Cao Xuân Thảo thành công với mô hình trồng nấm

Cao Xuân Thảo kiểm tra trại nấm linh chi đỏ trồng tại nhà. Ảnh: KHANG ANH

Mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, Cao Xuân Thảo (SN 1993, ở thôn Tư Thạnh, vùng 7, xã An Lĩnh) đã gầy dựng thành công trại nấm thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao.

Tự thân lập nghiệp

Năm 2013, sau khi học xong lớp trung cấp điện Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (nay là Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung), Cao Xuân Thảo vào Bình Dương xin việc làm nhưng thu nhập không ổn định. Đến tháng 4/2020, Thảo về quê, xin vào công tác ở UBND xã An Lĩnh và làm Phó Bí thư Chi đoàn thôn Tư Thạnh cho đến nay.

Trồng nấm hiệu quả, Cao Xuân Thảo còn chia sẻ kinh nghiệm với người dân, thanh niên trong thôn, xã. Ảnh: KHANG ANH

Nói về việc “bén” duyên với mô hình trồng nấm, thanh niên này cho biết: Trong lúc rảnh, tôi mở điện thoại xem tin tức, vô tình xem được hướng dẫn cách trồng nấm. Sau khi cập nhật hết nội dung này, tôi lại tìm thêm những mô hình trồng nấm tương tự. Nhận thấy khí hậu ở quê mình mát mẻ, nắng dịu, độ ẩm cao, rất phù hợp với mô hình trồng nấm nên tôi nảy sinh ý định trồng thử nghiệm tại nhà. Ấp ủ ý tưởng, tôi tiếp tục tham khảo cách trồng nấm tại một số cơ sở ở xã lân cận và thử bắt tay vào làm từ tháng 5/2020.

Dồn hết số tiền dành dụm được, cộng với nguồn vốn hỗ trợ từ bố mẹ được khoảng 30 triệu đồng, tận dụng những dụng cụ hiện có, Thảo xây dựng nhà trại, mua 3.000 phôi giống, vật tư, máy móc cần thiết để hình thành trại nấm bào ngư xám đầu tiên. Sau khi cấy men, tưới nước, chăm sóc thường xuyên, nấm cây phát triển tốt, chàng thanh niên năng động này đã thu hoạch trọn vụ nấm thương phẩm đầu tay với năng suất 1,2 tấn.

Nấm sau thu hoạch được tiêu thụ ở các chợ xã trên địa bàn huyện Tuy An với giá 40.000 đồng/kg, cho thu nhập 48 triệu đồng; trừ chi phí, Thảo lãi 18 triệu đồng. Đó là thành quả mà thanh niên tự thân lập nghiệp trên vùng đất xa nhất ở vùng cao An Lĩnh đã nhận được từ chính bàn tay, sự mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm của mình.

Không dừng ở trại nấm bào ngư xám, Cao Xuân Thảo lấy 18 triệu đồng tiền lãi, vay mượn thêm để lần lượt mở rộng quy mô, nâng tổng số trại nấm hiện có lên 10 trại với khoảng 30.000 phôi giống. Chia sẻ về quá trình trồng nấm cho đến thời điểm này, Cao Xuân Thảo cho biết thêm: Từ 1 phôi giống, nấm bào ngư xám có thể cho thu hoạch liên tục 12 lứa, lứa đầu là sau 2 tháng, các lứa còn lại cách nhau 15 ngày nhưng năng suất thu hoạch ở các lứa sau sẽ giảm dần.

“Trong quá trình trồng nấm bào ngư xám, tôi cũng đã nghiên cứu để bổ sung giống mới là nấm linh chi đỏ (hay còn gọi là xích chi). Loại nấm này phải đến 4 tháng (tính từ khi cấy phôi) mới cho thu hoạch lứa đầu và chỉ thu hoạch được thêm 2 lứa nữa (mỗi lứa cách nhau 2 tháng). Nấm này ít tốn công chăm sóc và có giá trị cao hơn. Hiện nấm được bán cho một số khách hàng ở TP Hồ Chí Minh với giá khoảng 600.000-700.000 đồng/kg khô; chưa kể, linh chi đỏ còn cho thu hoạch bào tử (bột tự thân nấm tiết ra) với giá 4,5-5 triệu đồng/kg.

Cao Xuân Thảo trải lòng: Khó nhất là thời gian đầu khi chưa có kinh nghiệm trồng, nào là năng suất thấp, tỉ lệ phôi giống hư, úng nước, kém phát triển… Dù vậy, tôi vẫn cố gắng dành thời gian tìm tòi cách làm mới. Tôi không ngừng học tập, nghiên cứu cách trồng tối ưu, “gầy” thêm 2 lò hấp phôi và tìm nguồn nguyên liệu để tự làm phôi giống, góp phần giảm chi phí đầu tư.

May mắn là phôi giống tôi tự làm cho năng suất cao hơn nhiều so với phôi mua lại của các nhà cung cấp. Vì nếu mỗi phôi giống mua chỉ cho sản lượng 100g/phôi thì phôi tôi tự làm đạt bình quân 300-500g/phôi.

Hiện mô hình trồng nấm của thanh niên 9X này ngày càng hiệu quả, năng suất nấm thu hoạch tăng gấp 3 lần so với thời gian đầu. Ngoài việc tự sản xuất phôi, tự trồng, Thảo còn bán phôi giống cho các cơ sở trồng khác với số lượng bán ra hàng tháng hơn 3.000 phôi. Tính thu nhập từ nấm, trừ chi phí các loại, bình quân mỗi tháng thanh niên này thu về khoảng 70-80 triệu đồng. Đặc biệt là trại nấm của Thảo cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho 6 lao động trong thôn.

Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ

Khởi nghiệp và có nhiều kế hoạch cho tương lai, Cao Xuân Thảo mong muốn sẽ mở rộng mô hình sản xuất, nuôi trồng nấm tại địa phương; xây dựng khang trang phân xưởng chuyên làm phôi giống để vừa trồng vừa bán; dự định đăng ký thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá để sản phẩm được nhiều người biết đến. Thảo cũng dự kiến trồng thêm nấm mộc nhĩ (nấm mèo) vì đây là một trong những loại nấm được người tiêu dùng sử dụng phổ biến.

“Sản xuất, tìm đầu ra, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng luôn là vấn đề hết sức cần thiết. Tôi sẽ cố gắng để các loại nấm do mình làm ra đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Mặt khác, tôi cũng muốn chia sẻ cách làm, kinh nghiệm cho lực lượng đoàn viên, thanh niên trong xã. Kể cả bà con nông dân trên địa bàn, nếu ai muốn làm tôi cũng sẽ hỗ trợ để cùng làm, cùng phát triển kinh tế. Tôi nghĩ, người dân trong thôn, xã mình còn nhiều vất vả, nếu làm tốt các mô hình kinh tế sẽ giúp giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập”, Thảo bộc bạch.

Tại xã An Lĩnh, lực lượng đoàn viên, thanh niên hiện có 327 người, trong đó có 95 đoàn viên thuộc 6 chi đoàn thôn. Ngoài những đoàn viên có công ăn việc làm ổn định thì một số cũng nuôi ước mơ khởi nghiệp, kiếm thêm thu nhập. Anh Nguyễn Văn Lực, Bí thư Đoàn thanh niên xã An Lĩnh cho biết: Triển khai chương trình Tự thân lập nghiệp do Đoàn thanh niên phát động, Đoàn thanh niên xã An Lĩnh thường xuyên tổ chức cho đoàn viên tham gia học tập các mô hình làm kinh tế ở các địa phương khác; nhiều lần kiến nghị UBND xã kết nối, hỗ trợ vốn nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên xây dựng, mở rộng các mô hình làm kinh tế, dịch vụ...

Với những mô hình kinh tế có hiệu quả, Đoàn thanh niên cũng vận động chia sẻ để các đoàn viên khác học tập, nhân rộng mô hình. Với các trại nấm của Cao Xuân Thảo, nhiều đoàn viên, thanh niên trong thôn, xã mong muốn học tập để phát triển. Chúng tôi cũng đã và đang được Thảo hỗ trợ, hướng dẫn cách làm. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình trồng nấm bào ngư xám, linh chi đỏ… sẽ phát triển, tạo thương hiệu cho xã nhà An Lĩnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Bí thư kiêm Trưởng thôn Tư Thạnh, toàn thôn có 126 hộ dân. Lâu nay, bà con gắn bó với nghề làm nông, chuyên trồng keo, mía, chuối hay nuôi heo, bò… Mấy năm nay, người dân trồng thêm một số loại cây ăn quả nhưng hiệu quả chưa cao. Riêng mô hình trồng nấm thì chỉ có Cao Xuân Thảo là người trồng đầu tiên và rất thành công.

Đáng mừng là mô hình khởi nghiệp của thanh niên 28 tuổi này vừa tạo ra sản phẩm sạch tiêu thụ trên thị trường, vừa giúp gia đình phát triển kinh tế. Do vậy, nếu được nhân rộng thì mô hình trồng nấm chắc chắn sẽ tăng thêm thu nhập cho người dân, thanh niên trong thôn, xã.

Trong số các mô hình sản xuất tại An Lĩnh thì mô hình trồng nấm của Cao Xuân Thảo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì địa hình, điều kiện của xã còn khó khăn nên chính quyền xã luôn động viên, khuyến khích người dân, thanh niên… xây dựng các mô hình kinh tế, tạo thu nhập ổn định. Chúng tôi cũng hy vọng và đặt nhiều niềm tin vào lực lượng trẻ trong việc gầy dựng, nhân rộng, phát triển các ý tưởng, mô hình sản xuất mới, tạo ra giá trị sản phẩm cho địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Kim, Phó Chủ tịch UBND xã An Lĩnh

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/255581/cao-xuan-thao-thanh-cong-voi-mo-hinh-trong-nam.html