Câu chuyện chưa có hồi kết của FTX

FTX Trading mới đây đã kiện nhà sáng lập Sam Bankman-Fried và các cựu giám đốc phụ trách sàn giao dịch tiền điện tử này.

Website của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Ảnh: AFP/TTXVN

FTX Trading mới đây đã kiện nhà sáng lập Sam Bankman-Fried và các cựu giám đốc phụ trách sàn giao dịch tiền điện tử này nhằm thu hồi hơn 1 tỷ USD mà những quản lý cấp cao đó bị cáo buộc biển thủ trước khi FTX phá sản.

Danh sách các bị cáo trong đơn kiện nộp tại tòa án phá sản Delaware còn bao gồm bà Caroline Ellison - người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiểm Alameda Research của ông Bankman-Fried, cựu giám đốc công nghệ của FTX Zixiao Gary Wang và cựu giám đốc kỹ thuật của FTX Nishad Singh.

FTX cáo buộc các nhân vật trên liên tục sử dụng quỹ để chi trả cho những căn hộ sang trọng, quyên góp chính trị, đầu cơ và các dự án cá nhân khác. Theo FTX, các vụ chuyển tiền gian lận xảy ra từ tháng 2/2020 - 11/2022.

Các giao dịch chuyển tiền lừa đảo gồm hơn 725 triệu USD cổ phần mà FTX và West Realm Shires - một công ty do ông Bankman-Fried quản lý - chi ra mà không nhận lấy bất kì giá trị hoán đổi nào.

FTX cũng cáo buộc hai ông Bankman-Fried và Wang biển thủ 546 triệu USD để mua cổ phần của công ty dịch vụ tài chính Robinhood Markets, trong khi bà Ellison sử dụng 28,8 triệu USD để tự trả tiền thưởng cho mình. Các vụ chuyển tiền được thực hiện khi các công ty liên quan tới FTX đang làm thủ tục phá sản và các bên bị thưa kiện đều biết điều này. Các giao dịch trên có thể bị đảo ngược hoặc ngăn chặn theo luật phá sản của Mỹ hoặc luật bang Delaware.

Người phát ngôn của ông Bankman-Fried đã từ chối bình luận, trong khi các luật sư cho các bị đơn khác đều chưa phản hồi về vụ kiện.

Sàn giao dịch tiền điện tử FTX do Bankman-Fried thành lập vào năm 2019, đặt trụ sở tại Bahamas. Hồi tháng 5/2022, FTX đã vượt Coinbase trở thành sàn giao dịch điện tử lớn thứ 2 thế giới về thị phần, chỉ xếp sau Binance.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2022, FTX và các công ty con của sàn giao dịch này tại Mỹ đã nộp đơn xin phá sản và ông Bankman-Fried từ chức Giám đốc điều hành (CEO) của FTX. Sàn giao dịch tiền điện tử này đã sụp đổ nhanh chóng sau vài ngày nhà đầu tư liên tục rút tài sản khỏi các ví tiền, đồng thời không thể tìm được "phao cứu sinh" sau khi sàn giao dịch Binance từ chối mua lại.

Trong quá trình điều tra, các công tố viên phát hiện nhiều chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ đầu tư tiền điện tử Alameda Research. Các công tố viên Mỹ cáo buộc Bankman-Fried là người chủ mưu vụ lừa đảo dẫn đến sự sụp đổ của FTX và gồm việc chiếm dụng hàng tỷ USD. Bankman-Fried bác bỏ một số cáo buộc trong khi Ellison, Wang và Singh nhận tội và đồng ý hợp tác với các công tố viên.

Trong khi đó, theo một văn bản pháp lý mà CEO mới của FTX là ông John Ray III hồi tháng 5/2023 nộp lên Tòa án phá sản của tiểu bang Delaware, ông đã tiến hành một loạt cuộc họp và nhiều hoạt động liên quan đến việc hồi sinh sàn giao dịch này. Ông đã "đánh tiếng" về khả năng hồi sinh FTX từ tháng 1/2023 và thậm chí đã thành lập một nhóm nghiên cứu khả năng khởi động lại FTX.

Về phần mình, tập đoàn Temasek Holdings của Singapore (Xin-ga-po) cho biết đã cắt giảm nhân sự trong nhóm đầu tư và quản lý cấp cao sau khi đầu tư thất bại vào FTX. Chủ tịch Temasek Lim Boon Heng cho biết mặc dù nhóm đầu tư không có hành vi sai trái nào trong việc đưa ra khuyến nghị đầu tư, nhưng quyết định cắt giảm trên được đưa ra nhằm "chịu trách nhiệm tập thể".

Quyết định trên được đưa ra sau khi Temasek, một trong những nhà đầu tư nhà nước lớn nhất thế giới, đã mất toàn bộ khoản đầu tư trị giá 275 triệu USD trong năm 2022 sau sự sụp đổ của FTX. Qua hai vòng cấp vốn từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, Temasek đã đầu tư 210 triệu USD vào FTX International và 65 triệu USD vào FTX US, cả hai đều là cổ phần thiểu số.

Kể từ đó, một nhóm độc lập đã tiến hành đánh giá nội bộ khoản đầu tư của Temasek, trong đó nhiều phát hiện được trình bày trực tiếp trước hội đồng quản trị. Temasek không nêu rõ quy mô cắt giảm hoặc có bao nhiêu nhân viên bị ảnh hưởng.

Ông Lim cho hay theo cáo buộc của các công tố viên và những thừa nhận từ các lãnh đạo chủ chốt tại FTX và các chi nhánh của FTX, sàn giao dịch này đã che giấu nhiều hành vi gian lận với các nhà đầu tư trong đó có Temasek.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cuối năm 2022 cho biết Temasek, cổ đông lớn trong các công ty lớn như hãng hàng không Singapore Airlines và Singapore Telecommunications, đã bị "thiệt hại về danh tiếng" do khoản đầu tư vào FTX. Quan chức này cho rằng sự lạc quan trước đó vào chuỗi khối (blockchain) có thể “là quá lạc quan", dù vậy Singapore sẽ tiếp tục theo đuổi các thử nghiệm với công nghệ này.

Temasek cũng lưu ý mặc dù có những rủi ro từ các khoản đầu tư, song tập đoàn sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mới và công nghệ mới nổi "để hiểu những lĩnh vực này có thể tác động như thế nào đến các mô hình kinh doanh và tài chính trong danh mục đầu tư hiện tại của mình và liệu chúng có phải là động lực tạo ra giá trị trong tương lai trong một thế giới luôn thay đổi hay không"./.

H.Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cau-chuyen-chua-co-hoi-ket-cua-ftx/300247.html