Câu chuyện về con gà cúng chiều ba mươi tết

Cũng từ đó, cứ vào ngày 30 Tết âm lịch là mọi người chuẩn bị một con gà trống đã được luộc chín, bày lên mâm cúng, khác với cách bày cúng thường lệ là quay đầu con gà vào trong, họ quay đầu gà ra ngoài để đón quan Hành khiển.

Ngày xưa, có một gia đình nghèo sống ở làng Phước An. Họ có một con gà trống rất đẹp, lông óng ả, mỏ vàng, chân đỏ. Con gà trống rất chăm chỉ, sáng nào cũng dậy sớm, gáy Ò… ó… o… o… Tiếng gáy vang vọng tới từng ngõ ngách của thôn làng, đánh thức mọi người dậy đi làm đồng, khiến cho nó trở thành bạn không thể thiếu của cả làng.

Một buổi sớm, khi bình minh chưa lên, con gà bỗng cảm thấy rợn người. Nó ngửi thấy mùi thú dữ. Dáo dác nhìn quanh, nó thấy một con hổ đang tiến đến gần một chuồng trâu của nhà hàng xóm. Rùng mình vì sợ hãi, nhưng gà cố lấy hết sức bình sinh gáy to lên, báo động cho con trâu. Trâu đang nằm bỏm bẻm nhai cỏ, nghe tiếng gà gáy bất thường liền chồm dậy. Phát hiện ra con hổ, nó ghìm chân, chĩa sừng về phía trước.

Con gà tiếp tục gáy, bằng thứ âm thanh vang động khác thường. Dân làng đã quen nghe tiếng gà gáy sớm, hôm nay thấy có gì đó là lạ: Chưa đến giờ gà gáy thường ngày, và tiếng gà cũng lanh lảnh như tiếng kèn báo động. Mọi người thắp đuốc, vác gậy gộc chạy về phía tiếng gà gáy.

Con hổ thấy con trâu chĩa sừng nhọn hoắt về phía mình, liền chùn lại. Nó lại thấy con gà cứ vươn cổ lên mà gáy. Tức giận, nó lao tới vồ con gà. Gà cố thoát khỏi móng vuốt của hổ, chạy về phía cây ổi đầu nhà. Nó chưa kịp nhảy lên cành ổi thì bị con hổ vả một cái trời giáng. Nó văng ra xa, nhưng lại vùng dậy gáy một hồi vang động. Con hổ lao tới, và cho gà một cú trời giáng nữa. Gà văng tới gần giếng nước, ngất xỉu. Cùng lúc ấy, dân làng kéo đến, đuốc sáng rừng rực, hô hét vang trời. Con hổ hoảng sợ, vẫy đuôi đánh đét một cái rồi vùng chạy về phía rừng.

Con gà trống thoát chết trong gang tấc, nhưng bị thương nặng, lông rụng hết, mỏ gãy, chân cong. Mọi người đều tiếc thương cho con gà trống, giúp gia đình nghèo nọ đem về nhà chăm sóc. Nhưng con gà trống không còn khỏe mạnh như trước, chỉ nằm im trong chuồng, không còn gáy nữa.

Đến ngày ba mươi Tết, gia đình nghèo chuẩn bị bày mâm cúng trên bàn thờ. Họ thấy con gà trống không còn sức sống, nên quyết định đưa nó đến với các thần linh. Họ luộc con gà trống, đặt nó vào mâm cúng quay đầu ra ngoài, bày lên bàn thờ. Họ lẩm nhẩm khấn cầu trời phật và nhất là quan Hành khiển, vị quan văn nhân đức trên trời, có nhiệm vụ trông coi mọi việc trên thế gian, phù hộ độ trì cho con gà và cho gia đình.

Đêm khuya, quan Hành khiển đi qua làng, thấy một mùi hương thơm ngào ngạt và nồng ấm. Theo mùi hương, đến một ngôi nhà tranh đơn sơ, ông liền ghé vào. Nhìn mâm cúng trên bàn thờ, ông nhận ra đó là con gà trống đã có công cứu con trâu và thường xuyên đánh thức dân làng dậy đi làm đồng đúng giờ. Ông rất khen ngợi sự dũng cảm và trung thành của con gà trống, nên quyết định ban phước cho nó và cho gia đình nghèo. Ông thổi một hơi vào con gà trống, khiến nó sống lại. Con gà trống bật dậy, lông mọc lại, mỏ vàng, chân đỏ, nhảy xuống sản nhà, ngơ ngác đi mấy vòng rồi gáy lên: “Ò ó o o! Ò ó o o!”. Tiếng gáy của con gà trống khiến mọi người trong nhà tỉnh giấc, chạy tới. Thấy con gà trống sống lại, họ rất vui mừng, ôm nó vào lòng.

Từ đó, gia đình nghèo được quan Hành khiển ban cho nhiều may mắn và tài lộc. Họ làm ăn phát đạt, giàu có, hạnh phúc. Con gà trống cũng được mọi người yêu quý, chăm sóc, gáy vang khắp làng.

Cũng từ đó, cứ vào ngày 30 Tết âm lịch là mọi người chuẩn bị một con gà trống đã được luộc chín, bày lên mâm cúng, khác với cách bày cúng thường lệ là quay đầu con gà vào trong, họ quay đầu gà ra ngoài để đón quan Hành khiển.

Tranh của Copilot

Phạm Việt Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cau-chuyen-ve-con-ga-cung-chieu-ba-muoi-te-a23240.html