Cấp cao ASEAN 2012: Điệu kèn ngập ngừng Biển Đông

(Toquoc)-Vấn đề Biển Đông tại cấp cao ASEAN năm nay lu mờ hơn năm ngoái.

Ít ai chờ đợi hồ sơ Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 tổ chức tại Phnôm Pênh trong 2 ngày 3 tháng 4 vừa rồi. Nhưng việc nó chỉ đạt được mấy đoạn chung chung như trong văn bản cuối cùng hay tại các phát biểu khai mạc và bế mạc của nước chủ thì hoàn toàn cũng ngoài mọi dự kiến. Tại Cấp cao năm nay, Biển Đông rõ ràng lu mờ hơn năm ngoái. Dư luận cho rằng chuyến thăm khác thường của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Phnom Penh mấy ngày trước khi Hội nghị khai mạc đã tác động đến tiến trình Hội nghị. Bản Tuyên bố chung Campuchia- Trung Quốc sau chuyến viếng thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Phnom Penh (30/3 - 2/4) cũng đã được phân phát tại Trung tâm báo chí Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ngày 2/4, tuy rằng chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc không có quan hệ trực tiếp với hội nghị này.

Cấp cao ASEAN-Phnom Penh-2012: Đoàn kết ASEAN là sức mạnh để thực hiện các mục tiêu của tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu thế giới này

Với sự nỗ lực của một số nước hữu quan, Hội nghị đã thảo luận về tiến triển của việc thực hiện Tuyên bố DOC và Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc của các bên ở Biển Đông (COC). Các Bộ trưởng Ngoại giao cho biết họ tiếp tục hy vọng giảm thiểu được bất đồng và cùng ký về quy tắc COC với Trung Quốc vào cuối năm 2012. Đoàn Philippines thúc giục các nước thành viên ASEAN thỏa thuận về một lập trường chung trước khi họp với Bắc Kinh, nhưng một số nước đã không tán thành.

Đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn hàng hải là lợi ích và quan tâm chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; bảo đảm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC. ASEAN cần tiếp tục duy trì tiếng nói chung này, nhất quán, thể hiện vai trò xây dựng và chủ đạo của mình vì mục tiêu hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Phía Việt Nam hoan nghênh những tiến triển mới đây, trong đó có việc thông qua bản Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC; đề nghị ASEAN sớm thống nhất về các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở đối thoại với Trung Quốc.

Cuối cùng, Tuyên bố Phnôm Pênh đã khẳng định ASEAN tiếp tục đề cao những cam kết chung đã được quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), và khẳng định sẽ tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các quan chức Philippines còn nhấn mạnh là họ cảm thấy “rất thất vọng” trước các nỗ lực của Trung Quốc ngăn chặn mọi cuộc thảo luận trong ASEAN. Khi đơn phương đưa ra bản đồ 9 đoạn hình “lưỡi bò”, khẳng định chủ quyền của mình đối với gần 80% diện tích Biển Đông, Bắc Kinh còn thẳng tay bác bỏ đề nghị của Manila hồi tháng 11 năm ngoái, liên quan đến việc thảo luận, xác định các vùng biển có tranh chấp, để có thể tiến tới việc cùng nhau khai thác. Tuy vậy, phía Philippines vẫn nêu vấn đề Biển Đông với một lập trường mạnh mẽ, mặc dù vấn đề không được đưa vào chương trình nghị sự.

Chủ tịch Ủy ban luật pháp Quốc hội CPC Cheam Yeap, được coi là người phát ngôn cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, giải thích lý do của quyết định này: “Campuchia là một nước trung lập”. Ông Cheam Yeap thanh minh rằng việc loại Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ASEAN không có nghĩa là Campuchia thiếu tinh thần trách nhiệm. Ông Cheam Yeap cũng bác bỏ nghi ngờ cho rằng quyết định này của họ là do không muốn làm phật ý Bắc Kinh - nước đầu tư và viện trợ lớn cho họ trong những năm qua. Mặc dù ông Cheam Yeap thừa nhận, những năm qua, Trung Quốc không ngừng tăng cường đầu tư vào Campuchia, đã trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Ông Cheam Yeap đánh giá tích cực các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Campuchia.

Thương mại hai nước đã đạt 2,5 tỷ USD trong năm 2011, thay vì vào năm 2015 như mục tiêu đề ra trước đây. Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2017. Ông Hồ Cẩm Đào cam kết viện trợ cho Campuchia 39,6 triệu USD và cho vay với lãi suất thấp 31,7 triệu USD. Thủ tướng Hun Sen đề nghị Trung Quốc cho vay với lãi suất thấp từ 300-500 triệu USD để phát triển hạ tầng cơ sở và hệ thống thủy lợi.

Báo Bưu điện Phnom Penh đưa lại nhận xét của một người dân Campuchia về viện trợ của Trung Quốc: “Họ có tiền bạc, nên họ có quyền lực”.

Ngày 31/3, trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu Campuchia đừng thúc đẩy “quá nhanh” các cuộc thảo luận về Biển Đông. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, ông Thamrong, cố vấn của Thủ tướng Hun Sen cho biết, ông Hồ Cẩm Đào đã nói với ông Hun Sen rằng Trung Quốc rất muốn hướng tới việc đúc kết một Bộ quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông, nhưng một cách “không quá nhanh”.

Thực ra, một động cơ quan trọng nữa của các hoạt động ngoại giao kinh tế gần đây của lãnh đạo Bắc Kinh với Indonesia, Campuchia là tích cực đối phó với việc Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Đầu tháng 4, Mỹ chính thức triển khai lính thủy đánh bộ tại căn cứ Darwin (Ôxtrâylia). Có tin, Mỹ đang xem xét việc thuê quần đảo Coco của Ôxtrâylia để đặt căn cứ cho hải quân và không quân, vì vị trí địa lý của quần đảo này rất phù hợp cho việc Mỹ tiến hành các chuyến bay trinh thám tại khu vực Biển Đông. Mỹ đang tích cực kết thúc đàm phán với Singapore để đưa thêm khu trục hạm tới quân cảng của Singapore và hầu như đã thỏa thuận cơ bản với Phillipines về việc tăng cường sự hiện diện quân sự bao gồm hải quân, không quân và lính thủy đánh bộ tại Philippines. Việc Bắc Kinh tích cực theo đuổi chủ trương chống lại “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” cũng nhằm hạn chế việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông, tạo áp lực đối với biên giới phía Nam của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng không muốn ASEAN tạo thêm sức ép giữa lúc dư luận nội bộ Trung Quốc phê phán ban lãnh đạo hành động chưa đủ cứng rắn trong vấn đề tranh chấp biển đảo.

Trả lời câu hỏi liên quan tới kết quả Hội nghị trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Hun Sen giải thích “không quốc tế hóa, có nghĩa là không để bên thứ ba hay nước thứ ba, can dự vào tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”. Ông Hun Sen cho biết Trung Quốc và ASEAN là đối tác chiến lược, nên không thể vì quan điểm của bên thứ ba làm phương hại đến các nguyên tắc này.

Chuyên gia hàng đầu về chính trị khu vực, Giáo sư Carl Thayer (Ôxtrâylia) trả lời phỏng vấn của AFP, nói: “Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục Campuchia loại vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Tuy nhiên, điều này không ngăn được các quốc gia có liên quan như Philíppin đưa vấn đề an ninh hàng hải ra bàn bạc tại hội nghị”.
Còn theo nhận định của tờ Asahi (Nhật Bản), Trung Quốc hiện xác định Campuchia đóng vai trò rất lớn có thể giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, trong bối cảnh Mianma đang có xu hướng thoát khỏi “cái bóng” của Bắc Kinh.

Thực ra, với tư cách là nước “trung lập” và không trực tiếp dính líu vào tranh chấp Biển Đông, Campuchia có vị trí khách quan để tác động một cách tích cực vào việc giải quyết cuộc tranh chấp này, như họ đã làm 10 năm trước. Điều này đã được những người tham gia cuộc hội thảo quốc tế tổ chức ngày 22/3 tại Phnôm Pênh ghi nhận. Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ và Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP) tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc ký tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Hội thảo ghi nhận đóng góp tích cực và to lớn của Campuchia trong việc cho ra đời DOC năm 2002. Với vai trò chủ tịch ASEAN năm 2012, Campuchia là bên trung gian hiệu quả, có điều kiện thuận lợi tăng cường đoàn kết trong ASEAN, thúc đẩy tin tưởng và đồng thuận giữa các bên tranh chấp tại Biển Đông, có khả năng đưa ra những sáng kiến khách quan được các bên chấp nhận.

Báo Bưu điện Jakarta, ngày 4/4, nhấn mạnh, ASEAN với tư cách một cộng đồng vào năm 2015 có thể trở thành thực thể duy nhất tùy thuộc vào việc có đưa ra một lập trường trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông hay không. Đã đến lúc toàn thể thành viên ASEAN, Trung Quốc và các bên liên quan có vai trò trong cơ chế khu vực cần đoàn kết tìm ra giải pháp giải quyết cuộc tranh chấp Biển Đông./.

Người bình luận

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/102864/cap-cao-asean-2012-dieu-ken-ngap-ngung-bien-dong.aspx