Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, xâm nhập thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc nếu sử dụng và bảo quản thực phẩm không đúng cách. Vì vậy, mỗi người dân nên lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bác sỹ Ngô Quang Chiến, Phó trưởng Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, ngộ độc thực phẩm cấp tính thường xảy ra ngay sau khi ăn phải thức ăn không đảm bảo, với các biểu hiện như: Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn ói liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ngộ độc cấp tính thường do ăn phải thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay hóa chất với số lượng lớn. Các triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn khi xảy ra ở trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch kém hoặc đang mắc các bệnh mãn tính. Ngộ độc thực phẩm có thể biểu hiện ở một hoặc nhiều cơ quan khác nhau từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể tử vong. Các trường hợp ngộ độc cần phải được nhập viện để bù nước điện giải cũng như theo dõi thêm nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra ATVSTP tại nhà hàng Tràng An (TP Tuyên Quang).

Mùa hè là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 150 người mắc, 1 trường hợp tử vong, tăng hơn 3 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Theo ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thức ăn (do vi sinh vật, hóa chất, thực phẩm chứa độc tố tự nhiên chưa được kiểm soát). Vì vậy, trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao nhất là từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: Cá, thịt, hải sản, sữa... Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao thì dù thức ăn được nấu chín, đun sôi, độc tố vẫn còn, người sử dụng vẫn có nguy cơ bị ngộ độc. Mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như: Ruồi, nhặng, gián, muỗi... Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thức ăn, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, giữ gìn đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. Khi bị ngộ độc thực phẩm, người thân cần có biện pháp sơ cứu. Sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/canh-giac-voi-ngo-doc-thuc-pham-mua-nang-nong-134374.html