Câu chuyện sân cỏ: HLV phát điên vì cầu thủ lười học ngoại ngữ

Eric Bailly đã khẳng định được năng lực của mình chỉ qua những vòng đấu đầu tiên ở Premier League nhưng bóng đá là môn thể thao của tập thể, cần sự kết nối giữa các vị trí trên sân.

Chứng kiến cảnh Bailly cố gắng khua tay múa chân giải thích trong khi Chris Smalling vẫn lắc đầu tỏ ý chẳng hiểu gì, Jose Mourinho đã lập tức yêu cầu học trò đi học tiếng Anh.

Những danh thủ lười đi học

Mourinho từng ngày đêm học tập để có thể nói lưu loát 5 thứ tiếng. Chẳng hà cớ gì một cầu thủ trẻ tuổi như Bailly không học nổi tiếng Anh, thứ ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới. May là Bailly cầu thị, đăng ký ngay khóa học cấp tốc, chứ không lười nhác như nhiều danh thủ khác.

Một nhà báo tại Anh vẫn nhớ như in cuộc phỏng vấn tiền vệ Robert Pires của Arsenal tại một nhà hàng Pháp ở London mùa Xuân năm 2003. Cuốn hút, thông minh, dễ gần là cảm giác đầu tiên của nhà báo này về ngôi sao của "Pháo thủ". Nhưng đi sâu vào cuộc nói chuyện, Pires mất điểm khi ú ớ trả lời với vốn tiếng Anh ít hỏi. Ba năm ở London nhưng Pires hầu như không nói được một câu tiếng Anh trọn vẹn nào.

"Tôi thực sự muốn học nhưng trong 3 năm qua tôi chả thu xếp được thời gian. Hồi đầu đến Arsenal, tôi đã định học nhưng thời gian chơi bóng quá nhiều khiến tôi khó mà tập trung", Pires ngượng nghịu giải thích. Huyền thoại Arsenal thừa nhận việc không học tiếng Anh là một "sai lầm".

10 năm sau, Carlos Tevez rơi vào tình cảnh tương tự như Pires. Chơi bóng ở nước Anh trong vòng 7 năm nhưng Tevez hầu như không nói được từ tiếng Anh nào. Trong mọi sự kiện, Tevez đều cần phiên dịch. Đến khi rời nước Anh, Tevez vẫn là "kẻ ngoại đạo" với thứ ngôn ngữ của quốc gia này.

Khóc cười vì ngôn ngữ

Sự hối hận của Pires xuất phát từ sự kiện diễn ra ở mùa bóng 2001-02. Khi đó, Pires nhận được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận. Đứng trước hàng loạt ống kính máy ảnh và máy quay, cầm trên tay chai sâm-panh, Pires nói vỏn vẹn 7 từ: "Cảm ơn các bạn rất nhiều. Tạm biệt". Nếu xem video ghi lại cảnh này, có lẽ Pires vẫn chưa hết xấu hổ.

David Beckham cũng từng rơi vào tình trạng như vậy khi ra mắt AC Milan. Năm đó, Becks trong bộ vest bảnh bao và nụ cười chết người tham dự buổi họp báo của đội bóng mới. Khi nữ MC Llaria D’Amico hỏi Becks rằng anh đã học được tiếng Italy chưa, danh thủ Anh ra vẻ tự tin đáp lời với thứ tiếng Italy học chưa đến đâu: "Chào buổi tối, xinh đẹp". Cả khán phòng lúc đó chẳng thể nhịn cười.

Trải nghiệm với tiếng Italy cũng là điều mà Ashley Cole muốn quên. Mùa Hè năm 2014, người hâm mộ phát cười khi chứng kiến Cole đứng một mình một góc trong bức ảnh chụp chung cùng toàn đội AS Roma. "Ẩn nấp" là từ người hâm mộ dùng để mỉa mai vị trí của Cole trong bức hình. Nguyên do cũng vì Cole không biết tiếng Italy nên không thể hiểu yêu cầu của thợ ảnh. Hành trình của Cole trên đất Italy kết thúc 15 tháng sau đó. LA Galaxy là lựa chọn tiếp theo của hậu vệ người Anh, nơi anh có thể nói ngôn ngữ mẹ đẻ.

Bị cô lập nơi phòng thay đồ, khó thích nghi với cuộc sống ở miền đất mới nên lựa chọn ra đi, mâu thuẫn với đồng đội, HLV... là những hệ lụy khác của việc bất đồng ngôn ngữ. Người đại diện của Gareth Bale từng thốt lên rằng "cầu thủ Real Madrid không chịu chuyền bóng cho Bale" cũng chỉ vì vốn tiếng Tây Ban Nha ít ỏi khiến tuyển thủ xứ Wales không thể hòa nhập trong thời kỳ đầu ở Bernabeu.

Trong vai trò của HLV, Di Canio từng phát điên khi dẫn dắt các "ngoại binh" ở Sunderland. "Tôi đến phát điên. Buổi tập nào tôi cũng mất cả đống thời gian chỉ vì ngôn ngữ khác biệt. Khi các cầu thủ Anh hô to xếp hàng thì các cầu thủ Pháp hay Italy cứ đứng yên một chỗ. Tôi lại phải dừng buổi tập để chỉ bảo họ".

Từ kinh nghiệm xương máu của Di Canio, có thể hiểu tại sao Mourinho cấp tốc yêu cầu các học trò phải học tiếng Anh.

Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/the-gioi-sao/cau-chuyen-san-co-hlv-phat-dien-vi-cau-thu-luoi-hoc-ngoai-ngu-n20161011221219694.htm