Cấp bách cải cách để nâng hạng thị trường chứng khoán

Tại Hội thảo 'Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết' do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 10.10, các diễn giả nhận định, để thị trường chứng khoán được nâng hạng trước năm 2025, Việt Nam cần kịp thời đưa ra được giải pháp cải cách thị trường.

Còn chưa đến 1 năm để hoàn thành hàng loạt tiêu chí

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán là điều Chính phủ đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều giải pháp, các tổ chức xếp hạng thị trường vẫn chưa chấp thuận nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Tuấn cho rằng, đến thời điểm này có thể thấy mục tiêu nâng hạng trước năm 2025 là rất thách thức.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng, thị trường Việt Nam hiện đáp ứng được 8/17 tiêu chí nâng hạng của MSCI (Công ty tài chính Morgan Stanley Capital International) và 7/9 điều kiện của FTSE Russell. Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, trong các nhóm tiêu chí còn vướng mắc để được nâng hạng, FTSE Russell và MSCI đánh giá một số hạn chế liên quan đến khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định chính xác giới hạn sở hữu nước ngoài, chưa đầy đủ thông tin trong quy trình thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thông tin về hoạt động của doanh nghiệp và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp chưa được cập nhật kịp thời và có thể dễ dàng tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài bằng tiếng Anh.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, MSCI rà soát định kỳ vào tháng 6 hàng năm, trong khi FTSE thực hiện vào tháng 3 và tháng 9. Điều đó có nghĩa Việt Nam còn chưa đầy 1 năm để "chạy đua" với hàng loạt tiêu chí nếu muốn được nâng hạng trước năm 2025. Đặc biệt là với tiêu chí của FTSE Russell, Việt Nam có thể bị loại ra khỏi danh sách xem xét nâng hạng nếu không đưa ra được giải pháp cải cách thị trường.

"Nếu việc này xảy ra thì sẽ rất đáng tiếc, bởi thị trường Việt Nam đã được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ tháng 9.2018, và hiện nay chỉ còn thiếu 2 tiêu chí. Do đó, trong những tháng cuối năm 2023 và 2024, Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề về thanh toán, quan trọng nhất là việc loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải có sẵn tiền ở thời điểm đặt lệnh (theo Thông tư số 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính), thay vào đó là yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2) như thông lệ tại các thị trường phát triển", TS. Cấn Văn Lực nói. Việc này cần được hoàn thành trong năm 2024 thì Việt Nam mới có thể hoàn thành mục tiêu nâng hạng của mình.

Hai nhóm vấn đề cần tháo gỡ

Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại, theo Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. VinaCapital kiến nghị rút ngắn danh sách này. Đồng thời, đề xuất sửa đổi Thông tư số 120/2020/TT-BTC bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài cần phải có đủ 100% tiền trong tài khoản để thực hiện lệnh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể cấp margin dựa trên tài sản bảo đảm của nhà đầu tư nước ngoài, công ty chứng khoán có thể đứng ra cấp bảo lãnh cho vay trên cơ sở mức ký quỹ 20 - 30%. Trong trường hợp nếu nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán, công ty chứng khoán sẽ mua lại làm danh mục tự doanh hoặc bán giải chấp cổ phiếu này thu hồi tiền...

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta cần phải chịu sức ép cải cách lớn hơn nữa, đặc biệt liên quan đến các quy định pháp luật liên quan đến tính công khai và minh bạch. Khảo sát cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư trên thế giới không thanh toán tương đương mức tổn thất 3 tỷ USD/năm. Đề xuất biện pháp phòng ngừa rủi ro, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót; đồng thời kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài. Trên thế giới, mức xử phạt có thể lên tới 1.000 - 5.000 USD, hoặc theo tỷ lệ số tiền. Và cuối cùng là tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định. Công ty chứng khoán được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không, tương tự quyền cấp các khoản cho vay tín chấp của ngân hàng thương mại. Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, cho phép công ty chứng khoán được tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp nhà đầu tư không thể thanh toán.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cho rằng, công ty chứng khoán hoàn toàn có thể kiểm soát việc này. Việc giảm tỷ lệ ký quỹ cho các khách hàng không khác gì hoạt động quản trị rủi ro khi cung cấp các khoản cho vay ký quỹ. Do đó, công ty chứng khoán hoàn toàn có đủ công cụ, cách quản trị rủi ro.

Dù đây được xem là một giải pháp có thể tạm gỡ được nút thắt, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán, lưu ý, nếu áp dụng cơ chế mới thì cần tính đến rủi ro đổ vỡ và đạo đức khi các công ty chứng khoán lạm dụng, dẫn tới đổ vỡ thị trường.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có một số kiến nghị đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cần công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận; thực hiện cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu. "Về phía Ủy ban, chúng tôi sẽ chủ động rà soát, sửa đổi quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP theo hướng yêu cầu các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán phải công bố rõ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mỗi công ty", ông Dũng nói.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/cap-bach-cai-cach-de-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-i346017/