Cảnh giác với tin nhắn lừa đảo thanh toán tiền điện

Xuất hiện tình trạng kẻ lừa đảo sử dụng các trạm BTS giả để gửi tin nhắn mạo danh brandname công ty điện lực, đề nghị người dân thanh toán tiền điện.

Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vừa đưa ra thông tin cảnh báo về việc một khách hàng tại Quảng Ngãi nhận được tin nhắn lạ mạo danh doanh nghiệp này.

Theo đó, xuất hiện tin nhắn lừa đảo được gửi đến với brandname của EVNCPC. Nội dung tin nhắn cho biết chủ số điện thoại có một hóa đơn điện chưa chi trả. Phía gửi tin cũng đề nghị người chủ thuê bao phải thanh toán toán khoản tiền này trong vòng 2 ngày kể từ khi nhận được tin nhắn.

Tin nhắn giả mạo Brandname của công ty điện lực.

Tin nhắn giả mạo Brandname của công ty điện lực.

Trước phản ánh của người dùng, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung đã kiểm tra lịch sử gửi thông báo nhưng không ghi nhận việc phát sinh tin nhắn từ phía doanh nghiệp. Đơn vị này cũng đã phối hợp với VNPT kiểm tra và xác nhận doanh nghiệp không gửi tin nhắn SMS có Brandname tương tự đến số điện thoại của khách hàng trên.

Đánh giá sơ bộ của Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung cho thấy, nhiều khả năng đang có đối tượng vận hành thử nghiệm 1 trạm BTS giả để gửi tin nhắn giả mạo đến khách hàng ngành điện. Tuy vậy, hiện tượng trên chỉ mới được ghi nhận trên một khách hàng duy nhất, chưa phát sinh trường hợp nào khác.

Trước thực tế trên, Tổng công ty Điện lực miền Trung đang phối hợp với các nhà mạng cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ Brandname để có biện pháp dự phòng, ngăn chặn và tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, tránh để kẻ xấu khai thác, lợi dụng gửi tin nhắn lừa đảo.

EVNCPC khuyến cáo người dùng khi nhận tin nhắn lạ có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo, cần thông báo ngay đến bộ phận chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, tuyệt đối không click vào các đường link trong tin nhắn, không cung cấp thông tin hay chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Mạo danh Brandname gửi tin nhắn lừa đảo là thủ đoạn được giới tội phạm thường xuyên sử dụng. Ảnh: Trọng Đạt.

Mạo danh Brandname gửi tin nhắn lừa đảo là thủ đoạn được giới tội phạm thường xuyên sử dụng. Ảnh: Trọng Đạt.

Thời gian qua, Bộ TT&TT ghi nhận tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả, mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn.

Theo ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), trong các vụ việc kiểu này, kẻ xấu đã sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tín hiệu sóng vô tuyến điện. Sóng của các thiết bị này đè lên sóng của các nhà mạng.

Trong khoảng cách 100m, các thuê bao di động sẽ bị kết nối với sóng của các trạm BTS giả mạo thay vì kết nối với các nhà mạng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một lỗ hổng bảo mật của mạng GSM (2G). Lỗ hổng này tuy đã được các tổ chức quốc tế phát hiện nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Trước sự xuất hiện của các trạm BTS giả mạo, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan hữu quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hải quan,... nhằm kiểm soát, không cho phép thiết bị BTS giả được bán trên các sàn thương mại điện tử và đưa vào Việt Nam. Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các Sở TT&TT địa phương tiến hành kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh các trạm BTS.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/canh-giac-voi-tin-nhan-lua-dao-thanh-toan-tien-dien-2169487.html