Cảnh ngày hè - cách nay 6 thế kỷ!

Với quan niệm 'thiên địa nhân hợp nhất', trong thời trung đại phương Đông con người và thiên nhiên gần gũi, giao hòa nên thơ vịnh cảnh là một chủ đề sâu đậm được các nhà Nho tâm đắc. Ngày nay nhìn từ ký hiệu học văn hóa người ta lại thấy thơ vịnh cảnh của người xưa là dấu hiệu cảm quan sinh thái rất đáng chú ý của mối quan hệ đậm đà nhân tính giữa con người và thiên nhiên – điều mà thời đương đại đang tìm kiếm.

Từ góc độ này sẽ thấy các biểu tượng trong thơ vịnh cảnh như là cầu nối, như là sứ giả giữa con người và thiên nhiên. Luôn mang một chiều sâu văn hóa, theo thời gian biểu tượng được bồi đắp, tích lũy thêm các lớp mã ý nghĩa mới. Là hạt giống của cây văn hóa cổ xưa gieo vào mảnh đất đương đại, nảy mầm, lớn lên cho hoa quả ý nghĩa mới, vì thế biểu tượng luôn mang tính truyền thống. Giải mã biểu tượng cũng là một cách tìm về truyền thống. Bài viết xin được tìm hiểu về thơ vịnh ngày hè trong thơ Nguyễn Trãi và thơ thời Hồng Đức.

Hoa sen.

Thơ Nôm Nguyễn Trãi xuất hiện nhiều hình tượng cây hòe: “Rồi hóng mát thuở ngày trường/ Hòe lục đùn đùn tán rợp trương/ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tịn mùi hương” (Bảo kính cảnh giới 43). Cảnh ngày hè có sắc đỏ của hoa lựu bên hiên nhà, có hương vị của sen hồng dưới ao và hình ảnh cây hòe cành lá tươi tốt sum xuê cứ vươn lên trời xanh.

Ông có bài vịnh riêng về hòe: “Mống lành nẩy nẩy bởi hòe trồng/ Một phát xuân qua một phát trông/ Có thuở ngày hòe trương tán lục/ Đùn đùn bóng rợp cửa tam công” (Hòe). “Mống lành” (từ cổ) chỉ con cháu tài giỏi. Câu hai ý nói mỗi mùa xuân qua lại xem hòe lớn lên được bao nhiêu, tức rất quan tâm đến nó. Cảnh ngày hè trong thơ Ức Trai không thể thiếu hòe: “Vì ai cho cái đỗ quyên kêu/ Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu/ Lại có hòe hoa chen bóng lục/ Thức xuân một điểm não lòng nhau” (Cảnh hè).

Thơ ông có nhiều những “giấc hòe an”, “giấc hòe”, “cành hòe”… nên có đủ căn cứ để khẳng định hòe là một tín hiệu thẩm mỹ đặc biệt trong thơ Ức Trai. Hòe cũng xuất hiện nhiều trong thơ Hồng Đức: “Đằng đẵng ngày chầy giương tán nắng/ Đùn đùn bóng rợp phù màn hòe” (Vịnh cảnh mùa hè); “Rợp rợp màn hòe bóng mới xây/ Choi chói hoa vàng đưa gió/ Đun đùn tán lục gương mây” (Màn hòe); “Liễu phất tơ xanh mềm lướt lướt/ Hòe giương tán lục xếp trùng trùng” (Tháng tư)… Nhưng dễ nhận ra chịu ảnh hưởng thơ Ức Trai, từ hình ảnh đến cảm hứng, tình điệu...

Dựa trên cơ sở tần số xuất hiện có thể hình dung ngày xưa các cụ ta thường trồng nhiều cây hòe. Lá hòe xanh thẫm, tán rộng, hoa màu vàng, ngoài ý nghĩa thẩm mỹ, cây hòe cho bóng mát, hoa hòe còn là một vị thuốc quý. Cây hòe gần gũi, thân quen lại nhiều lợi ích nên đi vào thơ Nguyễn Trãi, thơ Lê Thánh Tông - những đại trí thức yêu nước, gần dân, thương dân như lẽ tự nhiên vậy. Hoa hòe nở vào mùa hạ nên vịnh mùa hè không thể thiếu biểu tượng này.

Nhưng hòe còn là một biểu tượng của chiều sâu văn hóa sâu xa nhiều triết lý. Dù yêu hòe nhưng khi tả, cụ Nguyễn Trãi vẫn “đặt” nó ở “cửa tam công” biểu tượng của vị thế vương giả, quyền lực, học vấn (Đùn đùn bóng rợp cửa tam công). “Tam công” lại là một điển tích, sách “Tống sử” kể Vương Hộ đời Tống từng tự tay trồng ba cây hòe ở sân và nói con cháu ta sẽ có người làm đến chức Tam công. Từ đó người ta lấy “sân hòe” để chỉ cha mẹ với ý biết ơn công lao phụ mẫu: “Sân hòe đôi chút thơ ngây/ Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình” (Truyện Kiều).

Đi vào văn hóa cây hòe biểu trưng cho việc đỗ đạt làm quan. Không chỉ Nguyễn Trãi nói nhiều đến “giấc hòe”, có trong cả “Truyện Kiều” (Giấc Nam Kha khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không). Đời nhà Đường một tác giả tên là Lý Công Tá trong sách “Nam Kha ký” kể câu chuyện Thuần Vu Phần giữa trưa hè ngủ dưới gốc hòe mơ được đến nước Hòe An, được nhà vua xứ này gả công chúa xinh đẹp, lại được phong làm Nam Kha Thái thú... Bỗng chàng ta giật mình tỉnh dậy, té ra chỉ là giấc mơ. Vu Phần chỉ biết thở than: “Giữa giấc mộng và đời thực sao cách nhau xa đến thế!”.

Điển tích này rất hay được các nhà Nho mượn để triết lý về sự chảy trôi của thời gian, đời người cũng chỉ gói gọn trong giấc mơ mà thôi. Còn là triết lý về mơ và thực. Mơ thì luôn đẹp nhưng hão huyền,… Từ đó “giấc hòe” cũng là giấc mơ: “Tiếng sen sẽ động giấc hòe/ Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần” (Truyện Kiều). Đặt vào bối cảnh thơ Ức Trai có thể hiểu ông triết lý về công danh cũng hão huyền như giấc mơ vậy (!?).

Cành hoa hòe.

Mùa hè đến hoa sen nở. Ban ngày sen khoe sắc. Ban đêm sen tỏa hương.Ức Trai đưa cảm nhận ấy vào thơ: “Lầm nhơ chẳng bén, tốt hòa thanh/ Quân tử kham khuôn được thử danh/ Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh/ Trinh làm của có ai tranh” (Hoa sen). “Lầm” nghĩa là bùn (từ cổ). Thật khó biết Nguyễn Trãi học ca dao (Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn) hay ca dao học Nguyễn Trãi. “Kham khuôn” là bắt chước, ý câu hai nói chỉ có bậc quân tử mới bắt chước được sen. “Trinh làm của” ý nói sự trinh tiết trong trắng của sen là của báu khó ai tranh được. Bài thơ ngắn ca ngợi sen chủ yếu ở phương diện phẩm chất.

Thơ Hồng Đức cũng vịnh sen: “Đùn đùn mây họp cháu con lắm/ Ngần ngật dù che dòng dõi sang/ Ca ngợi ả Tây lừng thủy quốc/ Mặt bằng Lang sáu đượm thiên hương” (Lại vịnh sen). Tả lá sen bằng từ ngữ miêu tả vũ trụ và con người (Đùn đùn mây họp cháu con lắm). Lá sen như mây hội tụ làm chiếc dù “che dòng dõi sang”. Hai câu sau ca ngợi sen như người đẹp qua hai điển tích. “Ả Tây” tức Tây Thi, người con gái tuyệt đẹp đời Xuân Thu thường hay hái hoa sen (nên càng đẹp thêm). “Lang sáu” có từ tích Tương Xương Tông thời nhà Đường được Vũ Tắc Thiên sủng ái gọi là Lục Lang. Có người khen mặt Lục Lang đẹp như hoa sen nhưng Tắc Thiên Hoàng hậu khẳng định hoa sen đẹp như mặt Lục Lang mới đúng! Không biết cái đẹp nào là chuẩn mực thẩm mỹ cho cái đẹp nào, chỉ biết cả hai cùng rất đẹp, như lẫn vào nhau, nâng đỡ nhau.

Cả trong thơ Nguyễn Trãi và thơ Hồng Đức đều vang lên âm thanh của con cuốc cuốc và tiếng ve. Ức Trai băn khoăn với tiếng cuốc kêu: “Vì ai cho cái đỗ quyên kêu”. Đỗ quyên là tên gọi khác của con chim cuốc. Khi về ẩn ở “Côn Sơn quê cũ”, thơ Ức Trai dường như còn khắc khoải hơn với “trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn”. Một tiếng ve có gì đấy đượm buồn: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ/ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”. Từ láy “lao xao” cho thấy chợ cá ở xa, khác với “dắng dỏi” nghĩa inh ỏi, ram ran ở gần. Tiếng ve như tiếng đàn cầm (cầm ve) gọi hoàng hôn về bao phủ lấy ngôi lầu im lặng. Cảnh nên thơ, trữ tình, có âm thanh nhưng chỉ là “dĩ động tả tĩnh” càng làm không gian vắng lặng.

Cùng đối tượng thẩm mỹ tiếng cuốc, tiếng ve, thơ Hồng Đức vui vẻ hơn: “Tường nọ nhặt khoan vang tiếng cuốc/ Cành kia dắng dỏi gảy cầm ve” (Vịnh cảnh mùa hè). Thơ Hồng Đức có dùng từ “khắc khoải” nhưng vẫn thấy đó chỉ là cái vỏ ngôn ngữ chứ không thấy chiều sâu của tâm trạng: “Khắc khoải đã đau lòng cái cuốc/ Băn khoăn thêm tức ngực con ve” (Nắng hè).

Chim cuốc, tiếng Hán gọi là đỗ quyên hay đỗ vũ, tử quy thường sống trong bụi rậm hoặc góc ao chuôm. Thời điểm cuối xuân đầu hạ cuốc thường cất tiếng kêu khắc khoải. Điển tích ghi ở sách “Sưu thần ký” vua nước Thục tên Đỗ Vũ tức Thục Vọng đế vì ăn chơi để mất nước nên khi chết hóa thành con chim cuốc kêu thảm thiết “cuốc, cuốc”. Đi vào văn chương điển được mở rộng nội hàm chỉ những ai phiêu bạt đất khách quê người mà nhớ về cố hương “Khúc đâu êm ái xuân tình/ Ây hồn Thục đế hay mình đỗ quyên” (Truyện Kiều). Tiếng cuốc vọng vào thơ Nguyễn Trãi mang nghĩa rộng rãi về niềm ưu tư, cảm hoài với quê hương. Âm thanh ấy càng da diết hơn những khi nhà thơ sống trong tâm trạng “bất đắc chí”.

Thơ Hồng Đức rất chú ý tới cách dùng tính từ cực tả và nhấn mạnh vào từ láy, phép điệp: “Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi/ Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè/ Cuốc cuốc, cuốc hằng khua mõ cuốc/ Ve ve, ve lại gẩy cầm ve” (Lại vịnh nắng hè 3). Hình tượng có hồn nhờ khai thác những hình ảnh mang tính đặc trưng riêng biệt, ngộ nghĩnh, sống động, thi vị: “Bẻo lẻo đầu ghềnh con bố cốc/ Lênh đênh mặt nước cái đè he” (Nắng hè). “Bố cốc” tức chim tu hú thường kêu vào đầu hè để nhắc người dân cấy lúa (bố cốc). “Cái đè he” tức cá he mình to, dài, đầu giống đầu lợn, sống ở biển, mùa hè thường nổi từng đàn…!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/canh-ngay-he-cach-nay-6-the-ky--i698582/