Câu chuyện nhỏ về trái tim nhân ái

Đêm 26-12-1972, không quân Mỹ cho máy bay B-52 ồ ạt ném bom rải thảm xuống phố Khâm Thiên, Hà Nội-khu phố có mật độ dân cư cao nhất ở Thủ đô. Vệt bom địch kéo dài hơn 1km với chiều rộng từ 40 đến 50m đã làm các khối phố 42, 43, 46, 47 gần như bị hủy diệt, đổ nát, hoang tàn.

Nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cửa hàng lương thực, chợ Khâm Thiên, Di tích lịch sử văn hóa đình Tương Thuận, trạm y tế và nhiều cơ sở sản xuất thủ công, hàng nghìn căn hộ bị san bằng... Trong trận B-52 này, Mỹ đã sát hại 300 người dân vô tội, làm bị thương 226 người khác, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà, làm hư hỏng 1.200 nhà và phá hủy hoàn toàn hệ thống điện của phố Khâm Thiên. Cả 17 khối phố bị bom, trong đó 4 khối phố bị phá hủy hoàn toàn.

Ngay sáng sớm hôm sau, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn; Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo TP Hà Nội đã có mặt tại nơi đổ nát này, thăm hỏi nhân dân khu phố.

Sau khi tới hiện trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Khu phố Đống Đa, nghe báo cáo tình hình chung mọi mặt. Đại tướng hỏi thăm về các gia đình bị thiệt hại nặng. Đại diện Khu phố Đống Đa báo cáo, gia đình ông Thuyết, ở ngõ 273, có 6 người trú ẩn dưới hầm bị bom đánh trúng chết hết; gia đình hiện chỉ còn duy nhất một người con trai tên là Chung đang là bộ đội, đóng quân tại Vĩnh Linh (Quảng Trị). Nghe đến đây, Đại tướng quay sang đồng chí sĩ quan đi theo và nói, đại ý: “Cho Chung về trông coi gia đình...”. Vài tuần sau mọi người thấy một anh bộ đội ở đơn vị đưa Chung về. Lúc này, người chiến sĩ trẻ ấy không còn nhà cửa, cha mẹ và người thân.

Bà Thúy Hạnh, lãnh đạo quận Đống Đa đưa Chung về nhà riêng của mình tại 234 Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) ăn ở, góp phần xoa dịu nỗi đau của anh. Chung gọi bà Hạnh là mẹ nuôi, ông Trinh, chồng bà Hạnh là bố nuôi... Khi cán bộ Ủy ban Hành chính Đống Đa được phân phối nhà ở, các đồng chí cũng thu xếp, phân phối nhà cho Chung, cung cấp mọi thứ bảo đảm cho cuộc sống hằng ngày của anh.

Vài tháng sau, khu Đống Đa và TP Hà Nội được Chính phủ Liên Xô nhận thanh niên sang học việc, Chung được cấp trên cho xuất ngũ và được cử đi trong đợt ấy. 3 năm học nghề xong, Chung về nước được sắp xếp làm việc tại Công ty Xây dựng số 3, Hà Nội. Chung mãi nhớ ân đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền...

Thắng lợi trận Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12-1972 tạo điều kiện cho quân và dân ta tiếp tục đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng. Nhân dân ta tự hào có một vị Đại tướng tài, đức, văn, võ song toàn và một trái tim nhân ái.

NGUYỄN THÀNH HỮU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/cau-chuyen-nho-ve-trai-tim-nhan-ai-606842