viên vay vốn phát triển sản xuất nhỏ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ban Điều hành đề án cũng đã xây dựng kế hoạch để thực hiện trong 5 năm tới, phân công trách nhiệm cụ thể. Để thực hiện hiệu quả đề án trong 5 năm tới, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để nhân rộng mô hình CLB. MTTQ và các đoàn thể cùng phối hợp vận động nguồn lực để hỗ trợ nhân rộng mô hình CLB.

LƯƠNG ANH TẾ
Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/cau-lac-bo-y-nghia-voi-nguoi-cao-tuoi-169309