Canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

Dự án 'Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc' tại Sơn La, do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện giai đoạn 2021-2023 đã xây dựng và nhân rộng các mô hình về canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu tại các xã Bon Phặng, Muổi Nọi, Nậm Lầu, Chiềng Pha, huyện Thuận Châu. Dự án từng bước giúp nông dân các xã thay đổi nhận thức, đổi mới phương thức canh tác nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân bản Phặng, xã Bon Phặng.

Tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân bản Phặng, xã Bon Phặng.

Mô hình canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Bon Phặng được xây dựng song song cả 2 phương thức canh tác hữu cơ và vô cơ. Ông Lò Văn Diện, bản Chậu Phản, xã Bon Phặng, chia sẻ: Gia đình tôi có 6.000 m² đất trồng cà phê phát triển tự nhiên. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn canh tác cà phê bền vững, tôi nắm được kỹ thuật tỉa cành, tạo tán ngay sau thu hoạch, áp dụng quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cà phê nên vườn cà phê phát triển tốt, năng suất cao hơn, thu nhập gia đình cũng được cải thiện. Năm 2021, gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng từ cà phê.

Còn mô hình canh tác khoai sọ thích ứng với biến đổi khí hậu được Dự án triển khai đã góp phần bảo tồn, gìn giữ giống khoai sọ Cụ Cang, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững. Bà Lò Thị Tâm, bản Biên, xã Nậm Lầu, chia sẻ: Năm 2021, sau khi tiếp thu tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi thực hiện chăm bón đúng quy trình, tiết kiệm vật tư nông nghiệp, phân bón và hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong chăm sóc, chất lượng khoai sọ được cải thiện rõ rệt, có củ khoai sọ nặng tới 3kg, giá bán cao điểm lên tới 50.000 đồng/kg, gấp 3 lần trước đó. Vụ khoai sọ năm 2021, với 8.000 m² đất trồng khoai sọ, trừ hết chi phí, gia đình thu lãi khoảng 70 triệu đồng.

Dự án còn xây dựng mô hình canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu (CAR), phục tráng giống lúa bản địa. Với mô hình trình diễn này, Dự án đã hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích các hộ gia đình khác trong bản cùng ứng dụng thực hiện kỹ thuật cấy lúa CAR ở các vụ tiếp theo. Từ năm 2021 đến nay, Dự án đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn đào tạo giảng viên (ToT) cho 61 thành viên chủ chốt tại 16 bản; tổ chức 30 lớp tập huấn truyền đạt kỹ thuật canh tác CAR, nông lâm kết hợp cà phê bền vững, cải tạo giống lúa nếp bản địa, canh tác khoai môn bền vững và biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho trên 10.000 lượt người.

Các lớp tập huấn sử dụng phương pháp thuyết trình, thảo luận, quan sát trực quan, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn thực hành, áp dụng tại hộ gia đình; 100% các hộ được tập huấn đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, đã có 53,4 ha cà phê áp dụng mô hình nông, lâm kết hợp cà phê bền vững và triển khai trồng 3.000 cây trám đen và cây giổi ăn hạt xen trên 50 ha trồng cà phê; thành lập 8 mô hình nhóm nông, lâm kết hợp - cà phê bền vững tại các xã triển khai dự án...

Nhân rộng mô hình, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân tại 4 xã tham gia dự án, năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với Trung tâm SRD tổ chức các lớp tập huấn theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng, giúp nông dân nhận biết sâu bệnh hại, cách sử dụng thuốc BVTV đúng cách, phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học. Đồng thời phát huy vai trò của các học viên trong việc tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu các địa phương, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi canh tác sản xuất thích ứng, bền vững.

Sau hơn một năm triển khai, nông dân tại các địa bàn tham gia dự án đã dần thay đổi nhận thức, áp dụng các biện pháp sản xuất theo hướng thích ứng bền vững, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất, biết sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, nên tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng, cải thiện thu nhập gia đình, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH trên địa bàn.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/canh-tac-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-49851