Cấp cứu đột quỵ trước viện

Thời gian qua, trên cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng ghi nhận nhiều trường hợp bị đột quỵ dẫn đến tử vong.

Bác sĩ căn dặn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đột quỵ cần thăm khám định kỳ sau điều trị đột quỵ Ảnh: H.DUNG

Việc nhận biết bệnh đột quỵ, cấp cứu đột quỵ trước viện đúng cách và đưa bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị sớm sẽ đem lại cơ hội sống và bình phục cho bệnh nhân.

Thời gian là não

ThS-BS Phạm Nguyên Bình, Phó trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết, mỗi giây phút trôi qua đối với người bệnh đột quỵ nếu chưa được điều trị đồng nghĩa với việc sẽ có càng nhiều tế bào não bị chết. Do đó, giai đoạn cấp cứu trước viện có vai trò vô cùng quan trọng đối với người bệnh.

Các bác sĩ lưu ý, khi thấy hoặc biết một người đang có dấu hiệu đột quỵ như méo một bên mặt, méo miệng, yếu liệt chân tay, đi không vững, nói đớ, nói ngọng, người ở bên cạnh cần nhanh chóng gọi điện đến số cấp cứu. Ở Đồng Nai, số điện thoại tiếp nhận cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là 0251.115. Hoặc có thể gọi đến hotline y tế của một số bệnh viện gần nhất để được đội ngũ y tế hỗ trợ đưa người bệnh đến bệnh viện có thực hiện cấp cứu, điều trị bệnh đột quỵ.

Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người bị đột quỵ cao nhất với hơn 218 ca/100 ngàn dân.

Trong thời gian chờ xe cấp cứu, hãy để người bệnh nằm nghiêng trên nền phẳng để tránh tình trạng bệnh nhân nôn, sặc; nới lỏng quần áo rộng và thoáng mát. Có thể quấn khăn sạch vào ngón tay để lấy đờm, dãi trong cổ người bệnh nếu bệnh nhân có dấu hiệu thở khò khè tăng tiết đờm dãi. Nếu thấy người bệnh có biểu hiện co giật thì dùng đũa quấn vải sạch chặn ngang miệng, tránh để người bệnh cắn vào lưỡi.

Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống gì vì có thể gây sặc, ngạt thở; không cho người bệnh dùng bất kỳ loại thuốc nào. Bởi việc dùng thuốc không đúng sẽ làm tăng nguy cơ đối với người bệnh. Chẳng hạn, nếu cho người bệnh sử dụng thuốc aspirin để làm giảm triệu chứng đau đầu do đột quỵ, người bệnh có thể bị chảy máu não nhiều hơn do aspirin là chất làm loãng máu. Hay người bệnh bị nhồi máu não (do cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn mạch máu) mà cho uống hạ huyết áp nhanh sẽ làm vùng nhồi máu lan rộng ra do thiếu máu nuôi.

Đặc biệt, không áp dụng các phương pháp dân gian như cạo gió, chích 10 đầu ngón tay hay vắt chanh vào miệng bệnh nhân bởi những cách làm này không những không có tác dụng gì mà ngược lại có thể làm cho bệnh nhân bị nhiễm trùng hay huyết áp tăng vọt do đau.

Với bệnh nhân đột quỵ nặng sẽ có nguy cơ diễn tiến tới ngừng tim, ngừng thở. Khi đó cần được hồi sinh tim phổi ngoại viện. Nếu trường hợp bệnh nhân còn thở, bắt mạch còn đập thì không có chỉ định ép tim.

Giữ gìn sức khỏe khi trời lạnh

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, trong năm 2023 có hơn 1,2 ngàn bệnh nhân nhập viện để điều trị bệnh đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân đến bệnh viện thông qua hệ thống cấp cứu ngoại viện còn thấp. Do vậy, việc triển khai đơn vị cấp cứu ngoại viện là vô cùng cần thiết, giúp bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu trong thời gian sớm nhất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 bệnh viện triển khai điều trị đột quỵ, bao gồm 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (đã triển khai điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ); Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết). Ngoài ra, còn có 2 đơn vị tuyến huyện cũng đã điều trị tiêu sợi huyết là Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán. Bệnh viện tư nhân duy nhất trong tỉnh đã và đang điều trị đột quỵ là Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai.

Để phòng ngừa bệnh đột quỵ, BS CKII Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khuyến cáo người dân cần hạn chế các yếu tố nguy cơ bằng cách bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia, các chất kích thích, đồ uống có cồn. Những người đang bị các bệnh lý về huyết áp, tim mạch cần uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh như tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày; có chế độ ăn uống ít thịt đỏ, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, tăng cường ăn rau xanh, trái cây…

Khi thời tiết trở lạnh, người dân nên vận động nhẹ nhàng từ 3-5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng, không nên đột ngột ra khỏi giường. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 250C và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm trễ, không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 370C là phù hợp nhất.

Người dân cần giữ ấm cơ thể, không chủ quan khi ra ngoài trời lạnh và không dậy tập thể dục sớm. Việc tập luyện có thể chuyển sang trong nhà để làm nóng cơ thể như đạp xe tại chỗ, các bài đi bộ bước nhỏ.

BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, nhiều năm qua, bệnh viện đã liên kết với nhiều bệnh viện trong tỉnh để hình thành mạng lưới cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân đột quỵ. Để điều trị đột quỵ thành công là nỗ lực của nhiều bác sĩ của nhiều khoa, phòng khác nhau. Do vậy, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ sở y tế, các khoa, phòng trong bệnh viện rất quan trọng. Mục tiêu cao nhất là để điều trị nhanh nhất, hiệu quả nhất cho bệnh nhân đột quỵ.

BS Tuấn hy vọng trong thời gian tới, mạng lưới điều trị đột quỵ sẽ được tổ chức bài bản hơn, có một đơn vị làm đầu mối để chủ trì, quản lý hoạt động của mạng lưới, nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị bệnh đột quỵ trên địa bàn tỉnh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202401/cap-cuu-dot-quy-truoc-vien-0493cf3/