Câu chuyện giữ bình yên phố cổ của nữ Cảnh sát khu vực Công an Thủ đô

Hà Nội 36 phố phường là nơi kết đọng những tinh hoa rất riêng của mảnh đất hơn nghìn năm văn hiến. Bởi vậy, khu vực phố cổ luôn thu hút rất lớn người dân và du khách đến đây tham quan, mua sắm và thưởng thức phong vị ẩm thực. Để gìn giữ sự bình yên và những nét rất riêng khu vực này có đóng góp lặng thầm của lực lượng công an cơ sở. Trong câu chuyện dưới đây, chúng tôi muốn kể về một trong những gương mặt nữ Công an tiêu biểu của Công an Hà Nội - đó là Trung úy Vũ Hồng Nhung, cán bộ Công an phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống Công an nhân dân, ký ức tuổi thơ của Trung úy Vũ Hồng Nhung gắn liền với những vất vả của cha - một người Cảnh sát khu vực chẳng có mấy ngày nghỉ trong tuần. Nhưng chính những lần được theo cha “tăng ca” làm việc cả trong ngày nghỉ, mà chị đã hiểu được tính chất công việc của ngành Công an. Thế rồi chẳng biết tự lúc nào, tình yêu, sự đam mê công việc của cha và niềm cảm phục giá trị cao cả của “màu áo xanh” đã thôi thúc cô gái trẻ ấy tiếp nối truyền thống gia đình. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nhung đã lựa chọn thi vào trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I rồi về nhận công tác tại CAP Hàng Đào vào cuối năm 2017.

Trung úy Vũ Hồng Nhung tại sự kiện tuổi trẻ Công an Thủ đô hỗ trợ nhân dân đăng ký định danh điện tử, cài đặt sử dụng ứng dụng VNEID và thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Người nữ cán bộ trẻ không ngại học hỏi

Trung úy Vũ Hồng Nhung kể: “Thời gian đầu, tôi được phân công nhiệm vụ trực ban hình sự, công việc hàng ngày là tiếp nhận, xử lý các tin báo ban đầu; đồng thời, hỗ trợ Tổ Cảnh sát hình sự bắt giữ tội phạm; tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự ở khu phố đi bộ…”. Chị cho biết, thực hiện nhiệm vụ “mặt tiền của mặt tiền” này là công việc đầu tiên mà ai trong CAP cũng từng đảm nhiệm. Công việc thoạt nghe đơn giản nhưng cũng có yêu cầu riêng bởi việc thu thập thông tin ban đầu rất quan trọng. Quá trình ghi lời khai cần đầy đủ để phục vụ cho công tác điều tra, đồng thời phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Với sự mềm mại, dịu dàng, có khả năng về ngoại ngữ, nên Trung úy Vũ Hồng Nhung đã có nhiều cách xử lý linh hoạt trong việc tiếp xúc với người nước ngoài để lại ấn tượng đẹp về người chiến sĩ Công an Thủ đô trong lòng du khách quốc tế. Trung úy Nhung chia sẻ, khi trình báo sự việc, nhiều người nước ngoài thường lo lắng và mất bình tĩnh. Trong khi đó, theo quy định làm việc với người nước ngoài phải có phiên dịch viên. Vì thế, quá trình tiếp xúc ban đầu, với khả năng ngoại ngữ của mình, chị đã động viên tinh thần, giúp người trình báo lấy lại bình tĩnh, từ đó, giúp đỡ các đơn vị nghiệp vụ của CAQ trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu.

Sau công việc thường nhật, Trung úy Nhung còn cùng Tổ hình sự của CAP Hàng Đào thực hiện công tác trinh sát. Trong quá trình ấy, người nữ cán bộ trẻ đã bộc lộ năng khiếu nghề nghiệp, cùng đồng đội tham gia triệt phá nhiều vụ án. Trong đó, ấn tượng nhất với chị là lần triệt phá điểm mua bán trái phép chất cần sa, có yếu tố người nước ngoài. Để triệt phá thành công tụ điểm này, chị và đồng đội đã tốn không ít công sức để nắm bắt quy luật và đối phó với thủ đoạn hoạt động tinh vi của các đối tượng cầm đầu ổ nhóm. Song bằng các biện pháp nghiệp vụ, chị và đồng đội đã thực hiện thành công, tụ điểm bị triệt phá đã trả lại sự bình yên cho địa bàn, được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Mỗi con ngõ trên địa bàn Trung úy Vũ Hồng Nhung phụ trách đều được trang bị bình chữa cháy công cộng

Nữ Cảnh sát khu vực gần gũi với nhân dân

Tháng 8-2018, Trung úy Vũ Hồng Nhung được cấp trên tin tưởng, phân công làm Cảnh sát khu vực phụ trách Khu dân cư số 6 phường Hàng Đào, với 2 tuyến phố Hàng Cân và Lương Văn Can. Chị tâm sự: “Trở thành nữ Cảnh sát khu vực duy nhất của Công an phường, tôi vừa vui lại vừa lo, nhưng sự động viên, khích lệ, hỗ trợ của lãnh đạo đơn vị đã giúp tôi vững tin hơn nhận nhiệm vụ này”.

Thời điểm Trung úy Nhung nhận nhiệm vụ cũng là lúc CATP Hà Nội tiến hành việc tổng điều tra dân số. Tận dụng cơ hội này, chị phối hợp với các Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố đi đến từng hộ dân để thu thập tài liệu và làm quen… Sau 3 tháng nhận nhiệm vụ, chị Nhung đã cơ bản nắm được tình hình địa bàn. Chị cho biết: “Với người Cảnh sát khu vực, khó khăn nhất là công tác quản lý địa bàn, quản lý con người. Do đó, người cán bộ công an phải thực sự gần dân, sát dân, từ đó, mới có thể vận động người dân đồng hành, giúp đỡ mình trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự”. Thông qua đội ngũ cán bộ cơ sở và quần chúng tốt, chị đã kịp thời, thường xuyên thu thập thông tin, nắm tình hình từng nhân hộ khẩu; đồng thời quan tâm gọi hỏi, cảm hóa giáo dục các đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn.

Bằng sự chân thành của mình, đã có không ít người từng lầm lỡ được Trung úy Nhung cảm hóa trở thành người có ích cho xã hội. Một trong số đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn H. (SN 1990, trú tại phường Hàng Đào). Sinh ra trong một gia đình cơ bản, nhưng vì một phút lầm lỡ, anh H. bị bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, rồi bị xử phạt 24 tháng tù giam. Sau khi ra tù, lần đầu tiên gặp gỡ nữ cán bộ địa bàn, anh H. đã tỏ thái độ bất cần. Thế nhưng người nữ cán bộ trẻ không nản lòng, thông qua những người thân trong gia đình để từ từ tiếp cận được với anh. Anh H. sau khi hiểu được công việc và tấm lòng của người nữ Cảnh sát khu vực đã dần hợp tác. Đến thời điểm này, anh đã hướng thiện và có một công việc ổn định để xây dựng cuộc sống.

Trung úy Vũ Hồng Nhung, cán bộ Công an phường Hàng Đào (Hà Nội) hướng dẫn người dân đăng ký cư trú

Thế rồi, thực hiện chỉ đạo của CATP Hà Nội trong thực hiện Đề án 06, Trung úy Vũ Hồng Nhung thông qua các cán bộ cơ sở đã trực tiếp phát giấy mời đến từng nhà dân; chia theo ca để mời họ lên làm việc… Dù thời điểm này chị phải vừa đi học, vừa đi làm để nâng cao năng lực, nhưng với phương pháp làm khoa học, 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn đã được cấp CCCD gắn chíp. Ngoài ra, Trung úy Nhung còn phối hợp tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn công dân kích hoạt định danh điện tử và sử dụng ứng dụng VneID, đạt 78% công dân đã kích hoạt, sử dụng định danh điện tử mức độ 2. Chị nhớ lại: “Cứ sau thời gian học trên lớp, 5h30 chiều tôi lại quay về phường để xuống phố, lúc thì thu thập dữ liệu dân cư, lúc thì làm CCCD. Công việc cứ như thế đến đêm mới về đến nhà”.

Bên cạnh đó, chị còn rất tự hào khi trong năm 2023 đã tham mưu Cấp ủy Chi bộ, Ban công tác mặt trận trang bị được 100% bình chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu, ngõ đông hộ trên địa bàn Tổ dân phố số 6; tất cả các thành viên Đội PCCC cơ sở trong nhà lúc nào cũng có 2 bình chữa cháy. Đây là những nơi có thể huy động được bình, được người, từ đó góp phần hiệu quả trong công tác phòng ngừa, chữa cháy tại cơ sở.

Từ tháng 4-2023 đến nay, Trung úy Vũ Hồng Nhung được phân công nhiệm vụ mới, là cán bộ công tác nội cần - tổng hợp kiêm tiếp nhận đăng ký cư trú và thực hiện nhiệm vụ đột xuất do chỉ huy Công an quận, Công an phường, Đảng và chính quyền phường giao. Với nhiệm vụ này, chị đã tổng hợp, báo cáo đủ, đúng thời hạn các loại báo cáo đột xuất, báo cáo tháng, quý, năm của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH; tiếp nhận, xử lý 258 hồ sơ đăng ký cư trú đúng thời hạn, đúng thủ tục, quy trình, không để chậm muộn, không gây phiền hà cho người dân; hướng dẫn người dân thực hiện 100% hồ sơ trên Cổng dịch vụ công để thuận tiện theo dõi quá trình xử lý và nhận kết quả giải quyết.

Vẫn còn nhiều chương trình, kế hoạch về công tác dân vận mà người nữ Công an phường đang ấp ủ, tôi chia tay Trung úy Vũ Hồng Nhung khi Hà Nội đã lên đèn. Giữa lung linh sắc màu của Thủ đô có bóng dáng người nữ cán bộ cơ sở vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ, góp phần mang lại bình yên cho một Hà Nội dấu xưa phố cũ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cau-chuyen-giu-binh-yen-pho-co-cua-nu-canh-sat-khu-vuc-cong-an-thu-do-post570182.antd