Cảnh giác trước tình trạng 'sốt' đất ảo

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vẫn còn đang trong quá trình chờ phê duyệt, dự kiến phải đến tháng 6/2021 mới công bố chính thức. Tuy nhiên, ngay sau khi có thông tin về đồ án quy hoạch, giá đất tại các địa phương trong khu quy hoạch lập tức có dấu hiệu 'nhảy múa' bất thường.

Gây nhiễu loạn thông tin nhằm thu lợi bất chính

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá đất tại các địa phương có trong quy hoạch hiện không chỉ tăng theo từng ngày, mà còn theo từng giờ. Thậm chí, nhiều người dân sinh sống tại Đông Anh, Long Biên, Tây Hồ,… cũng bị cuốn vào “cơn lốc” giá đất và trở thành “cò” đất.

Phường Phúc Xá gắn biển yêu cầu các hộ dân không mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng đất tại khu vực bờ vở sông Hồng.

Phường Phúc Xá gắn biển yêu cầu các hộ dân không mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng đất tại khu vực bờ vở sông Hồng.

Cụ thể, ở huyện Đông Anh hiện giá đất đang rất “sốt”, đặc biệt là sau khi có quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Khi có thêm thông tin về việc Hà Nội sẽ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, giá đất lại như có thêm “đòn bẩy” bật tăng mạnh mẽ. Thậm chí, một số nơi như xã Xuân Canh, Mai Lâm,… giá đất đã tăng lên gấp đôi chỉ trong vòng 1 tuần.Tương tự, tại quận Long Biên (Hà Nội), mặc dù không có sự tăng đột biến như ở Đông Anh nhưng giá đất những ngày qua cũng có dấu hiệu tăng nhẹ.

Khảo sát thêm tại các quận Tây Hồ, Ba Đình, tình trạng giá đất “tăng nhiệt” cũng đang diễn ra.Nhà đất tại khu vực ngõ 76 phố An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) hay phố An Xá (phường Phúc Xá, quận Ba Đình)... thu hút khá nhiều người quan tâm đón đầu quy hoạch phân khu sông Hồng. Tại đây, các “cò” đất đều đưa ra bảo đảm, 100% thửa đất ở khu vực này đều được phép xây dựng, được cấp điện, nước.Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ dân phố số 1 phường Phúc Xá, cho biết, có thông tin một số người đã đến cụm dân cư số 1 để hỏi mua nhà, đất với giá 1,7 tỷ đồng cho mảnh đất 20m2. Đáng nói, theo bà Tuyết phần diện tích đất này không được phép mua bán, giao dịch dưới bất cứ hình thức nào.Thậm chí có nhiều người còn chưa nắm rõ thông tin quy hoạch, nghe nói đất tăng giá cũng đi khắp nơi tung tin thất thiệt, vô tình giúp các “cò” đất “thổi” giá ảo nhằm thu lợi bất chính.

Đại diện phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, cho biết, gần đây có hiện tượng một số chủ nhà muốn rao bán nhà đất khiến tình trạng giá đất có phần nóng lên, mặc dù vậy phường vẫn chưa ghi nhận trường hợp mua bán nào diễn ra. Đáng chú ý, tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, chính quyền sở tại đã ghi nhận hiện tượng nhổ cọc cảnh báo cấm, lấn chiếm, mua bán, giao dịch đất khu vực bờ vở sông Hồng của một số đối tượng chưa rõ lai lịch.Theo người dân, thực chất giá đất tại khu vực này những ngày qua không tăng đột biến, một số người hỏi mua đất, tuy nhiên chủ yếu vẫn là những nhà đầu tư. “Giá bất động sản hiện tại có tăng nhẹ, nhưng thực chất chưa tăng đến mức quá cao như đồn thổi. Chủ yếu giá tăng cao là do “cò” đất, hoặc do người dân tự thổi giá lên” ông Vũ Ngọc Hoan, cụm dân cư số 1 phường Phúc Xá, cho biết.

Xử lý nghiêm hành vi “thổi” giá”

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phúc Xá, cho biết, đối với khu vực lòng sông, bãi giữa, bờ vở sông Hồng, các hộ dân đang sử dụng, canh tác đất để trồng hoa màu phải tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều. Nghiêm cấm không được xây dựng công trình, không được tự ý khoan giếng. Không được mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng đất dưới mọi hình thức.

Nhìn dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản, dự án nhà, đất muốn đưa vào kinh doanh, mua bán phải đủ các điều kiện pháp lý. Khi mua nhà, đất, để tránh rủi ro, ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư (bên bán) cung cấp hồ sơ pháp lý chứng minh dự án nhà, đất đủ điều kiện mua bán, người dân cũng cần tìm hiểu thông tin pháp lý nhà, đất tại Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi nhà, đất tọa lạc trước khi đặt cọc mua. Ủy ban nhân dân quận, huyện có nghĩa vụ cung cấp thông tin pháp lý về nhà, đất, dự án theo yêu cầu của người dân. Thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều người chủ quan mua bán đất bằng giấy viết tay hoặc thậm chí bên mua chưa tìm hiểu rõ nguồn gốc đất mà vẫn đặt tiền mua đất. Hậu quả xảy ra sau này khó lường. Theo quy định, tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ 7 - 20 năm, thậm chí là chung thân.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam,với tình trạng đất bị đẩy giá lên cao tại một số khu vực như đề cập ở trên và cả những nơi nằm trong đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, những cơn “sốt” đất này đều là ảo. Môi giới nhà đất đang tự đẩy giá lên cao khiến giá đất tăng gấp nhiều lần so với mức giá bình thường.Cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng đăng thông tin mua bán dự án nhà, đất sai sự thật để lừa khách hàng. Các địa phương phải siết chặt quản lý để ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để cho đối tượng môi giới đất trục lợi…

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/canh-giac-truoc-tinh-trang-sot-dat-ao-120627.html