Câu chuyện hôm nay: Trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa vùng của Tây Nguyên gọi tên Buôn Ma Thuột

Được chứng kiến và cảm nhận sự thay đổi hàng ngày từ một vùng đất hoang sơ, khó khăn nay trở thành đô thị hiện đại, đời sống người dân được nâng lên là niềm vui của người dân thành phố Buôn Ma Thuột. Không khó để nhận ra sự thay đổi từ khi hưởng thành quả từ 'cú hích' mang tên cơ chế đặc thù.

5 cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 về các lĩnh vực như: tăng định mức phân bổ chi thường xuyên; mức dư nợ vay; quản lý quy hoạch; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; thu hút nhân tài... Thời gian thí điểm trong vòng 5 năm. Cơ chế đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột được thông qua sẽ khơi thông điểm nghẽn, thu hút đầu tư, tạo bước đột phát trong tăng trưởng; tạo sự lan tỏa toàn vùng Tây Nguyên.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 67 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nêu rõ, "xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên". Sự thành công của bất cứ địa phương nào cũng đến từ sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Kể từ đầu năm, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh đã có những chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính ngày càng cải thiện, minh bạch. Đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính tạo ra sự đồng thuận giữa người dân và doanh nghiệp.

Để đạt được mục mức độ hài lòng của người dân trên 90% thách thức lớn nhất với chính quyền địa phương là thái độ và năng lực thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, trong đó đòi hỏi phải thể hiện kỹ năng mềm trong giao tiếp và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong quá trình xử lý thủ tục hành chính. Đây là tiền đề để tạo ra những sáng kiến, bước đi đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư vào địa phương.

Nếu như Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Thủ tục Hành chính thành phố Buôn Ma Thuột - là nơi đặt thước đo chỉ số hài lòng của người dân thành phố thì Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh được coi là bộ não số của tỉnh. Đồng thời là cầu nối thông qua tương tác 2 chiều khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo hoặc phản ánh cho các cơ quan Nhà nước về các sự cố, vấn đề liên quan đến trật tự đô thị, giao thông, an ninh, hạ tầng kỹ thuật v.v...

Thống kê của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có trên 1.000 lượt truy cập và tải các ứng dụng: Đắk Lắk G 05; Đắk Lắk trực tuyến;Tương tác người dân Đắk Lắk; Cổng tương tác công dân; Cổng Tương tác người dân Đắk Lắk. Riêng tại thành phố Buôn Ma Thuột, dịch vụ phản ánh hiện trường triển khai rất hiệu quả, người dân thường xuyên gửi phản ánh liên quan tới lấn chiếm lòng lề đường, xả rác không đúng nơi quy định qua ứng dụng “Đắk Lắk trực tuyến” với trên 300 lượt phản ánh.

Công nghệ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn và gần như len lỏi vào trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tại chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, cả tiểu thương và hành khách đã ngày càng quen hơn với việc không sử dụng tiền mặt để thanh toán. Chỉ cần vài thao tác đơn giản người bán và người mua đã có thể thực hiện các giao dịch mua bán, trả phí...

Thông điệp “Tiện ích trong tầm tay” của thanh toán không tiền mặt đã có thể đến với từng người dân, thúc đẩy sự quan tâm và từ đó thay đổi thói quen của cộng đồng để hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt thật sự thân thiện.

Trong xu thế kết nối kinh tế các vùng miền trong cả nước, kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của các địa phương. Giao thông thuận tiện không chỉ giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi giữa các địa phương trong khu vực mà còn tạo ra hành lang vận tải, tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các địa phương trong vấn đề thu hút đầu tư quốc tế. Đại lộ Đông Tây, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cùng với các dự án, công trình giao thông khác như Cảng hành không Buôn Ma Thuột đang thực hiện rất tốt xứ mệnh của mình.

Đầu tư nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng giao thông là “bước đi” đột phá, bởi khi kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và chuyên nghiệp... tạo được “đòn bẩy”, cạnh tranh trong phát triển về mọi mặt, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên".

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Phạm Hải - Hồng Gấm

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cau-chuyen-hom-nay-trung-tam-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-du-lich-van-hoa-vung-cua-tay-nguyen-goi-ten-buon-ma-thuot-202139.htm