Câu chuyện ly kỳ về các bảo kiếm huyền thoại ở châu Á

Không chỉ sắc bén và có độ bền cao, một số bảo kiếm huyền thoại là biểu tượng của quyền lực và gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ, thậm chí có phần rùng rợn.

Thanh kiếm “khát máu” của Muramasa là một trong những bảo kiếm huyền thoại ở châu Á. Nó do thợ rèn kiếm nổi tiếng của Nhật Bản là Muramasa tạo ra. Người này sống vào khoảng thế kỷ 16 và là học trò của nghệ nhân rèn kiếm lừng danh Okazaki Goronyudo Masamne.

Tương truyền, Muramasa đã lén lấy trộm cuốn bí quyết luyện kiếm của người thầy Okazaki nhằm tạo ra một bảo kiếm cho riêng mình. Khi biết chuyện, người thầy Okazaki vô cùng tức giận và dùng thanh kiếm đó chặt đứt một tay của Muramasa.

Sau đó, Muramasa bỏ đi và mang theo thanh kiếm đã rèn. Vũ khí này được đặt theo tên của ông. Thanh kiếm Muramasa vô cùng sắc bén, có độ bền cao, trong đó có thể dễ dàng cắt đôi một chiếc lá. Tuy nhiên, bảo kiếm này mỗi lần rút ra khỏi bao kiếm là phải nhìn thấy máu.

Do mang luồng sát khí cực mạnh nên rất nhiều người đã đổ máu mỗi lần thanh kiếm Muramasa được rút ra khỏi bao kiếm. Thậm chí, nếu chủ nhân không sử dụng thanh kiếm này trong một thời gian dài thì vũ khí này sẽ "trỗi dậy" khiến người này tự sát để đi tìm chủ nhân mới.

Nanatsusaya-no-Tachi (hay còn gọi là thanh kiếm 7 nhánh) là vũ khí huyền thoại nổi tiếng Nhật Bản được tìm thấy ở đền Isonokami, thành phố Nara vào năm 1945.

Theo các chuyên gia, Nanatsusaya-no-Tachi có hình dáng độc đáo nên rất có thể chỉ được người xưa dùng trong các nghi lễ thay vì các cuộc chiến thực sự. Hiện giới nghiên cứu chưa thể giải mã chính xác nguồn gốc của thanh kiếm này.

Dù vậy, căn cứ vào những dòng chữ trên lưỡi kiếm, các chuyên gia suy đoán thanh kiếm 7 nhánh có thể là món quà hoàng đế nhà Đông Tấn (Trung Quốc) gửi tặng nhà vua của triều đại Baekje (Hàn Quốc).

Tuy nhiên, một truyền thuyết khác kể rằng, thanh kiếm Nanatsusaya-no-Tachi là món quà mà Hoàng hậu của triều đại Jingu được dâng tặng. Đến nay, tính xác thực của những thông tin này vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn được tìm thấy trong một ngôi mộ ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào năm 1965. Các chuyên gia vô cùng bất ngờ bởi vũ khí này không bị gỉ sét dù ở trong mộ cổ sâu dưới lòng đất hơn 2.300 năm.

Không những vậy, thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn vẫn sắc bén. Do đó, nó được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất kiếm". Qua kiểm tra, vũ khí này được làm chủ yếu từ đồng điếu, dài 56 cm, rộng 4,6 cm. Phần cán được khảm lưu ly màu lam - một loại đá quý thời phong kiến.

Các chuyên gia xác định được dòng chữ khắc trên thanh kiếm là "Việt vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm", loại chữ là Điểu Triện. Hiện thanh bảo kiếm này được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Mời độc giả xem video: Đào được thanh kiếm cổ, không ngờ là manh mối vụ án 2.700 năm trước.

Tâm Anh (theo Ancient-origins)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/cau-chuyen-ly-ky-ve-cac-bao-kiem-huyen-thoai-o-chau-a-1900123.html