Cấp vốn đầu tư công: Phải tránh dàn trải, manh mún

Chiều 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

"Danh mục cụ thể thì Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định nhưng Quốc hội giám sát, nếu làm sai thì Quốc hội “thổi còi”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. Ảnh: TN

Không đủ khả năng hoàn thành cần đưa ra khỏi danh mục

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng.

Dự chi hơn 48.500 tỷ bù chênh lệch lãi suất, vốn điều lệ cho 2 ngân hàng

Chính phủ đề xuất bố trí 48.550 tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất, chi phí quản lý và vốn điều lệ cho 2 ngân hàng: Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong 5 năm tới.

Ông Nguyễn Đức Hải băn khoăn, “cần cân nhắc tính hợp lý, bảo đảm phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế và hiệu quả hoạt động của 2 ngân hàng này”.

Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, Chính phủ chỉ đạo báo cáo, làm rõ sự cần thiết, căn cứ và phương án tính toán để đề xuất dự kiến phân bổ vốn cho 2 ngân hàng này.

“Nhiều ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách rất xác đáng, chúng tôi cơ bản tán thành”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.

Ông giải trình thêm, hiện dư nợ của Ngân hàng Chính sách là 107.000 tỷ, nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,78% và tăng trưởng tín dụng 12-14%. Do số nợ vốn điều lệ, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất lớn nên hằng năm Chính phủ chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho ngân hàng này 8%, thấp hơn nhiều so với các tổ chức tín dụng khác.

Còn với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hiện dư nợ là 300.000 tỷ đồng, nhưng một nửa trong đó là giải ngân vốn ODA, một nửa huy động vốn cho vay theo chỉ định của Chính phủ nên lâu nay Chính phủ vẫn phải cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất cho ngân hàng này.

"Chúng tôi tha thiết sớm được bố trí vốn cho 2 ngân hàng này", Phó Thủ tướng nói.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1,12 triệu tỷ đồng (vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, bao gồm 260.000 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

“Đến hết 28/2, Bộ, ngành, địa phương nào phân bổ không đúng quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa vào dự phòng chung vốn đầu tư ngân sách Trung ương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ở góc cơ quan độ thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định Nghị quyết số 26, Luật Đầu tư công. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư...

“Đối với những dự án tỷ lệ vốn bố trí quá thấp, không đủ khả năng hoàn thành thì cần đưa ra khỏi danh mục để tập trung cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải, dở dang ở nhiều dự án”, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị.

Phải quy trách nhiệm rõ ràng, tránh lãng phí, thất thoát

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu quan điểm, “chưa yên tâm khi còn tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công. Điều mà nhân dân và dư luận quan tâm là quy trách nhiệm cho rõ ràng vì vừa qua ít khi chỉ ra địa chỉ, người chịu trách nhiệm”.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, phải bám sát Nghị quyết 26 của Quốc hội, trong đó cần xác định trên tinh thần thứ tự ưu tiên.

Cụ thể, bố trí thanh toán nợ đọng cơ bản trước tiên, rồi đến thu hồi khoản vốn ứng trước, bố trí vốn đối ứng công trình ODA, PPP và các công trình chuyển tiếp.

“2 triệu tỷ đồng phải tập trung xử lý theo thứ tự đó, số còn lại mới phân bổ cho dự án mới theo Luật Đầu tư công”, ông Lưu lưu ý.

Cho ý kiến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ với Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi lần đầu thực hiện đầu tư công trung hạn nên có khó khăn, lúng túng nhất định.

“Chúng ta thống nhất ý kiến là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho nguyên tắc, còn danh mục cụ thể thì Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định nhưng Quốc hội giám sát, nếu làm sai thì Quốc hội “thổi còi”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc vào cuối giờ chiều cùng ngày.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/cap-von-dau-tu-cong-phai-tranh-dan-trai-manh-mun_t114c1068n115398