Cao Bằng kêu gọi đầu tư vào 3 lĩnh vực kinh tế đột phá chiến lược

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững; Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến và Phát triển kinh tế cửa khẩu. Đây là những 3 trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Hội nghị "Giới thiệu Cao Bằng" nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa… của tỉnh Cao Bằng đến các đối tác quốc tế; giúp tỉnh Cao Bằng mở rộng không gian hội nhập quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn các kết nối quốc tế, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực vừa diễn ra ngày 3/10, tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có khoảng 500 đại biểu, gồm lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cùng các sở/ngành và doanh nghiệp của tỉnh; lãnh đạo Bộ Ngoại giao và một số bộ/ngành Trung ương; các cơ quan đại diện trong đoàn ngoại giao, tổ chức/cơ quan quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài; các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu biểu; các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, cho biết Cao Bằng là tỉnh có vị trí chiến lược trọng yếu và là bức "phên giậu" vững chắc tại biên cương phía Bắc Tổ quốc, gắn liền với nhiều hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, Cao Bằng còn là một tỉnh miền núi nghèo, điểm xuất phát thấp nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội.

Nhằm đạt được mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển nhanh và bền vững, Đảng bộ Tỉnh đã xác định ba nội dung đột phá chiến lược của tỉnh trong thời gian tới, bao gồm: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững; Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến; và Phát triển kinh tế cửa khẩu. Ông Hoàng Xuân Ánh bày tỏ tin tưởng rằng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Tỉnh, những kết quả thiết thực tại Hội nghị sẽ giúp mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho tỉnh Cao Bằng.

Với chủ đề "Cao Bằng điểm đến - kết nối và phát triển", trên tinh thần hỗ trợ tối đa, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác trong và ngoài nước đến khảo sát, triển khai các hoạt động đầu tư, tỉnh Cao Bằng cam kết tiếp tục duy trì, thực hiện tốt đường lối đối ngoại toàn diện, góp phần đưa hình ảnh quê hương Cao Bằng ngày càng thân thiện đến với bạn bè quốc tế; phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, tăng cường mở rộng hợp tác phát triển trên mọi lĩnh vực đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; cam kết thực hiện tốt các thỏa thuận ký kết, các nội dung ghi nhớ trong biên bản hợp tác; nâng cao năng lực phối hợp, tích cực hợp tác, kịp thời giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững.

Đánh giá sự kiện "Giới thiệu Cao Bằng" thể hiện mong muốn quyết tâm hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa của Tỉnh trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tưởng rằng với dư địa phát triển dồi dào và định hướng đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, Cao Bằng hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn ưu tiên của các đối tác quốc tế trong thời gian tới.

Trên cơ sở phương châm "nội lực là cơ bản, chiến lược lâu dài; ngoại lực là quan trọng cho đột phá", Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường thúc đẩy và hỗ trợ tối đa các cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài… có nhu cầu đầu tư và hợp tác với Cao Bằng, với trọng tâm về các lĩnh vực: du lịch, thương mại, công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu, vận tải...

Tỉnh Cao Bằng có nhiều nghề thủ công truyên thống vẫn được đồng bào các dân tộc lưu giữ (trong ảnh: Một công đoạn làm giấy dó)

Tỉnh Cao Bằng có nhiều nghề thủ công truyên thống vẫn được đồng bào các dân tộc lưu giữ (trong ảnh: Một công đoạn làm giấy dó)

Tại Hội nghị, nhiều tham luận của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, đại sứ quán các nước tại Việt Nam, trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu, cơ quan báo chí với UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh về tiềm năng, lợi thế, một số lĩnh vực trọng tâm, đột phá của tỉnh. Làm rõ vấn đề hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực; định hướng phát triển du lịch đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi trường gắn với bảo tồn di sản, phát triển Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có lợi thế, ưu đãi, quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp; có cơ chế chính sách thông thoáng, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút nguồn vốn ODA phát triển hạ tầng đô thị, giao thông; tạo điều kiện cho các tổ chức phi Chính phủ hoạt động, đầu tư tại tỉnh…

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun chia sẻ, hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Cao Bằng, nguyên nhân chủ yếu do vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng của tỉnh. Do đó, Cao Bằng cần phát huy tối đa những thế mạnh, đặc biệt cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông để xóa bỏ các rào cản trong vấn đề di chuyển, từ đó thúc đẩy người trong và ngoài nước tìm đến tỉnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ cắt băng khánh thành Triển lãm Không gian Cao Bằng. Triển lãm cung cấp góc nhìn và thông tin tổng quan về mảnh đất Cao Bằng, về tiềm năng kinh tế – văn hóa – du lịch của tỉnh nhằm mở ra các cơ hội hợp tác và khai thác thị trường tiềm năng mới.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM). Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tiếp, làm việc với một số Đại sứ, cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp nước ngoài./.

Với ưu thế đường biên giới dài trên 333 km giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng có mạng lưới các cửa khẩu quan trọng. Tỉnh còn có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn (sắt, mangan, chì…) và nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như lê, thạch đen (Đông Khê), hạt dẻ, gạo nếp Pì Pất (Trùng Khánh)…

Với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng núi phía Bắc, Cao Bằng có được nhiều tiểu vùng sinh thái, nhiều danh lam thắng cảnh như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.... Ngoài ra, tỉnh còn có nền văn hóa đặc sắc với 27 dân tộc anh em, chiếm khoảng 95% dân số toàn tỉnh.

Thái Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cao-bang-keu-goi-dau-tu-vao-3-linh-vuc-kinh-te-dot-pha-chien-luoc-2023100317282662.htm