Câu hỏi chưa tìm được lời giải của DNNN

Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII mới vừa kết thúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra một câu hỏi về doanh nghiệp nhà nước: “Vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?”. Những hạn chế, yếu kém mà ông nói đến là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chưa thực hiện được vai trò lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng “đắp chiếu”...

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chậm tiến độ - Ảnh: TL

Câu hỏi Tổng bí thư đặt ra cũng là một tồn tại rất lớn mà trải qua hàng chục năm chúng ta vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Ông đồng thời cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của tồn tại trên. Đó là chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội của DNNN; chưa có chuẩn mực trong hạch toán kinh doanh đúng đắn và phù hợp giữa sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa thông thường với sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp còn bất cập, dễ bị lợi dụng để trục lợi; tham nhũng, tiêu cực...

Thật vậy, nhiều DNNN trong nhiều năm qua không chỉ lãnh trách nhiệm như một đơn vị kinh doanh bình thường, mà họ đồng thời còn phải lãnh nhiều gánh nặng, nhất là với những doanh nghiệp lớn.

Có thể khẳng định làm nhiệm vụ chính trị - xã hội, công ích thì khó mà nói đến lợi nhuận, hay hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp. Nhưng điều đáng nói ở đây nhiều lúc đó cũng là cái cớ để DNNN che lấp yếu kém của mình. Những thiệt hại về tài chính của DNNN, nếu có, khi phải thực hiện các nhiệm vụ nêu trên lại không được Nhà nước chia sẻ, mà bản thân họ phải gánh chịu và điều đó góp phần làm suy giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Và cũng vì phải làm nhiệm vụ chính trị - xã hội, nên ngoài việc làm theo quy luật thị trường các DNNN còn phải tuân theo mệnh lệnh của các cấp lãnh đạo hành chính, thậm chí loại mệnh lệnh này đôi khi lấn át cả quy luật thị trường.

Ngoài ra, mối lo luôn treo lơ lửng về nguy cơ bị hình sự hóa quan hệ kinh tế cũng là nguyên nhân quan trọng cản trở sự năng động, sáng tạo đột phá của những người điều hành DNNN. Bản chất của sáng tạo, đột phá là vượt ra khỏi những gì gọi là khuôn khổ, lối mòn để tiếp cận và thử nghiệm những điều mới mẻ. Đó chính là động lực phát triển không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả với toàn xã hội. Tuy nhiên, với người quản lý DNNN, giữa năng động, sáng tạo, đột phá và tội cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm chỉ là một làn ranh rất mong manh nhưng lại là một thành trì rất vững chắc cho lối mòn và trì trệ.

Có lẽ chúng ta sẽ không thể tìm ra lời giải nào cho vấn đề đã tồn tại hàng chục năm nay của DNNN, ngoại trừ quyết định cổ phần hóa, bán 100% DNNN mà gần đây Chính phủ đang thúc đẩy. Đây là lời giải tốt nhất, hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159893/cau-hoi-chua-tim-duoc-loi-giai-cua-dnnn.html/