Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thị xã Sa Pa: Còn nhiều vướng mắc

Người dân sinh sống trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng không chỉ chịu thiệt thòi mà còn khiến công tác quản lý của Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Gia đình chị Lương Thị Thanh (xã Tả Van) vừa xây dựng thêm 3 bungalow (nhà ở có diện tích nhỏ) trong homestay của mình để đón thêm khách du lịch. Diện tích xây những căn nhà này đều trên đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị Thanh bảo, chờ được cấp “sổ đỏ” thì không biết đến bao giờ, đành liều xây dựng để kinh doanh, nếu Nhà nước có thu hồi thì chấp nhận mất trắng.

Ông Lê Mạnh Hào, Chủ tịch UBND xã Tả Van cho biết: Do vướng quy hoạch sử dụng đất nên gần 10 năm qua, trên địa bàn xã không thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nào. Chưa có giấy tờ hợp pháp nên khi thống kê, rà soát, hầu hết xếp vào diện làm nhà trên đất chưa phù hợp, các hộ cũng gặp nhiều khó khăn khi cần mua bán, chuyển nhượng, vay vốn…

Tại xã Trung Chải, vừa qua, cử tri cũng nhiều lần nêu ý kiến khi 39 hộ khu tái định cư Pờ Sì Ngài sau nhiều năm di chuyển đến nơi ở mới vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không có giấy tờ, nhiều chính sách như hỗ trợ làm nhà ở, vay vốn cũng khó triển khai đến đối tượng cần thụ hưởng.

Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Sa Pa, hiện nay chưa thống kê đầy đủ các thửa đất/hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy chưa đánh giá chính xác tỷ lệ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, trên địa bàn hiện còn khoảng 40% thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu tập trung vào đất có nhà ở, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi thủy sản.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất. Trong các cuộc họp giao ban, ngành tài nguyên và môi trường thường xuyên đôn đốc UBND các xã, phường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo bộ thủ tục hành chính do UBND tỉnh ban hành. Hồ sơ được người sử dụng đất nộp qua bộ phận một cửa cấp xã, cấp huyện.

Hằng năm, UBND thị xã có giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân (ví dụ năm 2022 là 400 giấy chứng nhận, năm 2023 là 100 giấy chứng nhận).

Nguyên nhân khiến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn chậm là do có nhiều người dân không có nhu cầu sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (dùng để thế chấp, cho, tặng, chuyển nhượng…), cùng với nhận thức vẫn còn quan điểm đất của ai thì người ấy dùng, nên không thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, do bản đồ địa chính còn có sai sót (sai về ranh giới, người sử dụng đất, loại đất…). Vì vậy, một số thửa đất cần đo đạc lại, chỉnh lý khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, nhân lực phục vụ đo đạc còn hạn chế.

Ngoài ra, đời sống người dân còn khó khăn, dẫn đến không có kinh phí cho việc đo đạc, trích lục bản đồ địa chính. Kinh phí trích lục khoảng 30.000 đồng/thửa nhưng số lượng thửa rất nhiều (thửa nhỏ); đo đạc địa chính khoảng 2 - 3 triệu đồng mỗi thửa.

Việc người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai, trong công tác giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian...

Ông Nguyễn Phước Toàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Sa Pa.

Theo ông Nguyễn Phước Toàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sa Pa, việc người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai, trong công tác giải phóng mặt bằng (khi thực hiện giải phóng mặt bằng phải thực hiện xác minh nguồn gốc đất đai, quá trình sử dụng, thời điểm sử dụng…) mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người sử dụng đất do không huy động được vốn (dùng thế chấp), tặng, cho con cháu để có tư liệu sản xuất…

Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, thị xã Sa Pa đã tuyên truyền để người sử dụng đất hiểu quyền lợi của người sử dụng đất sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như hướng dẫn kê khai, viết đơn đăng ký… UBND thị xã đã thành lập các tổ công tác hỗ trợ người dân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-tai-thi-xa-sa-pa-con-nhieu-vuong-mac-post374180.html