Cắt giảm ngân sách, Bộ Tài chính hứa bù cho TP.HCM

Ngân sách trung ương sẽ bổ sung cho TP.HCM 7.000tỉ đồng để đầu tư một số dự án xã hội, trong đó có 3.200 tỉ xây dựng bệnh viện tuyến cuối.

Đó là những phân tích của ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN - Bộ Tài chính) trên báo Pháp luật TPHCM, khi nói về câu chuyện phân chia tỉ lệ NSNN cho các tỉnh, TP, trong đó có TPHCM và cách tính toán của Bộ Tài chính, ngày 28/10.

Theo ông Hưng, nếu tính cả nguồn bổ sung 7.000 tỉ đồng, tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM không phải 18% mà là 22%. Tất cả là để đảm bảo nhu cầu chi của TP.HCM, đặc biệt là một số ưu tiên lớn cho TP.HCM trong chi đầu tư, chi thường xuyên.

Ngoài ra, TP.HCM còn nhận được vốn ODA 3 tỉ USD để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, cấp thoát nước, xử lý môi trường và cho vay lại trên dưới 1 tỉ USD; đó là chưa kể khoản thưởng nếu vượt thu NS.

Vị đại diện Bộ Tài chính khẳng định, không phải Bộ Tài chính không nhận thức được những khó khăn của TP.HCM nhưng Bộ đã tính toán kỹ mọi nguồn để làm sao các tỉnh có tỉ lệ tiết giảm không quá lớn.

Điều hòa ngân sách giữa địa phương và trung ương, sao cho vừa đảm bảo chia sẻ khó khăn với các tỉnh nghèo, vừa thúc đẩy phát triển ở các TP lớn.

"Trong tính toán NSNN, Bộ Tài chính luôn cân bằng hai yếu tố phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Dù khó đáp ứng được nhu cầu chi của TP.HCM và Hà Nội nhưng theo tính toán của chúng tôi, tổng nguồn lực ngân sách của hai TP không thể nói là giảm, chỉ là không tăng như nhu cầu của họ.

Ngân sách trung ương sẽ bổ sung cho TP.HCM 7.000 tỉ đồng

Hai TP này cũng có nhiều công trình do trung ương đầu tư, như hiện nay các cơ quan trung ương đầu tư 6.000-7.000 tỉ đồng/năm trên địa bàn TP.HCM. Cùng đó, TP.HCM cũng cần tính đến các giải pháp tiết kiệm chi như giảm hội họp, phương tiện đi lại, công tác nước ngoài", ông Hưng chỉ rõ.

Trước đó, trong định hướng kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2016-2020 vừa được báo cáo Quốc hội của Bộ Tài chính có nội dung, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017 - 2020.

Về vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng trong bối cảnh bội chi ngân sách và các khoản nợ công cao như hiện nay thì tính toán trên của Chính phủ là cần thiết.

Thực tế, hiện nay tỷ phần của chi thường xuyên trong ngân sách quá lớn. Vì vậy chúng ta phải dừng lại, giảm bớt các khoản chưa cần thiết thì mới có nguồn vốn để đầu tư.

“Trong mấy năm nay chúng ta có đến 65% chi thường xuyên, 24-25% chi để trả nợ đến hạn. Còn lại trên 10% là cho đầu tư. Thực tế có rất nhiều chuyện đột xuất xảy ra. Lúc thiên tai, lũ lụt, lúc dịch bệnh, hạn hán… chúng ta không tính trước được và phải có dự phòng. Vì thế việc quyết định TP.HCM chỉ được giữ lại 18% ngân sách theo tôi có lý”, TS Hồ nhấn mạnh.

Đánh giá thêm về tính toán của Chính phủ, TS Lưu Bích Hồ cho rằng phương án này đã được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, vừa thể hiện được sự quan tâm của Trung ương, vừa để thành phố có những lựa chọn tốt hơn trong thu hút nguồn vốn tư nhân.

“TP.HCM chúng ta vẫn ưu tiên. Sau khi đã tính toán, chỉ giữ lại 18% là hợp lý. Chứ không phải như ý kiến một số người cho rằng quyết định như vậy là bỏ rơi TP.HCM, là cào bằng đâu. Đấy cũng là cân nhắc đầu tàu, cân nhắc vùng kinh tế trọng điểm rồi. Chúng ta không đảm bảo cho TP.HCM thì cũng không có thêm nguồn ngân sách”, TS Hồ nói.

Vì vậy, với việc cắt giảm 5 % tỷ lệ ngân sách, vị chuyên gia đánh giá, đây sẽ là cơ hội để TP.HCM tính toán lại việc chi tiêu, đầu tư cho hiệu quả và hợp lý.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) lại cho rằng hiện nay quan điểm giữa Trung ương và TP.HCM chưa có sự đồng nhất.

“Ai cũng nói có lý cả. Trung ương thiếu vốn do nợ công lớn, đầu tư nhiều và phải lo cho toàn quốc. Còn TP.HCM có quan điểm là vùng kinh tế đầu tàu, nhu cầu về vốn rất lớn. Nếu nguồn lực có hạn thì sẽ khó khăn, không thể phát triển được.

Tôi nghĩ không nên phân biệt vốn đầu tư tại TP.HCM hay ở Trung ương. Nếu TP.HCM tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn, đương nhiên cần ủng hộ và khuyến khích họ. Suy cho cùng, tất cả đều phục vụ cho đất nước”, PGS.TS Long nhấn mạnh.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cat-giam-ngan-sach-bo-tai-chinh-hua-bu-cho-tphcm-3321791/